Với những hiểm họa của môi trường do biến đổi khí hậu gây nên, việc tích hợp kỹ năng phòng chống thiên tai vào trong những hoạt động dạy học đang trở nên cần thiết hơn bao giờ hết.
Thầy Phạm Lê Thanh, giáo viên hóa học Trường THPT Tân Phú, TP.HCM, cho học trò xem video về mưa a xít trong một bài giảng - Ảnh: THÚY HẰNG
Người dân, đặc biệt là trẻ đang độ tuổi đi học, phải hình thành những phương thức, thói quen để đối phó với thiên tai. Trong các trường học, trẻ con phải được dạy những kỹ năng để phòng chống lũ lụt, sạt lở đất… Những bài học thiết thực này được hình thành và luyện tập ngay từ nhỏ và dần dần sẽ trở thành những kỹ năng quen thuộc với tất cả mọi người trong việc ứng phó với thiên tai.
Trong chương trình hiện hành cũng có những bài học được lồng ghép những hướng dẫn cách nhận biết và ứng phó với những thảm họa thiên nhiên như thế nào để giảm thiểu thiệt hại về con người và vật chất. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất hiện nay là phải xây dựng được bộ tiêu chí tích hợp việc ứng phó thiên tai cơ bản cho từng vùng miền bên cạnh những nội dung phổ thông nhất.
Chẳng hạn như phòng chống đuối nước cho trẻ ở những vùng thường xuyên có lũ lụt hay nhiều hồ ao sông suối ở vùng đồng bằng sông Cửu Long. Cách ứng phó với sạt lở đồi núi ở vùng cao nguyên hay miền Trung. Bộ môn giáo dục thể chất trong nhà trường không chỉ đơn thuần là giảng dạy các động tác, bài tập liên quan đến từng phân môn thể thao mà nên chú trọng đến vấn đề bảo vệ sức khỏe và kỹ năng phòng chống thảm họa thiên nhiên. Sau khi trẻ được học lý thuyết cơ bản được tích hợp từ những bộ môn khác nhau là giờ thực hành những động tác, phản xạ, ứng phó thiên tai với giáo viên, huấn luyện viên am hiểu kiến thức y sinh học để rèn luyện cho trẻ những kỹ năng sống còn trong cuộc sống.
Ở một góc độ khác, cũng phải giáo dục cho trẻ thẩm thấu dần tình yêu thương và chia sẻ với nỗi đau của con người qua những minh họa đời thường có tính thời sự như những hình ảnh bão lũ miền Trung trong những ngày vừa qua.