Tại buổi họp báo do Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Lâm Đồng tổ chức vào chiều 2-11, ông Lê Nguyên Hoàng, Phó Chủ tịch UBND huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng, cho biết sau khi báo chí, trong đó có Báo Người Lao Động thông tin về "Làng biệt thự xây dựng trái phép trong rừng" (dưới chân núi Voi, thuộc Tiểu khu 268, xã Hiệp An, huyện Đức Trọng), UBND huyện đã chỉ đạo các phòng ban chức năng phối hợp với Công an huyện điều tra, xử lý vi phạm.
Báo cáo của cơ quan chức năng tại buổi họp báo cho biết "làng biệt thự" này nằm bên đường hoa Đỗ Quyên, nối Khu Du lịch quốc gia hồ Tuyền Lâm (TP Đà Lạt) với đường cao tốc Liên Khương - Prenn. Năm 1990, ông Nguyễn Đức Phúc, Giám đốc CP Du lịch sinh thái Phương Nam (gọi tắt là Công ty Phương Nam) có đơn gửi cho địa phương và UBND tỉnh Lâm Đồng xin thực hiện dự án nhận khoán quản lý bảo vệ rừng kết hợp xây dựng khu du lịch dã ngoại tại Tiểu khu 268. Năm 1992, UBND tỉnh Lâm Đồng ban hành quyết định, giao Công ty Phương Nam làm chủ đầu tư dự án. Đến năm 1998, Công ty Phương Nam lập dự án định canh định cư có tên Làng Đarahoa, với mục đích xây dựng kết hợp du lịch tạo công ăn việc làm cho đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ. Tổng diện tích dự án này là 355,3 ha, trong đó có 156 ha thuộc huyện Đức Trọng.
Qua kiểm tra rà soát của địa phương, khu vực này có 42 căn nhà dạng biệt thự. Trong đó, có 13 căn là công trình lớn, xây dựng kiên cố cột bê-tông, sàn kèo bằng sắt. Quá trình kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính về việc xây dựng công trình trái phép của UBND xã Hiệp An và cơ quan chức năng đều không xác định được chủ thể vi phạm. Theo ông Hùng, các căn nhà trên, danh nghĩa là của các hộ người đồng bào dân tộc thiểu số nhưng chủ nhân thực sự là ai, có tình trạng mua qua bán lại hay không thì chưa xác định.
Làng biệt thự xây dựng trái phép trong rừng ở Lâm Đồng
Trả lời câu hỏi liệu có sự bao che, bảo kê việc xây dựng công trình trái phép trên đất dự án này hay không, ông Lê Nguyên Hoàng khẳng định không có. Tuy nhiên, ông Hoàng nói để xảy ra việc xây dựng trái phép, trách nhiệm thuộc về Công ty Phương Nam, chính quyền địa phương. Về hướng khắc phục, UBND huyện Đức Trọng giao UBND xã Hiệp An lập biên bản xử lý vi phạm, đồng thời tăng cường kiểm tra, kịp thời ngăn chặn việc xây dựng mới. Bên cạnh đó, cơ quan công an vào cuộc, xử lý theo thẩm quyền.
Theo ông Ngô Văn Ninh, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Lâm Đồng, quan điểm của UBND tỉnh là buộc tháo dỡ các công trình trái phép, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm. Lãnh đạo tỉnh chỉ đạo các cơ quan chức năng lập phương án cưỡng chế theo quy định.
Cũng tại buổi họp báo, ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Giám đốc Điện lực Lâm Đồng, nhấn mạnh thực hiện theo chỉ đạo của UBND tỉnh Lâm Đồng, đơn vị này đã thanh lý hợp đồng mua bán điện với ông Trần Hồng Hà, người cấp điện cho các hộ xây dựng trái phép.
Theo ông Dũng, Điện lực Đà Lạt đồng ý cấp điện cho ông Trần Hồng Hà dựa trên văn bản xác nhận vị trí, mục đích sản xuất nông nghiệp của UBND phường 3, TP Đà Lạt. Tuy nhiên, ông Trần Hồng Hà đã tự ý thỏa thuận, cung cấp điện cho những người có nhà xây dựng trái phép ở khu vực trên (thuộc địa giới xã Hiệp An, huyện Đức Trọng).