(Thanhuytphcm.vn) - Sáng 6/11, mở đầu phiên chất vấn của Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn sẽ diễn ra trong 2,5 ngày. Đây là phiên chất vấn cuối cùng của nhiệm kỳ này. Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, với đặc điểm là Kỳ họp gần cuối nhiệm kỳ nên Quốc hội không tiến hành lựa chọn nhóm vấn đề và tập trung chất vấn 4 thành viên Chính phủ như thường lệ, thay vào đó là chất vấn và trả lời chất vấn việc thực hiện các Nghị quyết về giám sát chuyên đề và các Nghị quyết chất vấn của Quốc hội từ đầu nhiệm kỳ khóa XIV và một số Nghị quyết chất vấn khóa XIII. Đây là lần thứ 2 trong nhiệm kỳ (lần đầu giữa nhiệm kỳ, tại kỳ họp 6), Quốc hội tiến hành xem xét việc thực hiện các nghị quyết chất vấn của Quốc hội theo quy định của Luật Giám sát của Quốc hội và HĐND.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại phiên chất vấn.
Thực hiện 5K để chung sống an toàn với Covid-19
Trả lời câu hỏi của đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Dương Tấn Quân (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) về giải pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trong thời gian tới, tiến độ nghiên cứu vaccine phòng Covid-19 tại Việt Nam, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cho hay, hiện chúng ta đã thực hiện kiểm soát rất chặt chẽ người nhập cảnh, không chỉ những người nhập cảnh trái phép, mà nhất là những người nhập cảnh hợp pháp. “Bên ngoài sóng to gió lớn chúng ta phải bao đê cho chặt. Căn cơ hơn nữa, ở bên trong chúng ta phải chung sống an toàn với dịch bệnh bằng những giải pháp rất căn bản như khuyến cáo 5K của Bộ Y tế "Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tập trung - Khai báo y tế". Tất cả các cơ sở, đầu tiên là cơ sở y tế, các nhà dưỡng lão, các trường học, cơ sở lưu trú, nhà máy công xưởng… phải thực hiện đầy đủ các quy định đảm bảo an toàn dịch” - Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh.
Về nghiên cứu, phát triển vaccine, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, trong 4 đơn vị nghiên cứu vaccine của Việt Nam thì có 2 đơn vị dự kiến cuối năm 2020 sẽ bắt đầu thử nghiệm vòng 1 trên người, nếu thuận lợi, nhanh nhất thì cuối năm 2021 chúng ta sản xuất được vaccine. Ngoài ra, các cơ quan chức năng, doanh nghiệp của Việt Nam cũng đang làm việc với tất cả các đối tác nhưng việc mua vaccine không dễ khi nhu cầu đang cao hơn năng lực sản xuất và chưa có gì chắc chắn. Vì vậy, giải pháp căn cơ nhất của Việt Nam vẫn là tiếp tục các biện pháp phòng dịch, chung sống an toàn với dịch. Phó Thủ tướng đề nghị lãnh đạo các bộ ngành, địa phương, các ĐBQH không thể chủ quan khi 24 giờ qua thế giới ghi nhận nửa triệu ca nhiễm.
Kỳ vọng một một hệ thống pháp luật ổn định và hiệu quả
Đại biểu Dương Minh Tuấn (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) hỏi quan điểm của Bộ trưởng Bộ Tư pháp về tình trạng một số văn bản phải sửa đổi, bổ sung nhiều lần, giải pháp khắc phục là gì? Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long hồi đáp: Theo số liệu thống kê thì trong nhiệm kỳ vừa qua, Quốc hội đã ban hành 75 luật và nghị quyết, đây là cố gắng rất lớn, được dư luận đánh giá khá tích cực. Tuổi thọ trung bình của một luật là 10 năm, trung bình 5 năm sửa đổi một số điều, 10 năm sửa đổi tổng thể. Thừa nhận trong nhiệm kỳ vừa qua có những luật có tuổi thọ dưới 5 năm, như Luật Đầu tư công, do cần đáp ứng yêu cầu của một đất nước đang phát triển, Bộ trưởng Lê Thành Long khẳng định, một hệ thống pháp luật ổn định và hiệu quả vẫn là mong muốn của chúng ta.
ĐB Huỳnh Thanh Phương (Tây Ninh) chất vấn Bộ trưởng Bộ Nội vụ về hiệu quả thực hiện tự chủ tại các đơn vị sự nghiệp công lập, nguyên nhân của những tồn tại và giải pháp giải quyết? Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết, nghị quyết của Trung ương đã giao nhiệm vụ rất rõ về các mục tiêu sắp xếp giảm các đơn vị sự nghiệp công lập, giảm số người hưởng lương từ ngân sách. Về sắp xếp, đã giảm 9,09% đơn vị sự nghiệp công lập ở Trung ương, ở địa phương giảm hơn 7%; giảm 11,98% số biên chế hưởng lương từ ngân sách.
“Bộ Nội vụ đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 106/2020/NĐ-CP ngày 10/9/2020 về vị trí việc làm và số lượng người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập; Nghị định 120 năm 2020 quy định về thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập. Như vậy, cùng với nghị định thay thế Nghị định 16, chúng ta sẽ có cơ chế thuận lợi cho việc tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập”, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân nêu rõ.
Tranh luận xung quanh vụ việc ở Đại học Tôn Đức Thắng
Vụ việc tại Trường Đại học Tôn Đức Thắng là vấn đề được nhiều ĐBQH quan tâm đặt câu hỏi tại phiên chất vấn. ĐB Lê Thanh Vân (Cà Mau) hỏi: “Việc cách chức Hiệu trưởng Trường ĐH Tôn Đức Thắng (ông Lê Vinh Danh) của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam có đúng thẩm quyền, theo quy định của Luật Giáo dục đại học?”.
Trả lời ĐB, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định, liên quan đến vụ việc tại Đại học Tôn Đức Thắng, Chính phủ ủng hộ mô hình tự chủ thực hiện ở đại học này. Theo quy định của Luật Giáo dục đại học, thì Hội đồng trường là cơ quan quyền lực của trường đại học. “Việc cách chức Hiệu trưởng, như trường hợp ông Lê Vinh Danh, phải được Hội đồng trường quyết định, sau đó sẽ báo cáo cơ quan chủ quản là Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Như vậy, khi có Hội đồng trường thì việc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đơn phương xử lý Hiệu trưởng Đại học Tôn Đức Thắng mà không thông qua Hội đồng trường là không đúng luật”.
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam giải thích thêm, ở thời điểm kỷ luật ông Lê Vinh Danh, Hội đồng Trường Đại học Tôn Đức Thắng đã hết nhiệm kỳ hoạt động, trong khi Hội đồng trường nhiệm kỳ mới chậm được kiện toàn. Nói cách khác, thời điểm kỷ luật Hiệu trưởng Lê Vinh Danh thì Trường Tôn Đức Thắng đang không có Hội đồng trường.
Điều hành phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị Phó Thủ tướng trả lời thẳng: Tổng Liên đoàn Lao động có thẩm quyền với việc kỷ luật Hiệu trưởng Trường Đại học Tôn Đức Thắng hay không? Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định lại: Theo Luật Giáo dục Đại học thì việc kỷ luật không đúng thẩm quyền; đồng thời cho biết thêm, Chính phủ đã cử một Thứ trưởng Bộ Giáo dục – Đào tạo vào Trường Đại học Tôn Đức Thắng làm việc, trước hết là kiện toàn Hội đồng trường theo đúng quy định của Luật Giáo dục đại học để tháo gỡ, giải quyết vấn đề.
Tuy nhiên, theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trường Đại học Tôn Đức Thắng là mô hình tốt, có được một trường như vậy là điểm sáng của mô hình tự chủ đại học. Thành công của Đại học Tôn Đức Thắng có đóng góp của nhiều cơ quan, đơn vị như TPHCM, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Hội đồng trường, trong đó có cả Hiệu trưởng trường. Còn việc xử lý kỷ luật cán bộ thì phải thực hiện theo Luật Giáo dục đại học, Luật Cán bộ công chức, viên chức và công tác cán bộ của Đảng.
Cẩm Hà