(CLO) Từ năm 2018, Hội Nhà báo Việt Nam, Bộ TT&TT đã dùng công nghệ để phát triển một công cụ phát hiện tự động các bài sáng đăng, chiều gỡ, thực hiện nhắc nhở các cơ quan báo chí và yêu cầu giải trình tại giao ban hằng tuần xử lý hành chính hoặc theo quy định về đạo đức nghề nghiệp của Hội.

Kết thúc ngày chất vấn và trả lời chất vấn đầu tiên vừa qua của Quốc hội (trong chương trình kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV) dưới sự điều hành của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, đã có hàng loạt câu hỏi phản ánh được tâm tư, nguyện vọng của cử tri được các Đại biểu Quốc hội gửi đến các thành viên Chính phủ, lãnh đạo các bộ, ngành.

Đặc biệt, trong ngày chất vấn và trả lời chất vấn đầu tiên, Bộ trưởng Bộ thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng (TT&TT) là người đã nhận được hàng loạt câu hỏi của Đại biểu liên quan đến những vấn đề được dư luận hết sức quan tâm trong lĩnh vực báo chí, đó là: Việc thực hiện quy hoạch báo chí; tôn chỉ, mục đích của các cơ quan báo chí; vấn đề tin giả, tin xấu, độc trên không gian mạng hay tình trạng sáng đăng, trưa gặp, chiều gỡ...

Quang cảnh phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Quốc hội.

Quang cảnh phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Quốc hội.

Hết năm nay thực hiện xong 100% quy hoạch báo chí

Tại nghị trường, đại biểu Dương Minh Tuấn (đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu) đã đặt câu hỏi với Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng liên quan đến vấn đề quy hoạch báo chí.

Theo đại biểu, quy hoạch phát triển và quản lý báo chí đến năm 2025 là chủ trương lớn. “Đề nghị Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết kết quả thực hiện việc sắp xếp báo chí và những giải pháp trong thời gian tới”, đại biểu đặt câu hỏi.

Trả lời câu hỏi của đại biểu Dương Minh Tuấn, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, về quy hoạch báo chí, tháng 4 năm 2019 Thủ tướng ký quy hoạch và tháng 6 cùng năm Bộ đã có kế hoạch triển khai ban đầu. Từ tháng 8/2019, Bộ TT&TT cùng với Ban Tuyên giáo làm việc với từng cơ quan chủ quản báo chí, từng cơ quan báo chí và mỗi cơ quan nhiều lần.

Đến tháng 6 năm nay, Bộ TT&TT đã có một báo cáo sơ kết một năm thực hiện quy hoạch báo chí gửi Thủ tướng Chính phủ.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng thông tin: Đến thời điểm này, đối với quy hoạch báo chí các hội, gồm 33 tổ chức hội, ở trung ương có cơ quan báo hoặc tạp chí thuộc diện quy hoạch, đến ngày 6/11 đã thực hiện xong.

“Hội cuối cùng là Liên hiệp các Hiệp hội khoa học kỹ thuật ký ngày 6/11”, Bộ trưởng nói.

Đại biểu Dương Minh Tuấn (đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu).

Đại biểu Dương Minh Tuấn (đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu).

Đối với quy hoạch báo chí ở các bộ, ngành, theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, có 13/29 bộ, ngành phải triển khai quy hoạch, đến nay còn 2 cơ quan đã có phương án quy hoạch, nhưng còn chờ hồ sơ cấp phép.

Đối với quy hoạch báo chí địa phương có 31/63 địa phương phải thực hiện quy hoạch, đến nay còn 1/31 địa phương còn thiếu hồ sơ cấp phép.

“Theo lộ trình, đến hết năm nay phải thực hiện xong 100% quy hoạch báo chí. Chúng tôi quyết tâm thực hiện được mục tiêu này. Sau quy hoạch sẽ còn có những việc khác nữa, như phát triển báo chí, xây dựng các cơ quan báo chí chủ lực, cơ chế hỗ trợ đặt hàng báo chí, các cơ quan báo chí thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích. Chúng tôi đang tích cực thực hiện những nội dung này sau quy hoạch”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh.

Thực hiện tôn chỉ, mục đích không hạn chế trong việc chống tiêu cực, tham nhũng

Chất vấn Bộ trưởng Bộ thông tin và truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng tại Quốc hội, đại biểu Phạm Thị Minh Hiền (đoàn Phú Yên) đã đặt hai câu hỏi được các cơ quan báo chí cũng như dư luận thời gian qua rất quan tâm đó là quy định về tôn chỉ, mục đích trong hoạt động báo chí; tình trạng đăng, trưa gập, chiều gỡ hoặc thay đổi ruột bài trong một số cơ quan báo chí.

Cụ thể: Thứ nhất, xin Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết những nhận định, quan điểm riêng của Bộ trưởng về quy định tôn chỉ, mục đích trong hoạt động báo chí, có hay không quy định này gây khó khăn cho nhà báo tác nghiệp và là mảnh đất màu mỡ cho lợi ích nhóm trong hoạt động báo chí?

Thứ hai, từ sau khi Bộ trưởng nhậm chức thì tình trạng sáng đăng, trưa gập, chiều gỡ hoặc thay đổi ruột bài, có diễn ra hay không? Nếu còn thì vì sao và giải pháp xử lý?

Đại biểu quốc hội Phạm Thị Minh Hiền ( đoàn Phú Yên).

Đại biểu quốc hội Phạm Thị Minh Hiền ( đoàn Phú Yên).

Trả lời về tôn chỉ, mục đích, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, cơ quan báo chí là cơ quan ngôn luận của cơ quan chủ quản báo chí, tức là các cơ quan và tổ chức nằm trong hệ thống chính trị của Việt Nam.

Theo Bộ trưởng, mỗi một cơ quan và tổ chức đều có chức năng, nhiệm vụ riêng và các cơ quan báo chí phải bám theo các chức năng, nhiệm vụ này, hay còn gọi là tôn chỉ, mục đích để tuyên truyền và vì thế sẽ vẽ lên được một bức tranh toàn cảnh về xã hội Việt Nam.

 “Nếu không có sự phân vai thì có thể lệch bên này hoặc là lệch bên kia, nhiều chỗ này, ít chỗ kia và rất nhiều lĩnh vực kinh tế - xã hội sẽ không được đề cập”, Bộ trưởng nói.

Bộ trưởng cho rằng, việc tập trung hoạt động theo tôn chỉ, mục đích của mình cũng giúp cho báo chí viết chuyên sâu, do báo chí hiện nay đang còn yếu và đây là cách tiếp cận của Việt Nam đã được luật định.

Bộ trưởng cho biết, có ý kiến cho rằng, thực hiện tôn chỉ, mục đích sẽ hạn chế quyền của cơ quan báo chí, đặc biệt là trong việc chống tiêu cực, tham nhũng. “Tôi phải khẳng định điều này là không hạn chế quyền đó”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Về vấn đề này, Bộ trưởng cho rằng, khi cơ quan báo chí đi theo mảng chuyên ngành, thuộc lĩnh vực của cơ quan chủ quản thì có toàn quyền đăng tải thông tin về các vụ việc tiêu cực, tham nhũng theo chuyên ngành của mình, thậm chí còn thuận lợi vì có thể viết rất sâu.

“Thời gian vừa qua, có nhiều nhà báo, cơ quan báo chí đi tác nghiệp hoặc được giao đi tác nghiệp không đúng với tôn chỉ, mục đích chuyên ngành của mình. Việc này gây khó khăn cho nhiều cơ quan, tổ chức và ảnh hưởng đến uy tín và hình ảnh của cơ quan báo chí, nhà báo đang hoạt động đúng quy định của pháp luật. Bộ TTT&TT đã và sẽ nghiêm túc xử lý các cơ quan báo chí thực hiện không đúng tôn chỉ, mục đích này”, Bộ trưởng khẳng định.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng trả lời chất vấn tại Quốc hội.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng trả lời chất vấn tại Quốc hội.

Trả lời câu hỏi của đại biểu về việc sáng đăng, trưa gặp và chiều gỡ; Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, sự việc này đã xảy ra và đỉnh điểm là năm 2017, mỗi tuần có đến hàng chục vụ được phát hiện và đây là hành vi sai trái.

Theo Bộ trưởng, từ năm 2018, Hội Nhà báo Việt Nam, Bộ TT&TT đã dùng công nghệ để phát triển một công cụ phát hiện tự động các bài mà sáng đăng, chiều gỡ, thực hiện nhắc nhở các cơ quan báo chí và yêu cầu giải trình tại giao ban hằng tuần xử lý hành chính hoặc theo quy định về đạo đức nghề nghiệp của Hội.

“Hiện nay, hiện tượng này đã giảm đáng kể, mỗi tuần chỉ còn 1 đến 2 vụ phải giải trình nhưng chủ yếu là do lỗi biên tập để sửa lại”, Bộ trưởng thông tin.

Làm sạch không gian mạng là nhiệm vụ trọng tâm để xử lý tin sai, tin giả

Liên quan đến vấn để tin sai, tin giả, đại biểu Vũ Thị Thủy (đoàn Hải Dương) cho biết, hiện nay, tình trạng lợi dụng mạng xã hội để thông tin sai lệch về tình hình đất nước, bôi nhọ, xuyên tạc, bịa đặt về cá nhân, đưa thông tin giả mạo làm hoang mang trong nhân dân.

Vậy với chức năng, nhiệm vụ của mình, Bộ trưởng Bộ TT&TT có giải pháp gì để hạn chế tình trạng trên?”, đại biểu đặt câu hỏi.

Trả lời câu hỏi của đại biểu Vũ Thị Thủy, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định: “Tin sai và tin giả đang là vấn nạn toàn cầu”.

Theo Bộ trưởng, tin giả ở Việt Nam chủ yếu xảy ra trên các nền tảng xuyên biên giới mà chủ yếu là Facebook và youtube. Việt Nam là một nước có chủ quyền trên không gian mạng và do vậy các nền tảng nội dung xuyên biên giới buộc phải tuân thủ luật pháp Việt Nam.

“Thời gian qua Bộ xác định làm sạch không gian mạng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm và làm rất quyết liệt”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, để xử lý tình trạng trên, thời gian vừa qua, Chính phủ và Bộ TT&TTđã có hàng loạt biện pháp. Cụ thể, đã ban hành Nghị định 15 xử lý vi phạm hành chính trên mạng xã hội.

Đại biểu Vũ Thị Thủy (đoàn Hải Dương).

Đại biểu Vũ Thị Thủy (đoàn Hải Dương).

Tỷ lệ đáp ứng gỡ bỏ thông tin xấu, độc của Facebook đã tăng từ 10% lên 95% và của youtube là tăng từ 50% lên 90%. Số lượng gỡ bỏ thông tin xấu, độc của Facebook năm 2020 là tăng 30 lần so với năm 2017 và số lượng video xấu độc được gỡ bỏ trên youtube năm 2020 là tăng 8 lần so với năm 2017. Số trang giả mạo được gỡ bỏ cũng tăng được 8 lần so với năm 2017.

Về công cụ quản lý thì đã xây dựng và nâng cấp Trung tâm mà giám sát an toàn không gian mạng quốc gia có năng lực xử lý mỗi ngày là 300 triệu tin. Về thực thi pháp luật, đã làm việc cứng rắn với các nền tảng xuyên biên giới, nhất là Facebook và youtube.

Thời gian tới, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã nêu ra các giải pháp để xử lý nạn tin sai, tin giả, đó là: Một, tiếp tục sửa các nghị định liên quan về mạng xã hội và tin giả.

Hai là, ban hành bộ quy tắc ứng xử trên không gian mạng, cụ thể là trong năm nay.

Ba là, yêu cầu định danh người sử dụng mạng xã hội. “Chúng tôi coi đây là căn cơ để người sử dụng không còn nghĩ rằng lên mạng xã hội vì vô danh, vì thế mà vô trách nhiệm”, Bộ trưởng nói.

Bốn là, tiếp tục phát triển các công cụ rà quét và quản lý không gian mạng để bắt buộc phải bằng công nghệ.

Năm là, các nền tảng xuyên biên giới buộc phải tuân thủ luật pháp Việt Nam, cùng với Bộ Tài chính và Ngân hàng nhà nước yêu cầu các nền tảng xuyên biên giới đóng thuế và kiểm soát dòng tiền thanh toán. Hiện nay, 4 công ty lớn là Google, Amazon, Facebook và Apple phát sinh doanh thu tại Việt Nam hàng tỷ USD nhưng chưa đóng thuế.

Sáu là, đề nghị Quốc hội thay đổi về xử phạt có tính răn đe. 

Bên lề phiên chất vấn và trả lời chất vấn, đại biểu Nguyễn Thanh Hiền (đoàn Nghệ An) cho biết, các phiên chất vấn của kỳ họp này rất đặc biệt vì đây là dịp để chất vấn, đánh giá lại quá trình tổ chức thực hiện Nghị quyết của Quốc hội.

Theo đại biểu, trong phiên chất vấn ngày 6/11, các đại biểu đều đặt câu hỏi sâu, lựa chọn trúng vấn đề của ngành, đặt câu hỏi ngắn gọn trong 1 phút. Các Bộ trưởng với tư cách là tư lệnh các ngành đã nắm chắc vấn đề mà đại biểu chất vấn, mạnh dạn trả lời đúng, trúng vấn đề đại biểu nêu và được đại biểu ghi nhận.

“Tôi thấy một số lĩnh vực như Thông tin và truyền thông, Bộ trưởng mới nhận nhiệm vụ nhưng trả lời hay, làm rõ được vấn đề, giúp cho đại biểu nhìn nhận xung quanh những vấn đề mà đại biểu quan tâm. Tôi cũng ghi nhận nhiều Bộ trưởng thể hiện rõ trách nhiệm của mình trước cử tri cả nước. Qua quá trình chất vấn, tôi tin sẽ có sự chuyển biến trong hành động của các Bộ trưởng trước nhân dân", đại biểu Hiền đánh giá.

 

Quốc Trần