TTO - Theo các nhà chuyên môn, TP.HCM cần lập quy hoạch về tuyến và khu phố di sản ở trung tâm và bảo tồn các công trình trong không gian đô thị chung.

Trụ sở UBND TP.HCM được công nhận di tích quốc gia: Nên đưa di sản đến công chúng - Ảnh 1.

Tòa nhà trụ sở UBND TP.HCM được công nhận di tích cấp quốc gia thể loại di tích kiến trúc nghệ thuật - Ảnh: TỰ TRUNG

Vừa qua, Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL đã ký quyết định xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia cho hai công trình tại TP.HCM là trụ sở UBND TP.HCM (Q.1) và Đình thần Linh Đông (Q. Thủ Đức).

Trụ sở UBND TP.HCM được xây dựng trong 11 năm

Theo mô tả của Sở Văn hóa & thể thao TP.HCM, tòa nhà trụ sở UBND TP.HCM được công nhận di sản gồm các khu nhà: khu A1 và A2 sát đường Lê Thánh Tôn, khu B1 và B2 cách khu A một khoảng sân rộng và khu C (sát đường Pasteur, nối liền khu A1 với khu B1). Trong đó, khu vực được nhiều người chú ý vẫn là khối nhà A1, cũng chính là phần trụ sở được xây dựng đầu tiên.

Khối nhà A1 được xây dựng trên khu đất dài 136m, rộng 35m, có tầng hầm bên dưới nhưng từ sau năm 1975 tầng hầm này không còn được sử dụng.

Theo các tài liệu, tổng thống Pháp khi đó (ông Patrice de Mac Mahon) ban hành sắc lệnh thành lập thành phố Sài Gòn vào ngày 8-1-1877. Năm 1895, Hội đồng TP Sài Gòn tổ chức chương trình thi tuyển dự án xây dựng tòa thị chính, địa điểm xây dựng là khu đất cao và địa thế vững chãi cuối đường Charner (nay là đường Nguyễn Huệ) tầm nhìn được mở rộng về phía sông Sài Gòn. 

Tòa nhà được khởi công năm 1907, và lễ khánh thành vào năm 1909 có Toàn quyền Đông Dương dự. Tòa nhà gồm một khối sảnh ở giữa và hai khối nhà một tầng ở hai bên (là khu A1 nói trên).

Tháng 8-1945, từ bancông của tòa thị chính này, bác sĩ Phạm Ngọc Thạch đã tuyên đọc danh sách Ủy ban Hành chánh lâm thời Nam Bộ, đây là sự kiện để lại dấu ấn sâu sắc trong lòng người dân Nam Bộ. 

Năm 1966, ba khối nhà bốn tầng được xây dựng trong khuôn viên để mở rộng thêm các phòng làm việc. Ngày 2-7-1976, Quốc hội Việt Nam quyết định đổi tên thành phố Sài Gòn - Gia Định thành TP.HCM, tòa nhà được sử dụng làm trụ sở làm việc của chính quyền TP từ đó đến nay.

Đến nay, tòa nhà trụ sở UBND TP.HCM đã qua nhiều lần trùng tu, sửa chữa, gia cố tôn tạo và có hình dáng như hôm nay.

Nên lập tuyến phố di sản

KTS Cao Thành Nghiệp (Hội Kiến trúc sư TP.HCM) cho rằng việc đầu tiên của các công trình được xếp loại di sản là việc đưa di sản đến với cộng đồng. Với những công trình di sản của TP.HCM đa phần là trụ sở công nên việc sắp xếp làm sao để đón công chúng đến tham quan, mở mang giá trị cho di sản là một vấn đề khó khăn và tùy thuộc vào công việc thực tế của từng cơ quan đang hoạt động trong mỗi công trình.

Tương tự, tòa nhà trụ sở UBND TP là một công trình mang dấu ấn của đô thị Sài Gòn - TP.HCM nên cần phải được mở cửa để người dân và du khách tham quan. Đây không chỉ là hoạt động văn hóa, quảng bá giá trị của di sản kiến trúc mà còn là một hoạt động bắt buộc trong Luật di sản và các công ước quốc tế về di sản mà Việt Nam tham gia.

Theo ông Cao Thành Nghiệp, với việc trụ sở UBND TP được công nhận là di sản cấp quốc gia, bản đồ du lịch của TP có thêm một điểm tham quan. Cùng với tòa nhà này, khu vực trung tâm Sài Gòn - TP.HCM có Bảo tàng Cách mạng, trụ sở Tòa án TP.HCM, Dinh Thống Nhất, Nhà thờ Đức Bà, Bưu điện TP, Bến Bạch Đằng, cột cờ Thủ Ngữ… tạo thành một vòng tuyến tham quan khép kín cho khách du lịch. 

Khu vực này không quá rộng lớn cũng không làm cản trở giao thông, vì vậy chính quyền cần tính toán để kết nối tạo thành vùng di sản, tuyến di sản để khai thác du lịch, thu hút du khách, tạo ra sản phẩm du lịch riêng cho thành phố.

Đồng tình với quan điểm này, KTS Phạm Kiều Anh, thành viên của nhóm Bảo vệ di sản, cho rằng trụ sở UBND TP.HCM đáng ra phải được công nhận di tích sớm hơn. UBND TP nên tính toán để mở cửa cho khách tham quan theo giờ trong tuần hoặc các ngày cố định, ngày lễ đặc biệt trong mỗi tháng.

Đình thần Linh Đông - nơi "Long hổ hội"

dinh linh dong anh 2 1(read-only)

Đình Linh Đông nhìn từ phía chính diện - Ảnh: NGỌC HÀ

Đình Linh Đông (số 28 đường Chương Dương, P.Linh Chiểu, Q.Thủ Đức) tọa lạc trên một gò đồi cao, cách trung tâm TP.HCM khoảng 15km về phía đông bắc và cách chợ Thủ Đức 500m về hướng tây nam.

Đình thờ thần Thánh Hoàng bản cảnh thôn Linh Chiểu Đông là chính, sau đó có thờ thêm ông Tạ Dương Minh (tự Thủ Đức) - một người có công trong việc xây dựng và hình thành vùng đất Thủ Đức. Theo các tài liệu thì ngôi đình ban đầu xây dựng trên lô đất gần 50.000m2, nhưng hiện nay khuôn viên chỉ còn hơn 2.900m2 do bị lấn chiếm.

Lý giải về khu đất to lớn mà đình tọa lạc, các tài liệu cho thấy vùng đất Linh Chiểu Đông vốn là nơi chôn nhau cắt rốn của Thánh tổ Tá tiên Nhân hoàng hậu Hồ Thị Hoa - vợ vua Minh Mạng, mẹ vua Thiệu Trị, bà ngoại vua Tự Đức. Ngôi đình này cũng được vua Tự Đức sắc phong năm 1852.

Theo các tài liệu, đình này được xây dựng trong khoảng thời gian từ năm 1818 đến 1852, tức đình đã có cách đây gần 200 năm. Đình được xây theo kiểu chữ tam gồm 3 khối nhà: tiền điện, trung điện và nhà khách. Trong sân đình, ở vị trí chính giữa mặt tiền ngôi đình có bức bình phong xây bằng gạch cao 3m, dài 3,8m. Mặt ngoài bình phong có phù điêu Long hổ hội (chỉ nơi rồng cọp tụ về - đất thiêng), mặt sau là bình phong quy - hạc với cảnh chim hạc bay trên cao, rùa dưới đất.

Hiện trong đình còn nhiều hiện vật thờ cúng được chạm khắc tinh tế, sắc sảo và mang đậm nét văn hóa cổ xưa. Ngoài ra, các bức hoành phi, liễn đối, hiện vật bằng gỗ là những tác phẩm nghệ thuật phong phú khác.

 
DƯƠNG NGỌC HÀ