Nhiều đại biểu Quốc hội bày tỏ lo lắng trước việc triển khai các dự án thủy điện nhỏ, chuyển đổi rừng tự nhiên hay trồng lại rừng khi làm các hồ chứa
Ngày 2-11, Quốc hội (QH) tiếp tục đợt họp thứ 2 của kỳ họp thứ 10, QH khóa XIV. Mở đầu phiên họp, QH dành 1 phút mặc niệm đồng bào tử nạn, cán bộ chiến sĩ hy sinh do bão lũ những ngày qua ở miền Trung.
Phải dừng một số thủy điện nhỏ và vừa
Sáng cùng ngày, Chính phủ báo cáo QH về đề nghị chủ trương chuyển mục đích sử dụng 100,63 ha rừng phòng hộ để thực hiện dự án hồ chứa nước Sông Than (Ninh Thuận) và 1.131,22 ha đất rừng trên địa bàn tỉnh Nghệ An và Thanh Hóa để thực hiện dự án hồ chứa nước Bản Mồng.
Thảo luận tại tổ, đại biểu (ĐB) Trần Kim Yến (TP HCM) đồng tình với việc xây hồ chứa nước ở các khu vực thường xuyên hạn hán. Tuy nhiên, bà lo lắng với việc chuyển diện tích rừng phòng hộ, vì đất trống đồi trọc chỉ có cây bụi thì khi mưa xuống có tới 95% nước chảy tràn trên mặt và chỉ có 5% thấm vào đất. Lượng nước chảy tràn trên mặt gọi là lũ và đó là thảm họa chúng ta đang phải gánh. Do vậy, việc chuyển mục đích rừng để làm các dự án hồ chứa phải cân nhắc kỹ.
Vừa trở về từ miền Trung, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Thào Xuân Sùng nhấn mạnh: "Mất mát là cực kỳ lớn, chuẩn bị tiếp tục cơn bão số 10. Dân kiệt sức rồi". Ông cho rằng vấn đề môi trường cần đặt ra hàng đầu, đặc biệt là an ninh nguồn nước, quản lý an toàn hồ đập, phát triển thủy điện, trồng rừng. Vị ĐBQH này đề nghị phải báo cáo QH về sự an toàn hệ thống thủy điện, thủy lợi, các hồ chứa nước. Với thủy điện nhỏ và vừa đã và đang làm, nếu không an toàn cho hạ du, không bảo đảm môi trường rừng, xâm lấn rừng thì cần phải dừng lại.
Đại biểu Trần Kim Yến (TP HCM) bày tỏ lo lắng với việc chuyển đổi diện tích rừng phòng hộ - Ảnh: VĂN DUẨN
"Thủy điện thu không được bao nhiêu nhưng khi xả lũ đúng lúc mưa to thì ngập mênh mông" - ĐB Thào Xuân Sùng đề nghị xem lại hệ thống thủy điện, hồ chứa, báo cáo Bộ Chính trị, dừng một số thủy điện nhỏ và vừa.
ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP HCM) cho rằng phải làm rõ vấn đề phá rừng làm thủy điện thì phá bao nhiêu, trồng lại bao nhiêu? Cử tri phản ánh có tình trạng phá rừng trước để lấy gỗ và làm số vốn ban đầu, sau đó mới từng bước làm thủy điện. Bên cạnh đó cũng không ai kiểm soát chất lượng rừng trồng so với rừng nguyên sinh trước đó thì tác động vào môi trường như thế nào. Dù ủng hộ làm 2 hồ chứa nước nêu trên nhưng ĐB Trương Trọng Nghĩa lo khi triển khai "coi chừng có vấn đề tranh thủ, cơ hội để chệch hướng đi".
Ngăn ngừa chiếm rừng, đất rừng
Tại thảo luận tổ về tình hình kinh tế - xã hội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dành khá nhiều thời gian để nói về vấn đề lũ lụt, thiên tai ở các tỉnh miền Trung vừa qua. Chính phủ sẽ báo cáo QH các nội dung cụ thể về việc khắc phục hậu quả lũ lụt.
Đề cập các vụ việc sạt lở đất nghiêm trọng vừa qua, Thủ tướng nhấn mạnh nguyên nhân chính là do kết cấu địa chất bị ảnh hưởng bởi mưa lớn kéo dài, lượng mưa lớn. Theo Thủ tướng, mưa lớn kéo dài đã làm thay đổi kết cấu địa chất. Dù vậy, lãnh đạo Chính phủ khẳng định phải luôn hạn chế tối đa tác động của con người.
ĐB Đinh Duy Vượt (Gia Lai) cho biết từ kỳ họp thứ 2, QH khóa XIV, ông đã đề cập việc không nên phát triển thủy điện nhỏ, đặc biệt khu vực Tây Nguyên.
Ghi nhận ý kiến này, Thủ tướng nhấn mạnh cần hạn chế phát triển thủy điện nhỏ để không xảy ra tình trạng chiếm rừng, đất rừng. Đối với những dự án quan trọng có liên quan đất rừng đều trình QH để xin ý kiến, xem xét.