Phát biểu chỉ đạo tại buổi bế mạc kỳ họp thứ 20 HĐND TPHCM khóa IX vào chiều 11-7, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM, ghi nhận những đóng góp của HĐND TP thời gian qua, nhất là khi HĐND TP đã ban hành nhiều nghị quyết thiết thực, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ phát triển TP.
 
Bế mạc kỳ họp thứ 20 HĐND TPHCM khóa IX: Kỷ cương, trách nhiệm và sáng tạo để hoàn thành nhiệm vụ ảnh 1
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại buổi bế mạc kỳ họp HĐND TPHCM. Ảnh: VIỆT DŨNG

Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân thông tin thêm về những nội dung Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ TPHCM lần thứ 42 vừa diễn ra, trong đó nhấn mạnh các nội dung thảo luận việc thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội 5 năm (2015-2020), phương hướng giải pháp 5 năm tới (2020-2025). Theo đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, nhiệm kỳ qua TPHCM tiếp tục giữ được vai trò đầu tàu, trung tâm kinh tế của cả nước. Đồng chí khẳng định vai trò đầu tàu kinh tế thể hiện ở việc TPHCM giữ được tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn bình quân cả nước, tỷ trọng đóng góp cho kinh tế cả nước, thu ngân sách cũng không ngừng tăng trong 25 năm qua. Không những vậy, TPHCM còn dẫn đầu cả nước về năng suất lao động và hiệu quả kinh tế, thu hút đầu tư nước ngoài. Với truyền thống sáng tạo, TPHCM cũng có nhiều mô hình mới hiệu quả cao như Khu Công nghệ cao, Công viên phần mềm Quang Trung. Hiện nay, TPHCM tiếp tục triển khai mô hình mới là Khu đô thị Sáng tạo tương tác cao phía Đông. 

Bên cạnh đó, các dịch vụ hạ tầng của TP như giao thông, cấp nước, chống ngập, dù còn những khó khăn, yếu kém nhưng đã có nhiều tiến bộ. Như vấn đề chống ngập, dù nguy cơ ngập ngày càng cao khi nước biển dâng, sụt lún, mưa thất thường, nhưng trong nhiệm kỳ qua, TP khắc phục được 25/36 điểm ngập do mưa trên các tuyến đường chính. Các quận huyện cũng khắc phục 177 điểm ngập trên các tuyến đường, hẻm do địa phương quản lý. Về ngập do triều, dự án chống ngập do triều có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu đang phấn đấu cuối năm nay hoàn thành, sẽ giải quyết ngập cho 9 tuyến đường.

Trong cung cấp nước sạch, nhiệm kỳ này tiếp tục bảo đảm 100% hộ dân TP được cung cấp nước sạch. Về rác thải sinh hoạt, TP luôn đảm bảo thu gom hàng ngày hơn 9.000 tấn rác. Nhiệm kỳ này TP phấn đấu đổi mới công nghệ, để đến cuối năm 2025 sẽ có ít nhất 80% rác được chuyển thành điện hoặc tái chế. Về giao thông - được xác định là điểm nghẽn lớn nhất trong phát triển kinh tế khi 3/4 vành đai chưa được kết nối, metro còn 6/8 tuyến chưa triển khai. Dù vậy, từ 37 điểm ùn tắc giao thông đầu nhiệm kỳ hiện giảm còn 22 điểm. Số điểm đen tai nạn cũng giảm từ 17 xuống còn 8 điểm. Số vụ tai nạn, số người tử vong và bị thương đều giảm. 

“Vậy phải chăng chúng ta đã phát huy hết nguồn lực phát triển TP?”, đặt ra câu hỏi này, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân nhìn nhận là chưa. Đó là nguồn lực đất đai chưa được khai thác tốt, đất dành cho công nghiệp dịch vụ chỉ chiếm 5%, trong khi đất dành cho nông nghiệp vẫn chiếm tới 52%. Cạnh đó, môi trường đầu tư vẫn là điểm bức xúc nhất, day dứt nhất khi chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) dù vẫn tăng nhưng thứ hạng lại giảm từ thứ 6 (đầu nhiệm kỳ) xuống vị trí 14 (năm 2019).

Bế mạc kỳ họp thứ 20 HĐND TPHCM khóa IX: Kỷ cương, trách nhiệm và sáng tạo để hoàn thành nhiệm vụ ảnh 2
Các đại biểu biểu quyết thông qua Nghị quyết kỳ họp HĐND TPHCM

Về tình hình 6 tháng đầu năm 2020, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân điểm qua về thành công trong công tác phòng chống dịch Covid-19 của TPHCM cùng cả nước. Đồng chí cũng nhận xét, trong bối cảnh khó khăn, kinh tế TPHCM 6 tháng đầu năm vẫn có những điểm sáng. Thu ngân sách đạt được 40% dự toán. Giải ngân vốn đầu tư công đạt kết quả nổi bật nhờ giao ban đầu tư công 2 tuần/lần và áp dụng quy định mới của Chính phủ cải tiến quy trình bồi thường giải phóng mặt bằng. Tỷ lệ giải ngân vốn đạt 43% kế hoạch năm, gấp 3 lần cùng kỳ năm ngoái. TPHCM cũng triển khai mạnh mẽ việc hỗ trợ doanh nghiệp. Trong 6 tháng đầu năm TPHCM đã triển khai đợt thi đua 200 ngày chào mừng Đại hội Đảng các cấp và đạt những kết quả tích cực. Số vụ vi phạm trật tự xây dựng giảm 78% so với cùng kỳ. 

Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân đề nghị trong 6 tháng cuối năm, TPHCM tiếp tục sẵn sàng ứng phó với dịch Covid-19, phấn đấu TPHCM trong mọi tình huống phải là TP an toàn dịch (không có quá 10 người mắc/1 triệu dân). Về các nội dung thi đua 200 ngày, theo đồng chí cũng cần đẩy mạnh, nhất là thực hiện Chỉ thị 19 và Chỉ thị 23, tiến hành các hoạt động chủ đề năm. Đồng thời phấn đấu hoàn thành việc hỗ trợ các doanh nghiệp gặp khó khăn do dịch bệnh.

Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân cũng nhấn mạnh, cần triển khai quyết liệt đầu tư công - vốn là một yếu kém thường xuyên của TP, để hết tháng 10-2020 đạt ít nhất 80% kế hoạch năm. 6 tháng cuối năm cũng là thời gian cần tập trung để sơ kết Nghị quyết 54 của Quốc hội, trong đó có việc xây dựng đề án chính quyền đô thị và tổ chức lại HĐND phường quận, đề án thành lập TP phía Đông. 

Cuối cùng, đồng chí Bí thư Thành ủy TPHCM gửi gắm, dù đại biểu HĐND TP có là đảng viên hay không cũng theo dõi, hỗ trợ, góp phần tổ chức thành công đại hội Đảng bộ các cấp. Yêu cầu đặt ra là làm sao để đại hội Đảng thực sự là ngày hội của toàn dân, để người dân thấy được điều mình mong muốn được gửi gắm vào văn kiện và biến thành các dự án, chương trình của quận huyện, thành phố. 

“Với tinh thần khẩn trương quyết liệt hoàn thành tốt nhiệm vụ trong năm mà HĐND TPHCM cũng như Thành ủy đã thông qua, rất mong HĐND các cấp, cùng các cấp ủy Đảng và UBND các cấp, các sở ngành tiếp tục nỗ lực với quyết tâm cao thực hiện kỷ cương, trách nhiệm, sáng tạo để hoàn thành nhiệm vụ năm nay - một năm đặc biệt khi TPHCM cùng cả nước chuẩn bị Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng lần thứ XIII”, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh.

* Lấy chất lượng đảm bảo phát triển

Ngày 11-7, mở đầu phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 20 HĐND TPHCM khóa IX, đại biểu (ĐB) Triệu Đỗ Hồng Phước nêu tình trạng 6 tháng đầu năm 2020 kinh tế cả nước nói chung và TPHCM nói riêng bị tác động mạnh của dịch Covid-19. Trong đó, ngành du lịch TPHCM chịu tác động rất lớn. ĐB Triệu Đỗ Hồng Phước đề nghị Giám đốc Sở Du lịch Bùi Tá Hoàng Vũ cho biết cách ứng phó của ngành, các giải pháp trước mắt và lâu dài để khôi phục, phát triển ngành du lịch TP sau dịch Covid-19? 

Bế mạc kỳ họp thứ 20 HĐND TPHCM khóa IX: Kỷ cương, trách nhiệm và sáng tạo để hoàn thành nhiệm vụ ảnh 3
Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Lệ phát biểu tại buổi bế mạc. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Lệ nhận xét, các sản phẩm du lịch TPHCM chưa hấp dẫn, bởi chưa kết hợp được yếu tố văn hóa và giải trí cao, chưa kết nối được làn sóng đầu tư trong nước và ngoài nước vào các sản phẩm du lịch. Đồng chí chất vấn: “Giải pháp sắp tới của sở như thế nào? Sở có kế hoạch cụ thể nào để phát triển thị trường du lịch nội địa đang được kỳ vọng phục hồi 30%-40% trong thời gian từ nay đến cuối năm?”. Trong khi ĐB Cao Thanh Bình quan tâm đến phát triển du lịch đường sông, du lịch y tế; ĐB Nguyễn Thị Nga đặt vấn đề về du khách nước ngoài, khi hàng năm TPHCM đón 8 triệu khách nước ngoài: “Thời gian lưu trú, mức chi tiêu, sự quay lại TPHCM của du khách nước ngoài? Sản phẩm du lịch đặc trưng của TPHCM là gì?”.

Trả lời chất vấn, Giám đốc Sở Du lịch Bùi Tá Hoàng Vũ thông tin, trong 6 tháng đầu năm 2020, du lịch ở TPHCM suy giảm trầm trọng. Số lượt khách quốc tế sụt giảm 52%, doanh thu sụt giảm gần 50%. Để phục hồi, Sở Du lịch đã liên kết với các ngành, các đơn vị và tung gói kích cầu lớn nhất từ trước tới nay với 280 tour đến TPHCM. Các tour có khung giá rất bất ngờ và theo quan điểm: Lấy giá tạo sự quan tâm nhưng lấy chất lượng để đảm bảo sự phục vụ. Ngoài ra, TPHCM cũng liên kết phối hợp với các địa phương để kích thích du lịch nội địa. Trong cơ cấu chi tiêu của khách quốc tế khi đến TPHCM, du khách dành 30%-32% cho lưu trú, 18% cho ăn uống, 14% cho giải trí mua sắm. Trung bình du khách ở lại 3,3 đêm khi đến TPHCM. Để cải thiện, gia tăng nguồn thu từ du khách, TPHCM phải đầu tư. Với năng lực 4.800 khách sạn, trong đó có 15.000 phòng cao cấp, để TPHCM đứng trong tốp 20 châu Á, trong 10 năm tới, TPHCM cần thêm 40.000 phòng. Cơ sở vật chất cần được đầu tư khang trang hơn, cộng với du lịch sinh thái thì TPHCM có thể đón 15 triệu du khách quốc tế/năm. Về du lịch đường thủy, theo ông Bùi Tá Hoàng Vũ, cần thêm 3-5 năm, sau khi TPHCM quy hoạch và thực hiện quy hoạch bờ kè sông Sài Gòn, có hệ thống cầu cảng. Đáng chú ý, dòng người đến TPHCM du lịch chữa bệnh mang lại nguồn thu 1 tỷ USD/năm cho TPHCM. Thế mạnh du lịch y tế tại TPHCM là tầm soát sức khỏe, y học dân tộc, nha khoa, làm đẹp… TPHCM đã có đề án phát triển du lịch y tế và tín hiệu cho thấy du lịch y tế có điều kiện phát triển trong tương lai.

Trong khi đó, ĐB Tăng Hữu Phong chất vấn quan điểm của Sở VH-TT về vấn nạn hát karaoke gây ồn ào và hướng khắc phục? Giám đốc Sở VH-TT Huỳnh Thanh Nhân trả lời, theo quy định hiện hành, thẩm quyền về xử lý tiếng ồn thuộc về ngành TN-MT và ngành công an. Do đó, Sở VH-TT đã tham mưu UBND TP giao trách nhiệm cho các ngành liên quan, ngoài Sở VH-TT còn có Công an TP, Sở TN-MT, UBND các quận huyện... tham gia xử lý.

Góp ý với ngành VH-TT, ĐB Tô Thị Bích Châu, Chủ tịch UBMTTQ TPHCM, nhận xét, hát karaoke là một hoạt động sinh hoạt tinh thần, nhưng không thể làm phiền đến những người xung quanh. Chịu đựng tiếng ồn từ karaoke dẫn đến bức xúc âm ỉ kéo dài trong người dân là điều đáng suy nghĩ. Vì thế cần đưa việc này vào hương ước, quy ước của khu phố, tổ dân phố để các hộ dân tự nguyện thực hiện trên nguyên tắc văn minh, tôn trọng lẫn nhau. Nếu người dân vẫn không chấp hành, cần sử dụng các biện pháp hành chính để xử lý. Điều hành phiên chất vấn, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Lệ yêu cầu Sở VH-TT rà lại các quy định pháp luật, nhất là tiêu chí ứng xử văn hóa ở cộng đồng, có thể đưa vào bộ tiêu chí nội dung như ĐB Tô Thị Bích Châu đề xuất, từ đó có biện pháp xử lý cho phù hợp. Nhận thấy trách nhiệm của các cơ quan chưa rõ ràng trong xử lý tiếng ồn từ karaoke, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Lệ yêu cầu Sở VH-TT phối hợp với các ngành liên quan để hướng dẫn cho quận huyện xử lý vấn đề này.