Hiện tại, biệt đội đã có khoảng 20 người tại Đà Nẵng và đang hình thành các lực lượng ở mỗi tỉnh miền Trung. Mỗi thành viên trong đội đều được hướng dẫn kỹ năng sử dụng canô, trang bị áo phao, đèn pin, các trang thiết bị cứu hộ cứu nạn và y tế.
Lo cho dân hơn tính mạng của mình
Ngay khi Quảng Trị bị ngập nặng, nhiều người dân bất lực kêu cứu trên mạng xã hội, anh Vinh đã cùng với mọi người đưa hai canô và sáu thuyền sup ra để ứng cứu. Tuy số lượng canô và thuyền không nhiều nhưng đã cứu trợ bà con rất hiệu quả, đưa nhiều bà con đến nơi an toàn.
Tại Hải Lăng (Quảng Trị), các anh đã tiếp tế đồ ăn, nước uống, đèn và bật lửa đến cho những người dân đang bị cô lập. Theo lời kể của anh Đình Khoa (thành viên của biệt đội canô 0 đồng), người đã gắn bó với đội từ những ngày đầu tiên: “Trong lúc tiếp tế đồ ăn thì có một gia đình có người mất, không thể di chuyển được nên đã nhờ đội vận chuyển quan tài. Lúc đó, đường vào nhà đã ngập sâu nhưng đội vẫn nhiệt tình giúp đỡ”.
Sau đó, đội tất bật vận chuyển lương thực tiếp viện cho Thừa Lưu (Huế) và Hướng Hóa (Quảng Trị). Nửa đêm, cả đội đang nghỉ ngơi tại Đông Hà (Quảng Trị) thì có điện thoại báo nước dâng lên cao bất ngờ ở Hướng Hóa. Mọi người liền cùng nhau di chuyển nhanh lên Hướng Hóa để cứu dân ngay trong đêm.
Vì số lượng canô và thuyền không nhiều nên cả đội ưu tiên cứu trẻ con và người già. “May là có anh công an thông thạo địa hình, chúng tôi mới tiếp cận được. Chứ không biết đường thì sẽ bị vật cản đâm lủng thuyền” - anh Khoa kể.
Đã có một chiếc thuyền bị thủng trong khi các anh tiếp tế lương thực cho người dân vùng cầu Quán Hàu (Quảng Ninh, Quảng Bình). Các anh đã cố gắng tiếp cận những vùng chưa đội cứu trợ nào đến được. Tại đó, người dân đã phải chịu cảnh bảy ngày không có điện, đồ ăn, nước uống.
Anh Khoa xúc động chia sẻ: “Lúc đó, anh em vừa múc nước vừa chạy về địa điểm tập kết, vá canô xong thì tiếp tục tiếp tế đồ ăn cho bà con. Ai cũng lo sẽ gặp nguy hiểm nhưng lại lo cho những người dân đang bị cô lập hơn. Chúng tôi lo bà con không có đồ ăn, nước uống”.
Biệt đội tiếp tế lương thực cho người dân ở Hải Lăng, Quảng Trị. Ảnh: NVCC
Lặn xuống dòng nước xiết, mở cửa nhà cứu người
Trở về từ Quảng Trị, nhận thấy địa phương còn thiếu thốn về lực lượng cứu hộ và phương tiện đường thủy, anh Trần Đăng Vinh đã nảy sinh ý nghĩ huy động các anh em có canô, xuồng bơi trên cả nước thành lập Biệt đội canô 0 đồng để hỗ trợ bà con.
“Nhiều anh em có hoàn cảnh khó khăn nhưng vẫn xông pha vượt lũ cứu trợ nhiều ngày. Vấn đề nan giải nhất là sức khỏe của các anh em khi phải chiến đấu liên tục nhiều ngày không ngừng nghỉ” - anh Vinh cho biết.
Biệt đội nhiều lần tiếp cận những khu vực mà các thuyền nhỏ không dám đi qua vì gió lớn, nước chảy xiết và nằm trong vùng quá xa, khó tiếp cận. Qua điện thoại, thành viên trong đội sẽ nắm vị trí của người dân đang bị kẹt trong vùng ngập.
Ở mỗi vùng nước lũ ngập cao, mưa lớn, việc tìm kiếm người dân càng phải nhanh chóng và chính xác nên mỗi thành viên trong đội đều phải tỉnh táo.
Trong thời gian cứu trợ ở Hướng Hóa (Quảng Trị), ban đầu nước chưa lên cao, người dân còn chủ quan nên cả đội khó thuyết phục người dân di tản. Sau khi đưa được hai gia đình ra khỏi vùng nước ngập thì nước bỗng lên nhanh và chảy xiết. Lúc đó trời đang mưa to, việc đi tới từng nhà dân đã rất khó khăn.
Có nhiều nhà không biết lũ lên trong đêm nên đã khóa trái cửa. Để tiếp cận được với họ thì nhiều người trong đội phải lặn xuống mở cửa mới có thể vào trong nhà cứu người.
Anh Khoa kể: “Lúc đó tiếng kêu cứu và đèn pin tín hiệu xin cứu rất nhiều. Cả đội không suy nghĩ gì nhiều, chỉ mong cứu được ai thì cứu”.
Việc cứu trợ bà con đã được các anh thực hiện nhiều năm nhưng năm nay là lần đầu tiên họ chứng kiến cảnh bà con từ xa vẫy tay, la hét hy vọng canô chạy vào. Tất cả đều trở thành động lực để anh và mọi người không bỏ cuộc, tiếp tục chiến đấu.
Mở rộng địa bàn hoạt động
Khi mới thành lập, lực lượng của biệt đội còn ít và nguồn lực khá eo hẹp. Các anh em trong đội phải tự bỏ tiền túi để duy trì hoạt động. Đến nay, đội đã nhận được nhiều hỗ trợ của các mạnh thường quân nên đã mua được thêm nhiều canô, dễ dàng hơn cho công tác cứu trợ. Đội đã gửi gần 20 chiếc canô và thuyền sup ra Quảng Bình và Quảng Trị.
Đa phần anh em trong biệt đội đều là thành viên câu lạc bộ thuyền hơi, vận động viên thể thao dưới nước, có sức khỏe tốt nhưng vẫn gặp nhiều nguy hiểm trong công tác cứu trợ.
Anh Vinh cho biết: “Biệt đội sẽ là lực lượng cứu hộ chuyên nghiệp, được đầu tư kỹ năng và trang thiết bị, đảm bảo hoạt động an toàn và hiệu quả trong công tác cứu trợ bà con vùng lũ. Đồng thời, biệt đội sẽ điều phối, phối hợp với nhiều đội nhóm, câu lạc bộ khác để cùng hoạt động có hiệu quả trên diện rộng”.
Thời điểm hiện tại, biệt đội đang tập trung hỗ trợ bộ đội tại Trà Leng (Nam Trà My, Quảng Nam). Đội đã tiếp ứng lương thực, chăn mền, nước uống cho lực lượng tìm kiếm cứu nạn và người dân trong khu vực này. Đội cũng tiến hành đưa người già, phụ nữ mang thai, trẻ em và bệnh nhân tại Nam Trà My đang bị mắc kẹt bằng đường thủy vì đường bộ đã bị sạt lở.
Đã có mặt ở bảy tỉnh, được huấn luyện kỹ năng cứu hộ Biệt đội chính thức đi vào hoạt động vào ngày 12-10-2020, ban đầu chỉ có các thành viên ở Đà Nẵng. Hiện tại, đã có biệt đội canô 0 đồng hoạt động tại các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi. “Nhiều anh em có nguyện vọng vào đội nhưng hiện đội chỉ huy động những người có sức khỏe, có kinh nghiệm lái canô, bơi lội giỏi và quen với sông nước. Trước khi trực tiếp đi cứu hộ bà con, tất cả đều được rèn luyện kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng cứu hộ cứu nạn” - anh Vinh chia sẻ. |