Thường trực Thành ủy Hà Nội có buổi đối thoại với người dân 3 xã Hồng Kỳ, Nam Sơn, Bắc Sơn (H.Sóc Sơn) để tìm biện pháp giải quyết tình trạng 'khủng hoảng rác' từ nhiều năm nay của TP.Hà Nội.
Chiều 30.10, Thường trực Thành ủy Hà Nội đã có buổi đối thoại với người dân 3 xã Hồng Kỳ, Nam Sơn, Bắc Sơn (H.Sóc Sơn) để tìm biện pháp giải quyết tình trạng 'khủng hoảng rác' từ nhiều năm nay của TP.Hà Nội. Cuộc đối thoại do tân Phó bí thư Thành ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Nguyễn Văn Phong và Phó chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng chủ trì.
Tại cuộc đối thoại, 14 người đã đại diện cho người dân địa phương nêu ý kiến, chủ yếu xoay quanh triển khai việc di dời chậm, định mức chi trả thấp so với nguyện vọng của người dân, bãi rác gần đây quá tải nên ô nhiễm nặng nề. Bên cạnh đó, người dân cũng đề xuất được tăng mức hỗ trợ độc hại.
Ông Lê Văn Hộ, nguyên Chủ tịch UBND xã Nam Sơn, cho biết bãi rác bắt đầu hoạt động từ 1999 thì từ đó đến 2005, xã chỉ có 2 người chết vì ung thư. Tuy nhiên, từ 2005 đến nay thì không dưới 100 người.
Đường phố Hà Nội ngập ngụa rác thải vì dân chặn xe vào bãi rác Nam Sơn
Sau khi nghe ý kiến của người dân, Phó chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng trả lời các vấn đề cụ thể, trong đó lãnh đạo Hà Nội đã có nhiều cam kết “vượt rào” cho riêng người dân đã phải hy sinh, chịu đựng bãi rác hơn 20 năm qua.
Thứ nhất, ông Hùng yêu cầu Giám đốc Sở Xây dựng Võ Nguyên Phong có các biện pháp giảm tối đa ô nhiễm từ việc vận chuyển rác. Thứ hai là cấp miễn phí bảo hiểm y tế cho người dân vùng ảnh hưởng. Thứ ba là đền bù cả các công trình xây dựng ngoài đất có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ). “Theo quy định, ngoài sổ đỏ chỉ được hỗ trợ, không được đền bù, nhưng với bà con Sóc Sơn, chúng tôi sẵn sàng đền bù cho bà con 100% với các công trình xây dựng hợp pháp, chính đáng. Khối lượng tiền này không nhỏ, cũng hàng ngàn tỉ đồng”, ông Hùng cho biết.
Cũng theo ông Hùng, khu vực này có 178 hộ có sổ đỏ, đa số là vượt hạn mức theo quy định (đất ở không quá 400 m2), có sổ lên đến 1.700, 1.900 m2. Qua thanh tra, Thanh tra TP.Hà Nội phát hiện chỉ có 3 sổ hợp pháp và đầy đủ, 65 sổ không đúng quy định, 115 sổ đỏ không có hồ sơ nào ở chính quyền địa phương, chỉ có sổ bà con đang lưu giữ. Vì vậy, Hà Nội sẽ rà soát lại để đảm bảo công bằng cho cả những người chưa có điều kiện làm sổ đỏ, trên cơ sở “quyền lợi của người dân được bao nhiêu thì đền bù cho người dân bấy nhiêu”.
Về việc đất tái định cư giá 2,7 triệu/m2 là quá cao, ông Hùng thừa nhận việc này và cho biết đây là mức thấp nhất trong bảng giá của TP. Do đó, TP.Hà Nội sẽ hỗ trợ theo hướng người dân được đền bù bao nhiêu cứ nhận tiền, nộp lại cho TP, TP sẽ giải quyết cho tất cả mức tái định cư tối thiểu 240 m2/hộ, thiếu bao nhiêu tiền TP sẽ bù…
Người dân các xã bị ảnh hưởng đã bày tỏ rất kỳ vọng vào kết quả của cuộc đối thoại này.