SGGPO - Ngày 31-10, đoàn công tác Trung ương làm việc với TPHCM, khảo sát và góp ý đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trên địa bàn TPHCM giai đoạn 2019-2021.

Các đồng chí Trần Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Nội vụ; Nguyễn Thành Phong, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM chủ trì hội nghị.

Cùng tham dự hội nghị có Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM Lê Thanh Liêm.
Sắp xếp cán bộ dôi dư sau khi sáp nhập quận, phường: Xong trong năm 2021 ảnh 1
Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong phát biểu tại hội nghị, ngày 31-10-2020. Ảnh: VIỆT DŨNG

Buổi khảo sát quan trọng với TPHCM

Trước khi diễn ra hội nghị, đoàn công tác Trung ương đã khảo sát điều kiện tự nhiên, hiện trạng kinh tế - xã hội; cơ sở hạ tầng; tổ chức, bộ máy của các khu vực thực hiện sắp xếp theo Đề án sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và thành lập thành phố Thủ Đức trên địa bàn TPHCM trong giai đoạn 2019-2021.

Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong khẳng định, buổi khảo sát thực địa sáng 31-10 của đoàn công tác rất quan trọng với TP. Theo đồng chí Nguyễn Thành Phong, đây là một cơ hội để thành phố có thể tiếp nhận những đánh giá và ý kiến thảo luận sâu hơn, chi tiết hơn để hoàn thiện các nội dung trong Đề án, nhất là những vấn đề còn thiếu và chưa sát với điều kiện hiện nay.

Kết quả khảo sát và hội nghị sẽ là tư liệu quan trọng để thành phố hoàn chỉnh lại các vấn đề còn thiếu, các phương án, nhiệm vụ, giải pháp mới để khi thực hiện tổ chức triển khai Đề án sẽ đạt được hiệu quả cao nhất.

Nhấn mạnh đề án thành lập thành phố Thủ Đức, đồng chí Nguyễn Thành Phong cho hay đây là nội dung mà TPHCM đã ấp ủ từ nhiều năm, nhằm giúp nơi đây trở thành một hạt nhân, cực tăng trưởng mới thúc đẩy phát triển TPHCM và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong thông tin thêm, hiện TPHCM đã chọn được ý tưởng thiết kế khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông thành phố và đang triển khai ý tưởng này thành quy hoạch cụ thể, để sớm mời gọi đầu tư.

Sắp xếp cán bộ dôi dư sau khi sáp nhập quận, phường: Xong trong năm 2021 ảnh 2
Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong phát biểu tại hội nghị, ngày 31-10-2020. Ảnh: VIỆT DŨNG
 
Các thành viên đoàn công tác phát biểu tại hội nghị đều ủng hộ Đề án sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và thành lập thành phố Thủ Đức trên địa bàn TPHCM. Tuy nhiên, các ý kiến cũng lưu ý đến công tác cán bộ khi thành lập đơn vị hành chính mới này.

Vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương - Bộ Nội vụ Phan Văn Hùng, nhấn mạnh, thành phố Thủ Đức là thành phố mới và nhân lực là quan trọng nhất. Qua đó, đề nghị TPHCM bổ sung các giải pháp đào tạo cán bộ công chức, viên chức và phát triển nguồn nhân lực.

Đồng tình với ý kiến này, Chánh Văn phòng Bộ Nội vụ Vũ Đăng Minh góp ý, bên cạnh việc sắp xếp đội ngũ cán bộ công chức hiện tại, thì TPHCM cần có giải pháp căn cơ xây dựng nguồn nhân lực để thực hiện, hoàn thành mục tiêu thành lập thành phố Thủ Đức trong tương lai với rất nhiều phần việc trước mắt.

Ông Vũ Đăng Minh cũng đề nghị TPHCM bổ sung, làm rõ hơn về thẩm quyền, trách nhiệm của thành phố Thủ Đức phải cao hơn các quận khác; đồng thời có cơ chế chính sách để thực hiện ý tưởng xây dựng thành phố Thủ Đức thành thành phố sáng tạo, thành phố vệ tinh của TPHCM.

Sắp xếp cán bộ dôi dư trong năm 2021

Kết luận tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn đề nghị TPHCM tiếp thu và khẩn trương hoàn thiện một số nội dung Đề án. Trong đó, cần tô đậm hơn nữa tác động về kinh tế - xã hội khi thực hiện Đề án sắp xếp, để tăng tính thuyết phục của Đề án.

Sắp xếp cán bộ dôi dư sau khi sáp nhập quận, phường: Xong trong năm 2021 ảnh 3
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn phát biểu tại hội nghị, ngày 31-10-2020. Ảnh: VIỆT DŨNG
 
Thứ trưởng Trần Anh Tuấn nhấn mạnh, TPHCM cần có phương án rất cụ thể để sắp xếp bố trí đội ngũ cán bộ công chức khi sắp xếp các quận, các phường. Trong đó, Thứ trưởng Bộ Nội vụ lưu ý đến việc sắp xếp với số cán bộ thuộc diện dôi dư sau khi sáp nhập đơn vị hành chính.

Các phương án này đảm bảo sau khi tiến hành sắp xếp có thể làm việc ngay, đảm bảo tính liên tục của nền hành chính, đồng thời giúp đội ngũ cán bộ công chức, kể cả những người thuộc diện dôi dư yên tâm.

“Đề nghị nên giải quyết nhân sự dôi dư trong năm 2021 là xong. Đề án của TPHCM có nêu giải quyết trong 5 năm, điều này phù hợp với quy định pháp luật, nhưng theo tôi cần tính đến hiệu quả kinh tế và cơ hội tìm kiếm việc làm mới của những người thuộc diện dôi dư. Giải quyết xong sớm, giúp họ sớm ổn định cuộc sống, đó cũng là trách nhiệm của chúng ta”, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn đề nghị.

Thứ trưởng Trần Anh Tuấn cũng đề nghị Đề án cần bổ sung thêm vấn đề xử lý tài sản công, các trụ sở trên các địa bàn sắp xếp. Với các đơn vị sự nghiệp công lập trên các địa bàn quận, phường thuộc diện sắp xếp, theo đồng chí trước mắt nên giữ nguyên. Sau khi ổn định bộ máy chính quyền quận, phường thì mới tính đến sắp xếp các đơn vị sự nghiệp công lập sẽ thuận lợi hơn, đảm bảo đáp ứng nhu cầu người dân về các dịch vụ công, nhất là trong lĩnh vực y tế, giáo dục.

Báo cáo tại hội nghị, Giám đốc Sở Nội vụ TPHCM Huỳnh Thanh Nhân thông tin, TPHCM hiện có 24 quận, huyện với 322 phường, xã, thị trấn. Theo đề án sắp xếp đơn vị hành chính, ở cấp huyện, TPHCM sáp nhập quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức để hình thành một đơn vị hành chính mới, với tên gọi là thành phố Thủ Đức. Sau khi thành lập, thành phố Thủ Đức có diện tích tự nhiên là 211,56km2 với dân số hơn 1 triệu người.

Sắp xếp cán bộ dôi dư sau khi sáp nhập quận, phường: Xong trong năm 2021 ảnh 4
Giám đốc Sở Nội vụ TPHCM Huỳnh Thanh Nhân phát biểu tại hội nghị, ngày 31-10-2020. Ảnh: VIỆT DŨNG

Đơn vị hành chính mới nổi bật với 8 trung tâm gồm: Trung tâm tài chính quốc tế Thủ Thiêm; Trung tâm công nghệ cao; Trung tâm công nghệ giáo dục; Khu đô thị tương lai Trường Thọ; Khu thể thao và sức khỏe Rạch Chiếc; Khu công nghệ sinh thái Tam Đa; Trung tâm kết nối vùng Đông Nam bộ và Cảng quốc tế Cát Lái.

Ở cấp xã, TPHCM sắp xếp 19 phường thuộc các quận: 2, 3, 4, 5, 10, Phú Nhuận.

Cụ thể, quận 2 sắp xếp 4 phường An Khánh, Bình Khánh, Bình An và Thủ Thiêm. Trong đó, phường An Khánh (rộng 1,74km2 với 124 người) sáp nhập với phường Thủ Thiêm (rộng 1,5km2 với 304 người) thành phường mới là phường Thủ Thiêm; phường Bình Khánh (rộng 2km2 với 4.300 người) sáp nhập với phường Bình An (rộng 1,9km2 với 18.800 người) thành phường An Khánh.

Quận 3 sáp nhập phường 6 (rộng 0,88km2 với 7.263 người) với phường 7 (rộng 0,9km2 với 12.600 người) và phường 8 (rộng 0,4km2 với gần 16.900 người) thành phường Võ Thị Sáu.

Quận 4 sáp nhập phường 5 (rộng 0,16km2 với 5.100 người) và phường 2 (rộng 0,19km2 với 11.900 người) thành phường 2; sáp nhập phường 12 (rộng 0,4km2 với 7.300 người) và phường 13 (rộng 0,42km2 với 11.200 người) thành phường 13. 

Quận 5 sáp nhập phường 12 (rộng 0,38km2 với 6.400 người) và phường 15 (rộng 0,19km2 với 10.900 người) thành phường 12.

Quận 10 sáp nhập phường 3 (rộng 0,1km2 với 6.000 người) với phường 2 (rộng 0,2km2 với 18.800 người) thành phường 2.

Quận Phú Nhuận sáp nhập phường 12 (rộng 0,16km2 với 6.800 người) và phường 11 (rộng 0,22km2 với  8.600 người) thành phường 11; sáp nhập phường 14 (rộng 0,15km2 với 7.200 người) và phường 13 (rộng 0,14kmvới 9.400 người) thành phường 13.

Như vậy, sau sắp xếp, TPHCM còn 21 quận huyện, 1 thành phố trực thuộc TPHCM, 312 đơn vị hành chính cấp xã (giảm 3 quận và 10 phường).

TPHCM đã tổ chức lấy ý kiến cử tri trên địa bàn các quận, các phường được sắp xếp. Công tác lấy ý kiến được triển khai nghiêm túc, đảm bảo an toàn, tiết kiệm, hiệu quả, đúng tiến độ.

Kết quả, tỷ lệ lấy ý kiến cử tri của 51 phường thuộc các quận: 2, 3, 4, 5, 9, 10, Phú Nhuận và Thủ Đức đạt trung bình trên 85%.

UBND các phường, quận đã trình HĐND cùng cấp họp tán thành chủ trương thực hiện đề án sắp xếp đơn vị thành chính trên địa bàn.

HĐND TPHCM cũng đã họp và ban hành Nghị quyết tán thành chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã thuộc TPHCM giai đoạn 2019-2020.

THU HƯỜNG - MAI HOA