TTO - Đã đến lúc cần nghĩ đến việc “cải thiện văn hóa từ thiện” để chúng ta không chỉ dừng lại ở từ thiện nhân đạo khẩn cấp, tự phát mà phải song song với từ thiện phát triển, chuyên nghiệp.

Cải thiện văn hóa từ thiện: Chỉ lòng tốt thôi thì không thể đi xa - Ảnh 1.

Khởi xướng dự án Rừng Việt Nam, ca sĩ Hà Anh Tuấn (trái) cùng công ty đã trồng hơn 1.800 cây tại Lâm Đồng và Đà Nẵng trong tháng 8 và tháng 10. Hiện dự án đang được phát triển tiếp ở các địa phương khác - Ảnh: NVCC

Câu chuyện này được bà Tôn Nữ Thị Ninh - chủ tịch Quỹ Hòa bình và phát triển - chia sẻ một phần trong hội thảo "Từ thiện phát triển - xu hướng trong và sau COVID-19" được các tổ chức phi lợi nhuận tổ chức ở Hà Nội ngày 29-10.

Tuổi Trẻ cũng ghi nhận thêm những ý kiến chuyên gia khác về câu chuyện đang thu hút sự quan tâm của dư luận này.

Chỉ lòng tốt thôi thì không thể đi xa, phải cố gắng vươn tới sự chuyên nghiệp và hợp tác, có trách nhiệm với đồng tiền của nhà tài trợ bỏ ra để thu lại hiệu quả tốt nhất. Không chuyên nghiệp thì hạn chế hiệu quả. Biết cách cho thì làm được nhiều việc, giúp được nhiều người hơn.

- Bà Tôn Nữ Thị Ninh -

Tốt bụng, minh bạch thôi chưa đủ

Rất "ấn tượng" với các con số huy động được từ cộng đồng để cứu trợ đồng bào miền Trung, bà Tôn Nữ Thị Ninh muốn bàn đến một câu chuyện sâu xa hơn: không chỉ dừng lại ở từ thiện nhân đạo, cứu trợ khẩn cấp mỗi mùa bão lũ, mà còn cần có từ thiện phát triển và có chiến lược lâu dài.

"Nếu chỉ dừng lại ở từ thiện nhân đạo, cứu trợ khẩn cấp về lương thực, áo quần thôi thì chúng ta khó là một xã hội phát triển.

Bên cạnh và cùng với từ thiện nhân đạo, cứu trợ thì dần dần phải có từ thiện phát triển - từ thiện mang tính chủ động, có tầm nhìn, đích đến rõ ràng, hướng tới sự bền vững bằng minh bạch giải trình và chuyên nghiệp" - bà Ninh chia sẻ với Tuổi Trẻ bên lề hội thảo.

Theo bà Ninh, ngoài những cứu trợ khẩn cấp trong các trường hợp thiên tai, hoạn nạn thì phải có cả những hoạt động thiện nguyện lâu dài của các tổ chức từ thiện chuyên nghiệp, chủ động trao cho những đối tượng yếu thế trong xã hội những "cần câu", dạy cho họ cách "câu cá", khuyến khích họ muốn "đi câu" và tạo một môi trường có nhiều "cá" để người ta "câu".

Đây gọi là từ thiện phát triển, và loại hình này chỉ mới bắt đầu sơ khởi ở Việt Nam.

Từ thiện phát triển ngoài lòng tốt, sự tử tế, còn cần phải có cả sự chuyên nghiệp - ngoài trách nhiệm minh bạch thì còn cần những báo cáo về hiệu quả của những đồng tiền từ thiện mà nhà tài trợ đã bỏ ra.

Từ thiện phát triển phải tạo được năng lực và bản lĩnh cho người được hỗ trợ để dần dần giúp họ có thể đứng trên đôi chân của mình và tự nắm lấy trách nhiệm của cuộc đời mình. Theo bà Ninh, nếu những người nhận hỗ trợ mà năm này qua năm khác vẫn phải nhận hỗ trợ thì hoạt động từ thiện, hỗ trợ đó là chưa thành công.

Cải thiện văn hóa từ thiện: Chỉ lòng tốt thôi thì không thể đi xa - Ảnh 3.

Bà Tôn Nữ Thị Ninh - chủ tịch Quỹ Hòa bình và phát triển

Cần có chính sách để dân yên tâm góp từ thiện

Chia sẻ với Tuổi Trẻ về câu chuyện đang thu hút dư luận, ông Nguyễn Quang Đồng - viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách và phát triển truyền thông - cũng có những trăn trở tương tự về chuyện còn thiếu vắng hoạt động từ thiện phát triển, từ thiện chuyên nghiệp ở Việt Nam.

Theo ông, về lâu dài cần có định hướng thúc đẩy loại hình dài hạn này, ví như quỹ từ thiện của Bill Gates với các hoạt động thiện nguyện ở các nước đang phát triển như hỗ trợ về vệ sinh, nâng cao chất lượng sống, nghiên cứu vắcxin giá rẻ cho người nghèo...

Ở Việt Nam, một số người bỏ tiền vào Đại học Fulbright cũng là một hình thức của từ thiện phát triển. Tuy nhiên, những quỹ như vậy chưa nhiều ở Việt Nam.

"Cùng với sự phát triển kinh tế, khoảng cách giàu nghèo sẽ ngày càng lớn, nên số lượng người yếu thế như lao động nghèo ở đô thị, công nhân nhập cư, người dân tộc thiểu số, khuyết tật... ngày càng nhiều hơn.

Và ngân sách nhà nước không thể bao quát hỗ trợ các nhóm yếu thế này, vì thế cần thêm nguồn lực từ tư nhân bù vào để giải quyết vấn đề bất bình đẳng xã hội" - ông Đồng nói.

Và hiện nay ở Việt Nam, với sự lớn mạnh của tầng lớp trung lưu và người giàu, các nhóm này rất sẵn sàng để ủng hộ cho các quỹ từ thiện phát triển cũng như từ thiện nhân đạo.

Nhưng để thu hút được những nguồn lực này, Nhà nước phải tạo cơ chế và động lực để khuyến khích người giàu bỏ tiền vào các quỹ từ thiện phát triển bằng chính sách miễn giảm thuế được thực thi trong thực tế.

Hai là Nhà nước phải có cơ chế bảo vệ lòng tin, quyền lợi của những người bình thường đóng góp nhỏ cho các tổ chức từ thiện chuyên nghiệp bằng việc có luật cho các tổ chức này hoạt động tốt.

Khi đó, người dân không chỉ đóng góp những khoản trực tiếp theo kiểu mua sách vở, đồ ăn cho những trường hợp cứu trợ khẩn cấp, mà sẽ đóng góp thông qua tổ chức phi lợi nhuận để giải quyết những vấn đề dài hạn như biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai, hỗ trợ các nhóm yếu thế trong xã hội.