Đến nay ruộng lúa này sắp bước vào thời kỳ thu hoạch và theo đánh giá, năng suất (NS) đạt ở mức cao.

Kiểu canh tác khó tin nhưng có thật này đang được 1 nông dân ở xã Phú Xuân, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang áp dụng. Mặc dù vậy, theo chúng tôi, rất cần những nghiên cứu của các nhà khoa học và cơ quan chức năng về phương pháp canh tác trên trước khi khuyến cáo nông dân áp dụng nhằm đạt hiệu quả cao.

PHƯƠNG PHÁP CANH TÁC LẠ ĐỜI

Đầu tháng 2-2020, khi dẫn chúng tôi ra thăm mảnh ruộng đang được trồng thử nghiệm bằng cách cho lúa "uống" sữa, trứng gà thay thế phân, thuốc, anh Dương Xuân Vũ (ngụ xã Phú Xuân, huyện Phú Tân) kể: Vụ lúa Đông Xuân 2019 - 2020, anh được cha là ông Dương Xuân Quả cung cấp giống lúa OM 4900 gieo sạ trên 8ha của gia đình để sản xuất (SX) gạo sữa, với điều kiện phải áp dụng mô hình hướng hữu cơ, không dùng phân thuốc hóa học, thuốc trừ sâu.

Trong lúc anh đang loay hoay tìm cách "giải bài toán khó" thì trong 1 lần đến Kiên Giang, anh được chủ 1 doanh nghiệp SX vôi chỉ "bí kíp": sử dụng vôi Địa Long kèm trứng gà và sữa Vinamilk phun xịt cho ruộng lúa nhằm thay thế các loại phân, thuốc thường dùng trong canh tác. Sau khi sử dụng hỗn hợp trên, đến nay ruộng lúa của anh phát triển tốt, ít sâu bệnh và hứa hẹn cho năng suất cao.

Anh Vũ bên ruộng lúa đang canh tác theo hướng an toàn sắp đến kỳ thu hoạch

Về công thức chăm sóc ruộng lúa bằng hỗn hợp này, anh Vũ chia sẻ: "Đầu vụ, khi chuẩn bị cấy, tôi bón vôi Địa Long dạng viên để ốc bươu vàng ăn và tiêu diệt được khoảng 70%; tiếp đến, tôi chọn phương án cấy mạ để diệt cỏ dại, vì khi đi tới đi lui cỏ dại sẽ bị đạp chết.

Sau khi lúa được gieo sạ 15 ngày, 30 ngày, 45 và 70 ngày sẽ phun 4 cử hỗn hợp gồm vôi Địa Long, trứng gà, sữa Vinamilk theo tỉ lệ 4 lít nước vôi Địa Long kèm 2 trứng gà, 2 bịch sữa pha vào bình 25 lít phun cho 1 công lúa. Tổng cộng 900kg vôi, 120 trứng gà, 120 bịch sữa tươi sử dụng cho 1ha lúa. Giai đoạn lúa 45 ngày pha thêm chế phẩm sinh học để giúp hấp thu nhanh sữa, trứng gà đồng thời tăng cường khả năng phòng chống dịch bệnh".

Theo ông Quả, áp dụng biện pháp trên, chi phí giảm được 30% so với cách canh tác truyền thống, trong khi NS giảm không đáng kể. Bên cạnh đó, tuy mô hình SX lần đầu tiên theo hướng trồng lúa an toàn khá mới mẻ nhưng mục đích cuối cùng cũng nhằm giảm chi phí, tăng lợi nhuận, bảo vệ sức khỏe và làm ra hạt gạo an toàn phục vụ người tiêu dùng. Thời điểm này lúa đang đỏ đuôi, có nhiều nông dân ở các tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long đến tham quan đồng ruộng.

Ông Quả cho biết, sau vụ thu hoạch này sẽ áp dụng treo tinh dầu bạc hà trên ruộng lúa để đuổi côn trùng.

Khi đến tham quan mô hình trồng lúa của anh Vũ, anh Dương Văn Lý (ở xã Bình Sơn, huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang) cho biết: "Tôi có hơn 20 năm trồng lúa và lần đầu tiên được nghe nói và tham quan mô hình canh tác lạ đời này. Theo tôi, lúa của ruộng anh Vũ ít sâu bệnh, cứng cây, bông dài, năng suất dự kiến đạt hơn 1 tấn/công. Canh tác kiểu này giảm được chi phí, an toàn, vì thế năm sau tôi sẽ thử trồng vài héc-ta xem sao".

CHUYÊN GIA NÓI GÌ?

Nhận định về cách trồng lúa lạ đời này, Phó giáo sư - Tiến sĩ Dương Văn Chín, nguyên Phó viện trưởng Viện lúa Đồng bằng sông Cửu Long - cho biết: "Vôi Địa Long bón cho cây trồng là tốt rồi; còn việc dùng nước vôi trộn với trứng, sữa Vinamilk thì có thể xảy ra những khả năng: nước vôi có độ PH cao, vì thế khi phun trên lá lúa, PH sẽ giúp ức chế bệnh cháy bìa lá; trong khi sữa, trứng có nhiều chất dinh dưỡng, nhất là axít amin; mà axít amin đó có thể được lúa hấp thụ trực tiếp vào trong cây, tức cung cấp một phần chất đạm cho cây trồng.

Nông dân đến tham quan mô hình sử dụng sữa, trứng gà thay thế phân, thuốc

Ngoài ra, những chất còn lại từ hỗn hợp trứng - sữa dính trên lá sẽ trở thành thức ăn cho các nấm ngoại sinh và khi loại nấm này phát triển sẽ tiết ra chất ức chế những sinh vật khác, góp phần giảm một số loại bệnh trên cây lúa. Nếu mô hình này của anh Vũ đạt hiệu quả cao sẽ góp phần giúp nông dân miền Tây thêm cách trồng lúa an toàn, bảo vệ môi trường và sức khỏe cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, vẫn cần có những nghiên cứu khoa học bài bản trước khi khuyến cáo người dân áp dụng".

Ông Dương Xuân Quả: "Thời gian gần đây tôi phát minh công nghệ sấy sữa và đã đăng ký bảo hộ độc quyền. Hiện tôi mở rộng sang hoạt động SX và kinh doanh gạo sữa thương hiệu "Gạo sữa Dương Xuân Quả". Gạo sữa đã được cấp bằng sáng chế độc quyền vì đây là loại gạo đặc biệt từ giống OM 4900 có màu trắng trong, dài hạt; khi được sấy đến độ ẩm thấp sẽ cho màu đục sữa, nấu lên có mùi thơm nhẹ, dẻo cơm. Sắp tới, tôi sẽ treo tinh dầu bạc hà trên mảnh đất đang canh tác, bởi khi tinh dầu lan ra sẽ khiến côn trùng bất lợi bay đi nơi khác, không gây hại cho lúa, nhằm giúp NS vượt trội hơn".