TTO - Một số khách sạn đưa ra giá phòng cách ly khá 'choáng' từ 1,8-6 triệu đồng/người, tiền xe từ sân bay về khách sạn 3 triệu đồng...
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm ngay tại sân bay - Ảnh: NAM TRẦN
Giá phòng cách ly tự nguyện cho người nhập cảnh tại các khách sạn, nhà nghỉ ở TP.HCM, Hà Nội đang cao gấp nhiều lần so với giá bán phòng thông thường.
Trong thời điểm dịch COVID-19, khách sạn ế ẩm, tưởng chừng nguồn khách nhập cảnh có nhu cầu cách ly tự nguyện sẽ là lối ra để giải quyết khó khăn của nhiều khách sạn. Tuy nhiên, mức giá cách ly tự nguyện và các dịch vụ kèm theo đang ở mức rất cao, có mức giá và dịch vụ bất hợp lý. Vì sao vậy?
Trọn gói lên tới 60 triệu đồng
Cuối tháng 10 vừa qua, gia đình anh H.K. ở Hà Nội có con và cháu từ Úc về TP.HCM, chọn cách ly tự nguyện tại một khách sạn ở quận 7. Cùng chuyến bay với con cháu anh K. có 12 hành khách khác cùng chọn cách ly tại khách sạn này, tuy nhiên nhà xe (hiện chỉ có hai nhà xe được phép) không cho khách đi cùng chuyến bay, về cùng khách sạn đi chung xe, yêu cầu mỗi khách (ngoại trừ trường hợp vợ chồng) đi một xe khác nhau.
Tuy chỉ có 1 khách nhưng nhà xe điều tới sân bay loại xe 45 chỗ ngồi và mức phí lên tới 3 triệu đồng/chuyến xe, đắt hơn nhiều lần so với phí chuyên chở thông thường từ sân bay Tân Sơn Nhất về quận 7.
Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, tính đến nay trên địa bàn TP.HCM có tất cả 23 khách sạn với 1.718 buồng/phòng được UBND TP chấp thuận làm điểm cách ly có thu phí cho người nhập cảnh. Tại Hà Nội có 15 khách sạn.
Dự báo nhu cầu này tiếp tục tăng cao và cho đến nay, TP.HCM tiếp tục có 26 nơi (gồm khách sạn từ 2 sao đến 5 sao, du thuyền) với hơn 1.300 phòng đang đề xuất cơ quan chuyên môn thẩm định cấp phép nhận người cách ly.
Hầu hết các khách sạn được cấp phép tiếp nhận người cách ly đều báo giá cao hơn mức cho thuê lẻ bên ngoài. Đơn cử khách sạn Đ.N (Q.Tân Bình) khi được hỏi cho thuê phòng từ ngày 6 đến 10-11, nhân viên trực tổng đài báo giá mức thấp nhất của phòng đơn 1,3 triệu đồng/ngày, trong khi giá với khách cách ly cao hơn 500.000 đồng (tức 1,8 triệu đồng/phòng/ngày).
Tại khách sạn H.S (Q.1), theo giá đơn vị này báo với Sở Du lịch TP.HCM, phòng có giá thấp nhất là 1,5 triệu đồng/ngày, cao nhất là 2,8 triệu đồng/ngày (tùy vào phòng đơn, phòng đôi, bao ăn sáng hay trọn gói ăn cả ngày). Trong khi giá bình thường nơi đây đối với phòng đơn, bao ăn sáng có 3 mức giá đang áp dụng gồm 1 triệu đồng, 1,2 triệu đồng và 1,5 triệu đồng, riêng phòng đôi thì cộng thêm 200.000 đồng.
Có nơi chi phí mà khách phải trả cho 14 ngày cách ly tăng thêm 12 triệu đồng/người so với giá thường.
Một số khách sạn còn đưa ra giá phòng khá "choáng" từ 1,8-6 triệu đồng/người/phòng, "trọn gói" cho 14 ngày cách ly cao nhất lên tới trên 60 triệu đồng. Các khách sạn giải thích khi nhận khách cách ly, khách sạn phải tuân thủ hàng loạt yêu cầu như xử lý rác riêng biệt, không nhận khách thông thường…
Tuy nhiên chúng tôi đã thử đặt phòng trên ứng dụng đặt phòng thông thường vào ngày 10-11, tức thời điểm đoàn khách cách ly vẫn ở khách sạn, ứng dụng vẫn cho phép đặt phòng thành công tại khách sạn và báo giá 1,9 triệu đồng/phòng cho khách cách ly, nhưng khách thông thường thì giá chỉ bằng chưa đầy 1/4.
Sẽ thẩm định lại giá
Bà H. (bộ phận nhận đặt phòng của khách sạn A, Q.1) khẳng định giá phòng cách ly cao hơn nhiều so với giá phòng khách nghỉ thường là điều tất yếu.
"Khách hàng phải hiểu cho khách sạn bởi vì mỗi lần đón khách đến nhân viên đều phải tốn 100.000 đồng tiền quần áo phòng hộ, rồi mỗi ngày hai lần đo nhiệt độ tốn thêm hai bộ nữa, hoặc bất cứ việc gì phát sinh trong phòng chúng tôi đều phải mặc đồ bảo hộ đi vào kiểm tra. Tính cả ngày gần cả trăm bộ chứ không ít nên rất tốn kém", bà H. phân tích.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, bà Nguyễn Thị Thắng - phó phòng quản lý cơ sở lưu trú (Sở Du lịch TP.HCM) - khẳng định tất cả các khách sạn trước khi được cấp phép đón khách vào cách ly có thu phí đều được thẩm định về giá.
"Các khách sạn có công văn gửi về Sở Du lịch cam kết thực hiện đúng giá đã niêm yết, thông báo cho sở, chúng tôi đối chiếu vào giá công bố các khách sạn bán thông thường, từ đó vận động các khách sạn giảm giá tiền phòng. Bảng báo giá công khai hiện nay có nhiều bảng giá phòng của khách sạn đã được giảm xuống, có đơn vị thì giữ nguyên, không giảm", bà Thắng nói.
Bà Thắng cho rằng một số khách sạn có giá thuê phòng cách ly được cho là cao do khách sạn phải chịu các khoản chi phí khác: nhân sự phục vụ cách ly (phụ cấp độc hại; thiết bị bảo hộ: áo, quần, găng tay, kính che giọt bắn; chi phí ăn, ở… theo quy định của công tác phòng, chống dịch); chi phí khử khuẩn chăn, drap; công tác khử khuẩn buồng/phòng và các khu vực chung như: lối đi chung, thang máy, quầy tiếp nhận và các chi phí trang bị thiết bị đo nhiệt độ, thùng rác thải y tế cho mỗi phòng, chi phí xử lý rác thải, vệ sinh môi trường, các khoản chi phí khác để đảm bảo yêu cầu của Bộ Y tế.
Về phương tiện vận chuyển người cách ly từ sân bay về khách sạn, bà Thắng cho biết hiện nay ngoài Bộ Tư lệnh thành phố (chỉ dành cho các đối tượng giải cứu) thì có hai đơn vị phụ trách vận chuyển đưa khách cách ly về khách sạn là Công ty vận chuyển và du lịch SACO và Trung tâm Y tế Q.Tân Bình.
Theo đó, quy trình vận chuyển là khách sạn sẽ chủ động nắm số lượng khách có nhu cầu để đặt công ty vận chuyển. Giá vận chuyển từ 2,5-2,7 triệu đồng/chuyến/tùy loại xe (chưa VAT). Trường hợp cách ly ở Củ Chi hoặc Cần Giờ tăng lên 3 triệu đồng/chuyến do khoảng cách xa hơn (báo giá của một đơn vị).
Tuy vậy, khi chúng tôi đối chiếu theo báo giá của một số khách sạn, có đơn vị báo giá vận chuyển từ… 4 - 12 triệu đồng/lượt. Ngay khách sạn tại quận 1 đã thu 2,5 triệu đồng/lượt, khách sạn tại quận 7 thu 3 triệu đồng/lượt, cao gấp nhiều lần so với thông thường.
Từ các phản ánh nêu trên của Tuổi Trẻ, bà Thắng cho biết đơn vị sẽ cho làm lại một cuộc khảo sát ngẫu nhiên để thẩm định giá phòng cách ly một lần nữa.
Xử lý thế nào?
Gần một tuần trước, Bộ Y tế đã có cuộc tập huấn về sử dụng phần mềm quản lý nhập cảnh mới cho các tỉnh thành. Theo ông Hà Anh Đức - chánh văn phòng Bộ Y tế, phần mềm này sẽ tích hợp các ứng dụng từ các phần mềm hiện có để quản lý tốt hơn và thuận lợi hơn cả cho hành khách và cơ quan quản lý, trong đó cho phép trước khi khách nhập cảnh có thể khai báo thông tin và lựa chọn nơi cách ly, phương tiện chuyên chở, lựa chọn mức giá…
Trả lời Tuổi Trẻ về mức giá vận chuyển và tiền phòng quá cao hiện nay, ông Đức cho rằng chi phí vận chuyển như công ty ở TP.HCM đang áp dụng cho 1 khách và 1 người đi 1 xe 45 chỗ là không hợp lý, kể cả khi tính chi phí xử lý tiệt khuẩn sau mỗi chuyến xe.