Vừa qua, tại phiên họp trực tuyến của kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV đã nghe Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trình bày tờ trình của Chính phủ về dự án Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông (TTATGT) đường bộ.
Theo Phòng CSGT (PC08) Công an TP.HCM, Cục CSGT cũng đã xây dựng Đề cương tuyên truyền Luật Bảo đảm TTATGT đường bộ.
Luật bảo đảm TTATGT phòng chống được tiêu cực, tham nhũng của lực lượng chức năng. Ảnh: H.KIM
Đề cương này nhằm để cán bộ, người dân cả nước dễ dàng tiếp cận, tìm hiểu. Từ đó, khi Luật này ban hành có thể thực sự đi vào cuộc sống, tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của người dân, góp phần xây dựng môi trường văn hóa giao thông văn minh, an toàn.
6 vấn đề trọng tâm của dự thảo Luật
Theo Phòng PC08, có sáu vấn đề trọng tâm trong đề cương của dự thảo Luật này mà người dân cần lưu ý, như sau:
Thứ nhất, sự cần thiết ban hành Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ và phạm vi điều chỉnh của Luật. Đồng thời, tại nội dung này cũng giải thích vì sao phải tách ra thành hai luật độc lập: Luật Bảo đảm TTATGT đường bộ và Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi).
Thứ hai, Luật đã thông tin về nội dung đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe và đánh giá tác động của việc chuyển giao nhiệm vụ giữa các bộ, ngành.
Thứ ba, Luật thông tin về nội dung liên quan đến đăng ký, cấp biển số xe. Tại nội dung này giải thích vì sao không quy định về phương tiện giao thông trong một Luật, mà lại quy định về an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường ở Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi), còn về phương tiện tham gia giao thông lại quy định tại Luật Bảo đảm TTATGT đường bộ.
CSGT sẽ tăng cường phạt "nguội" để tăng tính công khai, minh bạch. Ảnh: H.KIM
Thứ tư, thông tin về nội dung tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm, việc ứng dụng công nghệ trong bảo đảm TTATGT và kiểm soát giao thông. Quy định về điểm của giấy phép lái xe.
Thứ năm, Luật đề cập về những vấn đề mới của Luật Bảo đảm TTATGT đường bộ, tính phù hợp của Luật với các điều ước quốc tế, tham khảo kinh nghiệm nước ngoài về bảo đảm TTATGT đường bộ.
Thứ sáu, Luật thông tin về việc ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn trong lĩnh vực bảo TTATGT và việc phòng chống tiêu cực, tham nhũng của lực lượng thực thi pháp luật.
Xử lý vi phạm sẽ có bằng chứng điện tử
Liên quan đến vấn đề thứ sáu này, thời gian qua dư luận đã đặc biệt quan tâm đến việc phòng chống tiêu cực, tham nhũng của lực lượng thực thi pháp luật trong dự thảo Luật Bảo đảm TTATGT đường bộ như thế nào.
Phòng PC08 cho biết, trong dự thảo này, các chính sách có liên quan đến việc giải quyết công việc giữa lực lượng thực thi nhiệm vụ và người dân như đăng ký, cấp biển số xe, đào tạo, sát hạch, cấp giấy giấy phép lái xe, giải quyết tai nạn giao thông, xử lý vi phạm đều thể hiện tính công khai, minh bạch.
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ để tiết kiệm chi phí cho người dân nhà nước. Ảnh: H.KIM
Trong đó đặc biệt là đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý, giải quyết, xử lý công việc đã nâng cao hiệu quả, cải cách thủ tục hành chính, giảm phiền hà cho người dân.
Đồng thời, tiết kiệm chi phí cho nhà nước và người dân, phòng ngừa sai phạm, tiêu cực của một số cán bộ thực thi pháp luật.
Chẳng hạn: đăng ký xe bằng hình thức trực tuyến, cấp biển số xe qua bấm số ngẫu nhiên trên máy vi tính, qua đấu giá công khai; đẩy mạnh việc sử dụng công nghệ trong công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe; sử dụng hệ thống giám sát, xử lý vi phạm trên các tuyến giao thông
“Hiện nay, Bộ Công an đang xây dựng hệ thống trung tâm chỉ huy và hệ thống giám sát đồng bộ trên các tuyến giao thông trọng điểm, tiến tới việc xử lý vi phạm đều có chứng cứ điện tử thay bằng việc phát hiện bằng mắt thường” – đại diện Phòng PC08 nói thêm.
Trong dự thảo Luật, lực lượng chức năng cũng tăng cường xử phạt “nguội”, nộp phạt vi phạm qua hệ thống cổng dịch vụ công, trang bị hệ thống camera giám sát quá trình làm nhiệm vụ của cán bộ chiến sĩ…
Không những vậy, người dân có quyền giám sát theo quy định của phát luật đối với lực lượng thực thi công vụ, đóng góp ý kiến để xây dựng lực lượng Công an nhân dân.
Phòng PC08 đánh giá, trước những diễn biến phức tạp của tình hình TTATGT, Luật Bảo đảm TTATGT đường bộ được ban hành sẽ đủ sức mạnh để kiểm soát tình hình, tác động đến công tác quản lý nhà nước tốt hơn, đảm bảo hành lang pháp lý cho lực lượng chức năng thực hiện nhiệm vụ hiệu lực, hiệu quả hơ. Góp phần giải quyết được những vấn đề cấp bách thực tiễn đặt ra đối với công tác bảo TTATGT trong giai đoạn hiệu nay và những năm tiếp theo.
Sự cần thiết ban hành Luật Trình bày trước Quốc hội, Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định việc xây dựng, ban hành Luật Bảo đảm TTATGT đường bộ là cần rất thiết. Bởi, qua tổng kết 10 năm thi hành Luật Giao thông đường bộ năm 2008 cho thấy Luật có phạm vi điều chỉnh gồm cả hai lĩnh vực là bảo đảm TTATGT đường bộ và xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, quản lý vận tải đường bộ. Tuy nhiên, hai lĩnh vực này có có mục tiêu và đối tượng điều chỉnh khác nhau. Cụ thể, bảo đảm TTATGT có mục tiêu là bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe cho người tham gia giao thông, bảo đảm an ninh con người; còn xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông có mục tiêu là phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an toàn kỹ thuật công trình giao thông. Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, mục đích của việc xây dựng Luật là bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe cho nhân dân, bảo đảm quyền con người, quyền công dân theo quy định của Hiến pháp. Từ đó, góp phần xây dựng trật tự, an toàn giao thông tiến bộ, văn minh, tiếp cận trình độ tiên tiến của thế giới. |
HOÀNG KIM