SGGPO - Qua 3 năm thực hiện Quyết định 2348 ngày 5-12-2016 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án Xây dựng và phát triển mạng lưới y tế cơ sở (YTCS) trong tình hình mới, tại TPHCM, bức tranh YTCS có nhiều điểm sáng nhưng cũng còn không ít “điểm tối” cần khắc phục. Tuyến YTCS tại TPHCM cần sự vào cuộc quyết liệt hơn của các cấp ngành mới phát huy hiệu quả.

Điểm sáng từ mô hình mới

Trong tình cảnh “nỗi buồn bủa vây” nhiều trạm y tế (TYT) trên địa bàn TPHCM, TYT phường Tân Quý, quận Tân Phú, TPHCM đang là điểm sáng của YTCS. Đây là 1 trong 3 TYT tại TPHCM được Bộ Y tế lựa chọn làm TYT điểm (cùng với TYT phường Bình Chiểu, quận Thủ Đức và TYT xã đảo Thạnh An, huyện Cần Giờ), dần tạo được niềm tin của người dân trong khám chữa bệnh (KCB) bảo hiểm y tế và chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân. Điều này thể hiện ở số lượng người bệnh đến KCB ngày càng tăng lên.

BS Lâm Phước Trí, Trưởng TYT phường Tân Quý, cho biết trạm đang quản lý hơn 400 hồ sơ bệnh án, quản lý bệnh không lây. So với cùng kỳ 2018 (trước khi được chọn), số lượt người đến KCB tại trạm đã tăng gấp 2 lần; mỗi ngày thu hút khoảng 70 người dân đến KCB, trong đó 50% là bệnh nhân huyết áp và tiểu đường.

Tại TYT phường 3 (quận 3), đơn vị này cũng đã mạnh dạn đổi mới hoạt động và tiên phong trên địa bàn quận 3 về KCB kết hợp vật lý trị liệu, phục hồi chức năng cho người bệnh nhằm khắc phục tình trạng vắng bóng bệnh nhân. Khảo sát thực tế, tại đây mỗi ngày có hơn 20 lượt người đến KCB kết hợp tập vật lý trị liệu, phục hồi chức năng. Ngoài ra, có hơn 10 lượt bệnh nhân đến KCB như thay băng, châm cứu, đo huyết áp, sơ cấp cứu…

Theo BS Đặng Thị Quốc Khánh, Trưởng TYT phường 3, việc KCB bằng phương pháp vật lý trị liệu, phục hồi chức năng được trạm phối hợp với Bệnh viện Phục hồi chức năng quận 8 thực hiện. Theo đó, Bệnh viện quận 8 hỗ trợ ngân sách, đội ngũ y bác sĩ, kỹ thuật viên có chuyên môn đến trạm mỗi ngày để trị liệu cho người dân. Ngược lại, trạm sẽ hỗ trợ về mặt cơ sở, trang thiết bị, máy móc để thực hiện. Đến nay, đã có 40 hồ sơ đăng ký tập vật lý trị liệu tại trạm và 80 hồ sơ đăng ký tập tại nhà người bệnh.

Còn Phòng khám Đa khoa vệ tinh phường Thảo Điền (quận 2) - mô hình thí điểm kết hợp y tế cơ sở và bệnh viện tuyến quận được Bệnh viện quận 2 đầu tư, chuyển giao máy móc thiết bị, kỹ thuật hiện đại và nguồn nhân lực. Phòng khám có 8 khoa (cấp cứu, nội - ngoại nhi, răng - hàm - mặt, da liễu, y học cổ truyền, xét nghiệm, mắt, X-quang) với gần 20 nhân viên y tế. Sau gần 2 năm hoạt động, phòng khám đã có bước chuyển mình tích cực, góp phần san sẻ gánh nặng cho các bệnh viện tuyến trên, mỗi ngày tiếp nhận khoảng 100 ca bệnh. Trong 6 tháng đầu năm 2020, tổng số lượt người đến KCB tại đây đạt gần 15.000 lượt, tăng gấp 3,75 lần so với cùng kỳ năm 2018. Đặc biệt, gần 2 năm, chỉ có 3 trường hợp phải chuyển tuyến.

Nhọc nhằn y tế cơ sở: Cần sự đầu tư tương xứng ảnh 1
BS Châu Quang Khải, Trưởng Trạm y tế phường 15 (quận Tân Bình), khám bệnh cho ông Nguyễn Tất Hợi. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Một mô hình sáng tạo khác trong KCB cho người dân từ đầu đợt dịch Covid-19 là phương án hỗ trợ KCB từ xa, KCB tại nhà cho người dân đang có tín hiệu tích cực. Điển hình là mô hình KCB từ xa trên nền tảng ứng dụng (True Conf.) tại Trung tâm Y tế (TTYT) quận Gò Vấp.

TS-BS Nguyễn Trung Hòa, Giám đốc TTYT quận Gò Vấp, cho biết, từ tháng 3-2020, trung tâm đã triển khai thí điểm mô hình KCB từ xa, thông qua hệ thống telemedicine cho người dân trên địa bàn với các điểm cầu đặt tại TYT phường 16, TYT phường 8, TYT phường 12 và Phòng khám Đa khoa Nguyễn Thái Sơn. Theo đó, hàng ngày có 1-2 điều dưỡng đến tận nhà người bệnh, kiểm tra huyết áp, đo đường huyết... Sau đó dùng máy tính bảng kết nối với bác sĩ tại TYT để được thăm khám và kê đơn thuốc.

Theo Sở Y tế TPHCM, mô hình KCB từ xa đã góp phần lấp đầy khoảng trống khá phổ biến hiện nay trong công tác chăm sóc ban đầu cho người dân tại các TYT. Đáng chú ý là lấp được khoảng trống giữa nhu cầu chăm sóc tại nhà cho người cao tuổi và nguồn nhân lực vốn còn hạn chế của các TYT, nhất là bác sĩ. KCB từ xa cũng giúp đảm bảo tính liên tục trong điều trị tại bệnh viện và chăm sóc sức khỏe ban đầu tại cộng đồng. Ngoài ra, việc hội chẩn trực tuyến cũng giúp bác sĩ tuyến trên và tuyến dưới chia sẻ kinh nghiệm lẫn nhau, thu hẹp khoảng cách giữa các bác sĩ làm công tác KCB ban đầu.

Tháo gỡ bất cập

TPHCM đang rất quyết tâm trong việc cải tổ hệ thống y tế, đặc biệt là việc sáp nhập một số bệnh viện và TTYT quận, huyện. Theo đó, lĩnh vực KCB và phục hồi chức năng của TPHCM có 2 tuyến là thành phố và quận huyện. Tuyến thành phố có 32 BV (gồm 10 bệnh viện đa khoa, 22 bệnh viện chuyên khoa) và Trung tâm Cấp cứu 115. Tuyến quận huyện sẽ sáp nhập 4 bệnh viện quận huyện (hạng III) vào TTYT quận, huyện (trừ BV quận, huyện hạng II trở lên) trước ngày 1-1-2021. Cụ thể: có 4 địa phương sẽ sáp nhập bệnh viện vào TTYT thành Trung tâm y tế đa năng là quận 3, 5, 10 và huyện Cần Giờ. 20 quận huyện còn lại tồn tại song song bệnh viện và TTYT.

UBND TPHCM cũng có đánh giá xếp hạng các BV và TTYT trên địa bàn thành phố, trong đó có 4 BV được nâng từ hạng 2 lên hạng 1 và 10 BV hạng 3 lên hạng 2. Đáng chú ý, nhiều BV tuyến quận huyện đã có những chuyển biến rõ rệt trong việc nâng cao chất lượng hoạt động nên đã có bước “nhảy vọt” đáng kể trong bảng xếp hạng, điển hình như BV quận 2, BV quận 11, BV Tân Phú… BV quận Thủ Đức tiếp tục giữ vững là một trong những BV tuyến cơ sở tốt nhất của thành phố.

Điều đội ngũ y bác sĩ tuyến cơ sở còn trăn trở là bài toán về chế độ đãi ngộ với cán bộ, y bác sĩ cơ sở, thu nhập bình quân khoảng 3,5 triệu đồng đến gần 10 triệu đồng/tháng. “Thu nhập không tương xứng với công việc chúng tôi phải đảm nhận, vừa làm công tác dự phòng, vừa tham gia KCB nên khó thu hút được bác sĩ về làm việc và nguy cơ nghỉ, bỏ việc cao”, BS Lâm Phước Trí, Trưởng TYT phường Tân Quý, quận Tân Phú chia sẻ.
 
 
BS.CKI Phạm Xuân Hải, Phó Giám đốc TTYT quận 9 chia sẻ, việc quy hoạch lại tuyến YTCS là chủ trương đúng của thành phố. Tuy nhiên, TTYT trước trực thuộc UBND quận huyện, đa số được xếp hạng 3, nhiều trung tâm vươn lên hạng 2, nhưng khi sáp nhập về Sở Y tế, đa số rớt xuống hạng 4. Hạng 4, theo quy định không được tổ chức đấu thầu thuốc nên chủ yếu được cấp thuốc hạng 4 - những loại thấp nhất trong danh mục thuốc nên không hút được người bệnh tới KCB bằng BHYT.

“Cơ sở y tế đủ điều kiện KCB BHYT phải “xin” khám nhờ mã KCB của bệnh viện. Bất cập này cần được tháo gỡ”, BS Hải chia sẻ, đồng thời đề xuất: cần bổ sung danh mục kỹ thuật, danh mục thuốc BHYT để YTCS mở rộng phạm vi KCB BHYT, như lĩnh vực y học cổ truyền, khám quản lý thai và điều trị bệnh phụ khoa, thanh toán BHYT các xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh trong phạm vi hoạt động của TYT và giường lưu... Xây dựng và ứng dụng gói dịch vụ y tế cơ bản do mạng lưới YTCS cung cấp, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe người dân, trong đó có dịch vụ chăm sóc sức khỏe tại nhà.

Về bài toán nhân lực cho tuyến YTCS, theo PGS-TS-BS Nguyễn Thanh Hiệp, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, trường hiện đang thực hiện đào tạo ngành y học gia đình. Mục đích nhằm tăng cường đội ngũ BS KCB liên tục cho người dân tuyến cơ sở của thành phố. Từ năm 2016 đến nay, có trên 1.500 y bác sĩ của TPHCM và địa phương khác tham gia đào tạo bồi dưỡng kiến thức y học gia đình tại trường. Bên cạnh đó, trường mở thêm lớp bồi dưỡng kiến thức y học gia đình (đào tạo 3 tháng) dành cho các BS đã có chứng chỉ hành nghề nội khoa nhưng muốn bổ túc thêm về y học gia đình.

“Đây là nguồn nhân lực dồi dào KCB ban đầu tại cơ sở, chắc chắn giúp thành phố giảm tải cho tuyến trên, cũng như bổ sung nguồn nhân lực thiếu hụt của quận, huyện”, PGS-TS-BS Nguyễn Thanh Hiệp nhấn mạnh.

Trong khi đó, Trường Đại học Y Dược TPHCM hàng năm tuyển sinh 120 chỉ tiêu ngành y học dự phòng. Theo PGS-TS-BS Trần Diệp Tuấn, Hiệu trưởng nhà trường, nhân lực BS y tế dự phòng tại TPHCM và khu vực phía Nam đang thiếu nhiều, nhà trường mong muốn nhận được “đơn đặt hàng” từ phía TPHCM, nhằm đáp ứng giữa cung và cầu.

Bà Nguyễn Thị Thu Hằng, Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội TPHCM:
Trục trặc trong giai đoạn giao thời
Hiện nay việc cấp mã KCB do cơ sở y tế thực hiện. Theo Điều 42, Nghị định 146 có hiệu lực ngày 1-12-2018 quy định: Bộ Y tế phải ban hành bộ mã danh mục dùng chung để sử dụng thống nhất cả nước, gồm: Dịch vụ kỹ thuật y tế; vật tư y tế; mã chẩn đoán bệnh theo phân loại quốc tế (ICD); mã cơ sở KCB và các bộ mã đáp ứng yêu cầu quản lý... Ngày 30-1-2019, Bộ Y tế tiếp tục có Quyết định 384, ban hành nguyên tắc cấp mã cơ sở KCB. Quyết định ghi rõ: “Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được cấp mã cho các cơ sở KCB đóng trên địa bàn…”. Trước khi có các nghị định và quyết định trên, Bảo hiểm xã hội TPHCM thực hiện cấp mã cho cơ sở KCB ở TPHCM, nhưng hiện nay việc này đã bàn giao lại cho Sở Y tế TPHCM.

QUANG HUY - KIM HUYỀN