TTO - 3 ngư dân Bình Định được tàu nước ngoài phát hiện, cứu vớt kể lại câu chuyện từ cõi chết trở về sau 2 ngày 2 đêm bị bão biển quăng quật và 5 người cùng đu trên tấm ván gỗ lần lượt thả tay chìm vào biển cả.

Sáng 3-11, tàu KN 490 của Chi đội kiểm ngư số 4 đã đưa 3 ngư dân Minh Don (20 tuổi), Võ Văn Hoài (34 tuổi) và Huỳnh Xuân Phi (35 tuổi, cùng ở thị xã Hoài Nhơn, Bình Định) về tới Cam Ranh (Khánh Hòa), bàn giao cho chính quyền địa phương.

Đây là 3 ngư dân may mắn sống sót trong vụ chìm tàu cá BĐ 97469-TS của thuyền trưởng Võ Ngọc Đô (41 tuổi, ở thị xã Hoài Nhơn) chiều 27-9 khi đang chạy tránh bão số 9.

Hiện 11 người trên tàu ông Đô và 12 người trên tàu cá của thuyền trưởng Nguyễn Văn Minh vẫn chưa tìm thấy tông tích.

"Đau xé nhìn từng anh em thả tay chìm dần..."

Chiều 5-10, thuyền trưởng Võ Ngọc Đô cầm lái cùng 13 ngư dân đi bạn rời cảng Tam Quan (thị xã Hoài Nhơn) hướng ra vùng biển Trường Sa đánh bắt cá ngừ đại dương như bao chuyến biển thường lệ. Không ngờ đó là chuyến đi cuối cùng của con tàu này.

Bão số 8 nổi lên, họ chạy tránh được và tiếp tục đánh bắt.

"Khi nhận được tin bão số 9 rất mạnh, tàu đánh bắt được 12-13 tấn cá ngừ đại dương, anh Đô quyết định chạy về luôn. Chúng tôi chạy né xuống phía tây nam, nghĩ thoát khỏi bão, nào ngờ..." - ngư dân Võ Văn Hoài, em ruột thuyền trưởng Đô, bỏ lửng câu nói, nước mắt lưng tròng.

3 ngư dân từ cõi chết trở về: ăn mút xốp, uống nước biển để sinh tồn giữa cuồng phong - Ảnh 2.

Người thân xúc động khi đón 3 ngư dân được cứu sống, đưa về đất liền - Ảnh: THẾ ANH

Theo lời 3 ngư dân còn sống sót, khoảng 10-12h trưa 27-10, sóng gió bắt đầu nổi mạnh. Con tàu 500 mã lực không rướn nổi, đành phải thả neo dù chịu trận cuồng phong.

"Khoảng 16h chiều sóng lớn bủa vây khắp nơi. Do phần đầu chứa cá nặng, tàu lại bị neo dù níu lại, nên lớp lớp sóng dữ bổ lên tàu khiến nước tràn vào mỗi lúc một nhiều. 14 anh em chia nhau lớp tát lớp nổ máy bơm nhưng không kịp. Con tàu chìm dần và "hạ" rất nhanh, chỉ trong 5 phút. Lúc ấy, chúng tôi chỉ kịp nhảy xuống biển chứ không còn lựa chọn nào khác" - anh Hoài nhớ lại.

Tàu chìm, Phương và Toàn nhanh chóng bị những con sóng khổng lồ nhấn chìm ngay trước mắt họ. Don, Phi và Hoài cùng các ngư dân Trương Văn Sinh, Nguyễn Văn Hoài, La Thanh Hoài, Lâm Hoàn Tín và Nguyễn Văn Tẹo may mắn đu bám được vào một tấm ván dài khoảng 5m, rộng 0,6m bứt ra từ thân tàu.

Một người trong số họ kịp vớ lấy chiếc áo phao, một người khác chộp lấy chiếc phao xốp trắng cột vào đầu ván. Trong khi đó, thuyền trưởng Đô cùng 3 ngư dân Phan Văn Tuấn, Phan Quốc Vy và Chí đu bám trên một nắp hầm cá.

Sóng gió quá lớn đánh dạt 2 nhóm xa nhau và chỉ một thời gian ngắn đã không còn nhìn thấy nhau nữa.

Don kể lúc đó gió xoáy quay cuồng, sóng "xách" cả nhóm lên cao rồi nhận chìm sâu xuống biển liên tục từ chiều đến đêm 27-10 và sang cả ngày 28-10.

"Ai cũng nghĩ chết chắc, nhưng vẫn cố tin sẽ sống. Chúng tôi không nghĩ được gì trong suốt hơn 2 ngày đêm ở cửa tử như vậy. Tấm ván lúc này là sinh mệnh của 8 anh em. Mọi người động viên nhau cố bám lấy cho chắc, đừng để tụt tay. Bám tay trái mỏi thì đu tay trái, bàn tay tê cứng thì kẹp vào nách mà chịu trận. Có người bị sóng đánh tụt thì đu vào chân, vào tay người khác để bám víu lại tấm ván..." - Don kể.

Không thực phẩm, không nước uống, 8 ngư dân phải cạp miếng phao xốp để đỡ kiệt sức, khát quá thì uống một ngụm nước biển mặn chát. Nhưng giữa vùng gió xoáy và sóng to kinh khủng đập liên hồi suốt mấy chục tiếng đồng hồ, sức chịu đựng và ý chí con người cũng dần tàn lụi.

Theo anh Hoài, đến khoảng 20h15 tối 28-10, tức hơn 1 ngày đêm sóng gió quăng quật, ngư dân Trương Văn Sinh (51 tuổi, người lớn tuổi nhất trong số 14 thuyền viên bị nạn) là người buông tay đầu tiên.

Và trong đêm đó, lần lượt hai người tên Hoài, rồi Tẹo, Tín cũng buông tay khỏi tấm ván.

"Chúng tôi đứt ruột đứt gan nhìn từng anh em bạn thuyền, có cả người bà con ruột thịt của mình, lần lượt ra đi mà bất lực. Tôi ám ánh mãi với lời trăng trối của từng anh em trước khi thả tay chìm vào biển, hầu hết đều nhắn gởi gia đình sống tốt, ở nơi nào đó linh hồn họ sẽ phù hộ..." - anh Hoài khóc.

3 ngư dân từ cõi chết trở về: ăn mút xốp, uống nước biển để sinh tồn giữa cuồng phong - Ảnh 3.

Đại diện Sở chỉ huy phía trước Quân chủng hải quân tặng quà động viên các ngư dân được cứu - Ảnh: THẾ ANH

Chúng tôi đều nghĩ mình sắp chết, giờ còn sống đây như một phép mầu. Cảm xúc vui buồn xen lẫn. Vui vì mình được cứu và được sống, nhưng quá xót xa khi những anh em đi cùng đã mãi mãi không về

- Ngư dân NGUYỄN VĂN HOÀI -

Phép mầu

3 ngư dân sống sót kể từ tối 27 đến cả ngày 29-10, có nhiều tàu cá, tàu hàng chạy gần họ, nhưng vì sóng gió mịt mù, tiếng kêu cứu nhỏ nhoi lọt thỏm giữa thiên nhiên đang gầm thét nên chẳng ai nghe thấy.

"Tối 28-10, một chiếc tàu lớn đi rất gần chúng tôi. Cả 8 anh em nghĩ chắc là được sống rồi. Chúng tôi gắng hết sức để la, dùng áo phao để vẫy. Nhưng đêm tối giữa biển cả mênh mông đầy sóng gió, mình thấy họ chứ họ sao thấy mình được. Khi con tàu ấy đi qua, tinh thần nhiều anh em suy sụp, tuyệt vọng nên lần lượt 5 người buông tay..." - ngư dân Huỳnh Xuân Phi nhớ lại.

Theo ông Phi, khoảng 17h chiều 29-10, họ phát hiện ra con tàu hàng lớn sắp tới.

"Chúng tôi lấy hết chút sức tàn còn lại, thay phiên nhau dùng chiếc áo phao màu đỏ để vẫy. Trời ơi, may mắn sao con tàu tiến lại gần. Lúc bấy giờ mới nghĩ sống rồi. Tôi chẳng nhớ gì, chỉ biết họ ném cái gì đó xuống để mình đu vào, còn họ câu kéo lên ra sao tôi cũng không nhớ, người cứ lịm đi" - ông Phi kể.

3 ngư dân từ cõi chết trở về: ăn mút xốp, uống nước biển để sinh tồn giữa cuồng phong - Ảnh 5.

3 ngư dân Lê Minh Don, Huỳnh Xuân Phi và Võ Văn Hoài được đón ra xe để về quê tại thị xã Hoài Nhơn, Bình Định - Ảnh: DUY THANH

Ông Phi nói nếu không có tàu này cứu vớt, có lẽ trong chiều tối hôm đó cả ba người còn đu bám được trên tấm ván cũng sẽ thả tay như những bạn thuyền không may mắn, bởi tất cả đều "sụp cả ý chí, tinh thần lẫn thể xác".

Chiếc tàu mang lại sự sống cho 3 ngư dân Bình Định là tàu MV. Fortune Iris treo cờ Hong Kong, hải trình từ Singapore đi Nhật Bản.

Các ngư dân sống sót cho biết sau khi được đưa lên tàu hàng này, họ được cõng vào buồng thủy thủ để sưởi ấm, xử lý các vết thương do sóng biển, va đập gây nên và được cho ăn uống.

"Sau đó thuyền trưởng cho tôi nói chuyện với Đài thông tin duyên hải Nha Trang để báo tình hình vì lúc đó tôi là người còn khỏe, tỉnh táo nhất. Khi tàu liên lạc được với tàu kiểm ngư KN 490 thì cậu Hoài nói chuyện. Và hơn 0h sáng 30-10, chúng tôi được leo lên tàu kiểm ngư của Việt Nam mình... Ơn ấy không biết nói sao cho hết" - Don kể.