LĐO - Trong khi bão số 10 vẫn ở mức nguy hiểm, nhiều tàu cá không chấp hành quy định đảm bảo an toàn khi có bão, vẫn đánh bắt tại những vùng nguy hiểm.

Bất chấp quy định, vẫn đánh bắt cá tại vùng nguy hiểm của bão

Tại cuộc họp ứng phó với bão số 10 do Ban Chỉ đạo (BCĐ) Phòng chống thiên tai (PCTT) tổ chức sáng nay (5.11), thông tin cho biết, hiện vẫn còn nhiều tàu cá đánh bắt, hai thác hải sản tại những vùng nguy hiểm bị ảnh hưởng của bão số 10.

Theo ông Lê Trần Nguyên Hùng - Vụ trưởng Vụ Bảo tồn (Tổng cục Thủy sản - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - NNPTNT), đến 8h sáng nay (5.11) vẫn còn 11 tàu cá tại tại các tỉnh Khánh Hòa, Phú Yên, Quảng Ngãi hoạt động trong vùng nguy hiểm của bão.

“Đây là các tàu khai thác thủy sản gần bờ (cách đất liền từ 10 - 28 hải lý), nhưng do công suất tàu nhỏ, nếu xảy ra sóng lớn gió mạnh thì rất dễ xảy ra sự cố tàu chìm. Nên trong hôm nay chúng tôi kiên quyết yêu cầu các tàu trên phải vào bờ” - ông Hùng nói.

Thượng tá Nguyễn Đình Hưng - Phó Trưởng phòng Phòng Cứu hộ, cứu nạn (Bộ Tham mưu - Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng) cũng cho biết:

Hiện nay chúng tôi vẫn giữ liên lạc với các tàu thuyền hoạt động trong vùng dự báo nguy hiểm do bão số 10. Tuy nhiên, chủ các phương tiện cho biết ở những khu vực đó tình hình sóng gió bình thường nên họ vẫn khai thác và tự đảm bảo an toàn. Đối với các trường hợp này, chúng tôi đã cử lực lượng xuống tận nhà để yêu cầu các tàu vào bờ.

Thượng tá Nguyễn Đình Hưng - Phó Trưởng phòng Phòng Cứu hộ, cứu nạn (Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng) thông tin về công tác ứng phó với bão số 10. Ảnh: Vũ Long
Thượng tá Nguyễn Đình Hưng - Phó Trưởng phòng Phòng Cứu hộ, cứu nạn (Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng) thông tin về công tác ứng phó với bão số 10. Ảnh: Vũ Long

Ông Nguyễn Văn Tiến - Phó Chánh văn phòng BCĐ Trung ương về PCTT - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục PCTT cho biết: Thời gian qua, mặc dù các cơ quan chức năng đã cảnh báo nhưng các chủ tàu chấp hành chưa nghiêm.

“Như vụ 2 tàu cá ở Bình Định bị chìm trên biển do các chủ tàu không chấp hành yêu cầu di chuyển tránh bão, lực lượng cứu hộ phải điều nhiều tàu và cả máy bay tiếp cận hiện trường để cứu hộ” - ông Tiến nói.

Ông Tiến cũng cho biết, đối với các tàu chưa chấp hành nghiêm quy định, cảnh báo cơ quan chức năng, cần có xử phạt hoặc giáo dục, cảnh báo trước cộng đồng.

Ứng phó với bão số 10, tuyệt đối không chủ quan

Theo báo cáo của Bộ CôngThương, để điều tiết lũ ứng phó với bão số 10, hiện nay có 203 hồ cập nhật thông tin, lưu lượng về hồ thủy điện các khu vực: Bắc Bộ, Đông Nam Bộ giảm, Bắc Trung Bộ, Tây Nguyên, Duyên Hải miền Trung dao động nhẹ, các hồ vận hành bình thường.

Khu vực Tây Nguyên hiệ có 20 hồ chứa vận hành điều tiết qua tràn, trong đó một số hồ có lưu lượng xả/lưu lượng về hồ (m3/s) lớn như: Se San 4a: 180/660; ĐăkSrông 3A: 195/305; ĐăkSrông 3B: 139/286.

Khu vực Duyên Hải Nam Trung Bộ: có 11 hồ chứa vận hành điều tiết qua tràn, lưu lượng xả/lưu lượng về hồ (m3/s) lớn như: Sông Bung 6: 294/563; Sông Ba Hạ: 400/700.

Theo báo cáo số 706/BC-CQTT ngày của cơ quan thường trực Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng, tính đến 6 giờ sáng 5.11, đã thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 49.884 phương tiện với 232.118 người, biết diễn biến, hướng di chuyển của bão số 10 để chủ động di chuyển vòng tránh hoặc thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm. Trong đó có 19 tàu với 90 lao động nằm trong khu vực nguy hiểm, tuy nhiên đây là các tàu hoạt động ven bờ, đi về trong ngày.

Báo cáo của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) cũng cho biết, số lượng tàu thuyền ở khu vực vùng nước cảng biển từ Thanh Hóa đến Bình Thuận có 1.191 phương tiện vận tải đang neo đậu và tránh trú (331 tàu biển; 860 phương tiện thủy nội địa). Bộ GTVT có công điện chỉ đạo các cảng vụ hàng hải giữ liên lạc, hướng dẫn các tàu trú tránh bão.

VŨ LONG