Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế, Nguyễn Văn Phương, địa phương có 4 - 5 điểm sạt lở bờ biển... Đây là những khu vực cần phải có giải pháp lâu dài, căn cơ, chứ không thể cứ bão lũ là bồng nhau chạy...

Người dân tại TP.Đông Hà, Quảng Trị tất tả chạy lũ (Ảnh chụp tại đường Hoàng Diệu, TP.Đông Hà sáng 18.10)
 /// HUY ĐẠT
Người dân tại TP.Đông Hà, Quảng Trị tất tả chạy lũ (Ảnh chụp tại đường Hoàng Diệu, TP.Đông Hà sáng 18.10) - Ảnh: HUY ĐẠT
 
Theo số liệu rà soát của tỉnh Thừa Thiên-Huế, có 19.139 hộ với 67.029 khẩu đang sống ở các khu vực có nguy cơ sạt lở bờ biển, bờ sông, bờ suối, chân núi, bao gồm cả nhà yếu cần phải di dời mỗi khi có tình huống bão lũ xảy ra.
 
Ông Nguyễn Văn Phương, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế, cho biết đây là số liệu chung, nhưng trong trường hợp bão lũ, các cấp địa phương, thậm chí đến từng thôn, xã phải nắm cụ thể từng trường hợp để có giải pháp ứng phó phù hợp.
 
“Qua rà soát của các địa phương thì cũng có 4 - 5 điểm ở khu vực sạt lở bờ biển. Vùng nguy cơ sạt lở núi ở Nam Đông, A Lưới, Phú Lộc, Phong Điền… đều có. Đây là những khu vực cần phải có giải pháp lâu dài, căn cơ, chứ không thể cứ bão lũ là bồng nhau chạy như vậy được. Ở các khu vực nguy hiểm vùng núi thì phải tính phương án di dời tái định cư, nhưng sẽ đòi hỏi có nguồn kinh phí lớn”, ông Phương cho biết thêm.
Tại Quảng Bình, ông Trần Phong, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình, cho hay trong các mùa bão lũ, địa phương đều lên danh sách, tổ chức di dời dân ở những địa bàn xung yếu, có nguy cơ lũ quét, sạt lở đất.
 
Nhưng bản đồ phân vùng nguy cơ lũ quét T.Ư chuyển về, phạm vi phân vùng còn quá lớn nên khó khăn trong cảnh báo. Còn tại Quảng Trị, trong ngày 1.11, ông Lê Trọng Tường, Chủ tịch UBND xã Hướng Sơn (H.Hướng Hóa, Quảng Trị), cho biết đã có tờ trình gửi UBND H.Hướng Hóa về việc di dời khẩn cấp, bố trí tái định cư khu vực có nguy cơ sạt lở dưới chân núi Ta Bang. Được biết, tại khu vực núi Ta Bang (thuộc địa phận thôn Ra Ly - Rào) mới xuất hiện vết nứt khoảng 150 - 200 m, rộng từ 40 - 50 cm.
 
Dưới những vết nứt là khoảng trống sâu hoắm. Theo nhận định của địa phương, nếu khu vực này bị sạt lở thì lượng đất đá, cây cối sẽ trôi về khu vực suối Ta Bang với khối lượng rất lớn. Việc này sẽ làm ảnh hưởng trực tiếp đến 24 hộ dân với 81 nhân khẩu sinh sống dưới chân núi này. Trước mắt, địa phương đã tạm dời các hộ dân này đi trước khi bão số 10 đổ bộ.
 
Trong khi đó, TP.Đà Nẵng cũng có phương án di dời 147 hộ với 533 nhân khẩu tại các vị trí nguy cơ sạt lở tại H.Hòa Vang. Ông Nguyễn Hà Nam, Chủ tịch UBND H.Hòa Vang, cho biết do đặc thù địa hình cùng các diễn biến thời tiết phức tạp và cực đoan như hiện nay, huyện đã xây dựng phương án di dời dân trong vùng sạt lở núi.
 
Liên quan việc này, Thành ủy Đà Nẵng cũng chỉ đạo H.Hòa Vang giao trách nhiệm cho người đứng đầu các địa phương cũng như các tổ tiền phương, khi xảy ra sự vụ thì chủ động mọi phương án, không chờ xin ý kiến, bổ sung các điều kiện phục vụ “4 tại chỗ” cho 4 xã trọng điểm có nguy cơ sạt lở như Hòa Phú, Hòa Bắc, Hòa Liên và Hòa Sơn, có lực lượng cưỡng chế di dời nếu người dân không chấp hành…