TTO - Sở Du lịch TP.HCM đang phối hợp với Sở Y tế TP.HCM rà soát mở rộng thêm nhiều khách sạn 1 sao, 2 sao, các nhà nghỉ... tham gia vào gói cách ly có thu phí nhằm đa dạng giá phục vụ và khả năng chi trả của từng nhóm khách
Sở Du lịch TP.HCM làm việc với tất cả 23 khách sạn được cấp phép tiếp nhận người cách ly có thu phí sáng 5-11 - Ảnh: DUYÊN PHAN
Sau khi báo Tuổi Trẻ Online đăng bài Khách sạn cách ly tự nguyện thu giá khủng, Sở Du lịch TP.HCM đã có cuộc làm việc với tất cả 23 khách sạn được cấp phép tiếp nhận người cách ly có thu phí. Đa phần các khách sạn cho rằng mức giá mà đơn vị báo cáo với Sở Du lịch TP.HCM không cao, thậm chí họ còn chịu sự thâm hụt bởi cùng lúc phải đối diện với nhiều khoản chi phí phát sinh.
Khách sạn kêu không có lời
Bà Lê Thị Thanh Trúc - trợ lý giám đốc khách sạn Đệ Nhất (Q.Tân Bình), một trong 23 khách sạn tiếp nhận khách cách ly có thu phí - chia sẻ khác với thuê phòng thông thường, khi đón tiếp một khách cách ly, khách sạn phải "gánh" rất nhiều loại chi phí "có tên" và cả "không tên".
"Khi tham gia đón khách cách ly có thu phí, tiêu chí hàng đầu của khách sạn là cùng chung tay với nhà nước chống dịch COVID-19, chúng tôi không đặt nặng vấn đề lợi nhuận. Và hiện nay chúng tôi đang làm mà không có lãi", bà Trúc khẳng định.
Bà Lê Thị Thanh Trúc - trợ lý giám đốc khách sạn Đệ Nhất (Q.Tân Bình), một trong 23 khách sạn tiếp nhận khách cách ly có thu phí - Ảnh: DUYÊN PHAN
Bà dẫn chứng câu chuyện chuẩn bị món ăn cho khách cách ly là cả một vấn đề đau đầu. Một ngày nhà bếp phải chuẩn bị 28 thực đơn cho khách, họ có thể chọn bất cứ món nào. Với một lượng khách cách ly lớn buộc bộ phận bếp của khách sạn phải làm việc rất nhiều, và làm bất cứ lúc nào khi khách có nhu cầu, thậm chí cả lúc 2-3h sáng.
Bà còn kể trong nhóm khách cách ly từng có người dương tính và sau đó khách sạn phải chịu chi phí tiêu hủy đồ vải trong phòng, xịt khuẩn và phải để phòng 7 ngày sau mới được nhận khách.
"Lượng khách phải đạt trên 70% mới có lời, nhưng đến nay công suất chỉ đạt 40-50%. Với mức giá mà khách sạn báo Sở Du lịch TP.HCM, so với mức chi phí mà khách sạn đang bỏ ra thì chi phí bị đội lên rất nhiều. Chưa kể nhân viên khách sạn xin nghỉ nhiều do thu nhập giảm, môi trường làm việc nguy hiểm và quá áp lực", bà Trúc nói.
Mở rộng mạng lưới khách sạn cách ly
Trước câu hỏi có thẩm định giá khách sạn trước khi cấp phép hay không, bà Nguyễn Thị Ánh Hoa - giám đốc Sở Du lịch TP.HCM, khẳng định hiện nay đơn vị đang vận hành theo đúng quy định tại quyết định của Bộ Y tế (quyết định 1246) về việc ban hành "hướng dẫn tạm thời cách ly y tế tập trung tại khách sạn do người cách ly tự nguyện chi trả".
Theo đó, trách nhiệm của đơn vị là nơi thông tin, hướng dẫn các khách sạn rà soát, đăng ký tham gia cách ly y tế; làm đầu mối tổng hợp danh sách các khách sạn đăng ký và phối hợp cùng Sở Y tế TP.HCM kiểm tra việc thực hiện các hướng dẫn cách ly phòng chống dịch.
Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa - giám đốc Sở Du lịch TP.HCM - thừa nhận các khách sạn đang gặp phải nhiều "cái khó". Tuy vậy, bà khuyến khích, vận động xem xét giảm bớt các chi phí trong quá trình cách ly có thu phí - Ảnh: DUYÊN PHAN
"Quy định 1246 hiện nay không có quy định về việc phải thẩm định giá cả dịch vụ khách sạn. Nên chăng trong quá trình khảo sát cấp phép, các nhân viên của chúng tôi có vận động các khách sạn giảm giá xuống.
Trách nhiệm của các khách sạn là phải thông báo công khai mức giá của từng gói dịch vụ cho người đăng ký cách ly có quyền lựa chọn, đồng thời phải có trách nhiệm cam kết phải thực hiện đúng giá thông báo", bà Hoa nói.
Để giải quyết vấn đề này, theo bà Hoa, bên cạnh các khách sạn từ 3-5 sao đang tiếp nhận người cách ly, Sở Du lịch TP.HCM đang phối hợp với Sở Y tế TP.HCM rà soát mở rộng thêm nhiều khách sạn 1 sao, 2 sao, các nhà nghỉ... tham gia vào gói cách ly có thu phí, với mức giá dưới 1 triệu đồng/người/ngày. Điều này nhằm đa dạng giá phục vụ và khả năng chi trả của từng nhóm khách khác nhau.
Bà Hoa thừa nhận các khách sạn đang gặp phải nhiều "cái khó". Tuy vậy, bà khuyến khích, vận động các khách sạn xem xét lại, có thể giảm bớt các chi phí trong quá trình cách ly có thu phí.
Đồng thời đề nghị các khách sạn phải có sự thống nhất biểu giá, nghiêm chỉnh thực hiện đúng mức giá niêm yết trên tất cả các kênh thông tin; tuyệt đối không được gây hiểu nhầm việc có nhận đặt phòng từ khách ngoài khi tham gia cách ly.
"Trên tinh thần cầu thị tiếp thu các ý kiến phán ánh từ báo Tuổi Trẻ, thời gian tới chúng tôi sẽ phối hợp với Sở Y tế TP liên tục kiểm tra giám sát các khách sạn, nếu phát hiện có vi phạm trong quá trình tiếp nhận người cách ly sẽ xử lý nghiêm theo quy định", bà Hoa nói.
Tài xế "ngán" chở khách cách ly
Bà Nguyễn Thị Thanh Thảo - giám đốc kinh doanh (Công ty vận chuyển và du lịch SACO) - cho biết hiện nay đơn vị có 100 đầu xe (gồm 16 chỗ và 45 chỗ) vận chuyển người cách ly. Quy định với xe 45 chỗ chở tối đa 10 khách, xe 16 chỗ tối đa 4 khách, nhưng công suất hiện chỉ đạt khoảng 30%.
"Có một thực tế là nhiều tài xế không chịu chạy chở khách đi cách ly. Bởi khi trên xe có trướng hợp dương tính thì không chỉ tài xế, mà cả ekip điều hành đều phải cách ly", bà Thảo nói.
Theo bà Hoa, ngoài một số công ty đang vận hành chở khách cách ly, hiện có thêm Vietravel tham gia và đang trong quá trình thẩm định quy trình vận chuyển cách ly trước khi đi vào hoạt động chính thức.