(Thanhuytphcm.vn) - Sáng 5/11, Quốc hội tiếp tục thảo luận về tình hình kinh tế-xã hội, ngân sách nhà nước, đầu tư công, tài chính quốc gia, cơ cấu lại nền kinh tế. Một nội dung nổi bật được các ĐBQH tập trung thảo luận suốt trong phiên thảo luận là vấn đề thiên tai ở miền Trung vừa qua, trong đó nhiều ý kiến cho rằng nạn phá rừng, quy hoạch làm thủy điện không bài bản là tác nhân quan trọng dẫn đến thiên tai ngày càng trầm trọng. Dù ngày 3 và 4/11, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp-Phát triển nông thôn, Bộ trưởng Bộ Công thương đã giải trình về vấn đề này nhưng sáng 5/11, tiếp tục nhiều ý kiến ĐBQH tranh luận về vấn đề này.     

Cần phải đánh giá khách quan, nhiều chiều về hiệu quả của thủy điện

ĐB Nguyễn Thị Lệ Thủy (Bến Tre) cho rằng thời gian qua vẫn còn điểm nóng về phá rừng; tình trạng tàng trữ, vận chuyển, mua bán lâm sản trái phép… Số dự án kinh tế chuyển đổi diện tích rừng từ năm 2019 đã giảm 96% nhưng 90% diện tích rừng chuyển đổi là rừng tự nhiên. Mặc dù diện tích rừng trồng thay thế gấp 3 lần rừng tự nhiên chuyển đổi nhưng do chủng loại cây trồng, vị trí trồng thay thế chưa đáp ứng được công tác bảo tồn đa dạng sinh học.

ĐB Lê Thanh Vân (Cà Mau)ĐB Lê Thanh Vân (Cà Mau)

ĐB Lê Thanh Vân (Cà Mau) không phủ nhận vai trò của thủy điện, đơn cử như thủy điện Sông Đà, với mục tiêu ban đầu là trị thủy, sau đó mới tới phát điện. Tuy nhiên, ĐB Lê Thanh Vân cũng chỉ ra mặt trái của thủy điện, trong đó có tình trạng một số chủ đầu tư lạm dụng công trình để trục lợi thông qua phá rừng. Cần phải đánh giá khách quan, nhiều chiều về hiệu quả và tác động của thủy điện, đồng thời phải xử lý nghiêm, lên án các chủ thể vi phạm pháp luật do lợi ích nhóm gây ra, nhưng không vì lũ lụt mà đổ hết cho thủy điện.

ĐB Hoàng Văn CườngĐB Hoàng Văn Cường

Giải trình lại ý kiến của các ĐBQH, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường Trần Hồng Hà cho rằng, xu hướng cực đoan của thời tiết, khí hậu trên toàn cầu đang tăng lên. Đảng, Nhà nước đã quan tâm đã chỉ đạo các chương trình nghiên cứu lũ quét, lũ lụt ở miền Trung và Tây Nguyên, về sạt lở đất và cảnh báo sạt lở ở miền Trung, Tây Nguyên. Về các vụ việc xảy ra vừa qua ở miền Trung, cần phải có nghiên cứu độc lập của các cơ quan khoa học để đánh giá đầy đủ. “Theo thông tin cho tới nay, nguyên nhân là do tổ hợp các dạng thiên tai như 4 cơn bão liên tiếp, lượng mưa vượt qua các chỉ số đo lịch sử, như Quảng Nam có mưa tới 500mm một ngày, có nơi từ 2.000 đến 4.000mm. Các số liệu cho thấy các điểm sạt lở như ở trạm kiểm lâm 67, Trà Leng, Trà Vân, Phước Lộc (Phước Sơn), đoàn 337… ở độ cao từ 300-900m, nên ở đây không có vấn đề do thủy điện”, Bộ trưởng Trần Hồng Hà giải trình và cho rằng toàn bộ khu vực này nằm trong đứt gãy địa chất, do phong hóa, đất cát sét sỏi độ gắn kết rất thấp, địa hình dốc, tạo ra độ trượt, tạo ra đứt gãy…, cộng thêm lượng mưa lớn gia tăng trọng lượng trượt.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà khẳng định lũ lụt, thiên tai không phải lỗi do thủy điện. Việc điều tiết các hồ chứa trong khu vực nhịp nhàng, chặt chẽ như vừa qua đã làm giảm lũ từ 30%-70% cho vùng hạ du. Cùng với đó, các hồ chứa cũng có hiệu quả trong chống hạn. Về chuyển đổi mục đích rừng, nếu không thực hiện thì với dân số 100 triệu, Việt Nam không có không gian để phát triển. Tuy nhiên, phải xác định các khu vực cần giữ là rừng tự nhiên, rừng phòng hộ, rừng đặc dụng.

Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn AnhBộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh

Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cũng nói thêm, chúng ta có những quy trình pháp lý rất bài bản để quản lý thủy điện. Khi có chủ trương đầu tư một dự án thủy điện, các dự án này đều phải được bổ sung vào quy hoạch, trong đó có các tiêu chí về sử dụng đất thực hiện dự án. Địa phương quyết định việc bổ sung quy hoạch. Sau khi được thông qua, Bộ Công thương sẽ tiếp tục xin ý kiến các bộ ngành liên quan để đảm bảo phù hợp với các quy hoạch khác nhau. Các dự án thủy điện phải đăng công khai đánh giá tác động về môi trường, nếu vượt qua 10 ha đất/1MW hoặc lấy đất rừng tự nhiên sẽ không được xem xét.

ĐB Trương Trọng NghĩaĐB Trương Trọng Nghĩa

Tranh luận với Bộ trưởng Công thương, ĐB Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) cho rằng việc đưa dự án thủy điện vào quy hoạch cần xem xét nhiều yếu tố, đặc biệt là tác động của mỗi dự án. Một dòng sông có thể chịu được bao nhiêu dự án thủy điện, 3 công trình sẽ khác với 8 công trình. Những dự án đầu tiên chúng ta có thể xét duyệt khác, nhưng khi đến dự án thứ 4, 5, 6 thì phải xem xét khác. ĐB Dương Trung Quốc (Đồng Nai) cũng cho rằng, các dự án thủy điện gây tác hại không nhỏ, do đó đối với các dự án thủy điện chúng ta cần có tầm nhìn sau 30-40 năm để có chế tài buộc doanh nghiệp tuân thủ đúng theo các quy định của pháp luật.

ĐB Trương Trọng Nghĩa cũng đặt câu hỏi: diện tích rừng tại Việt Nam đã tăng từ 9 triệu ha năm 1990, lên 14,6 triệu ha rừng hiện nay. Nhưng trong số đó, có bao nhiêu là rừng tự nhiên và bao nhiêu rừng trồng, bởi hai loại rừng này là hoàn toàn khác nhau, về vai trò, chức năng, năng lực bảo vệ đất.

Phát triển các tập đoàn mạnh để làm trụ cột của nền kinh tế

Trong phiên thảo luận sáng 5/11, ĐB Nguyễn Bắc Việt (Ninh Thuận) bày tỏ lo ngại trước tình trạng đạo đức xã hội xuống cấp, an toàn giao thông, tệ nạn xã hội, tội phạm đang gây nhiều bức xúc và chúng ta cần xác định nhiệm vụ giải pháp căn cơ. Đây là trách nhiệm của cả hệ thống, các cấp các ngành, toàn xã hội và từng người dân dể lành mạnh hóa đời sống văn hóa xã hội, bài trừ những lối sống, cách hành xử đang đi ngược lại đạo đức truyền thống. ĐB Nguyễn Hồng Vân (Phú Yên) bày tỏ quan tâm vấn đề an ninh mạng, đề nghị phải có chế tài nghiêm khắc hơn nữa đối với các hành vi lợi dụng công nghệ thông tin để lừa đảo, đánh bạc trên mạng, thông tin sai lệch, xuyên tạc.

Còn theo ĐB Hoàng Văn Cường (Hà Nội) nêu ý kiến, tăng trưởng kinh tế sẽ là mấu chốt để Việt Nam trở thành nước phát triển, với thu nhập bình quân đầu người trên 40.000 USD vào năm 2045. ĐB Hoàng Văn Cường đề nghị trong chiến lược phát triển giai đoạn 2021 - 2030 cần tập trung nguồn lực vào tăng trưởng. Trong đó, một giải pháp là phát triển các tập đoàn mạnh để làm trụ cột của nền kinh tế. Cần kêu gọi tập đoàn nước ngoài tham gia, thậm chí là mua lại công nghệ phát triển để trở thành người chủ trong chuỗi giá trị ngành công nghiệp đường sắt. Chiến lược phát triển đến năm 2030, tầm nhìn 2045 cần tập trung đầu tư đổi mới sáng tạo, chuyển giao công nghệ, phát triển các tập đoàn lớn làm trụ cột chuỗi giá trị, tăng đầu tư phát triển.

Chiều 5/11, Quốc hội tiếp tục thảo luận tại hội trường.

Trung Kiên