Trong lịch sử tư tưởng Việt Nam, phạm trù Dân có một ý nghĩa đặc biệt. Những cuộc chiến tranh giành độc lập hay bảo vệ đất nước chỉ khi nào huy động được sức mạnh cả dân tộc mới làm nên chiến thắng. Nhiều triều đại Việt Nam đã biết cách dựa vào dân, huy động sức mạnh dân tộc làm nên những chiến thắng lịch sử. Tình cảm và tư tưởng về dân tộc gắn liền với nhân dân được nêu lên như những nguyên tắc chính trị. Tinh thần thân Dân không chỉ là tình cảm của nhà cầm quyền mà đã trở thành một phương thức cơ bản để dựng nước và giữ nước.

Chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh luôn xác định chân lý cách mạng là sự nghiệp của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, do đó, trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, sức mạnh của Đảng Cộng sản là ở sự gắn bó mật thiết với nhân dân. V.I. Lê-nin khẳng định: Chúng ta cần những đảng có liên hệ thực tế thường xuyên với quần chúng và biết lãnh đạo quần chúng đó; Chỉ khi nào biểu hiện được đúng ý nguyện của nhân dân, thì chúng ta mới quản lý nhà nước được. Nếu không, Đảng Cộng sản sẽ không lãnh đạo được giai cấp vô sản, giai cấp vô sản sẽ không lôi cuốn được quần chúng theo mình, và tất cả bộ máy sẽ tan rã. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Kinh nghiệm trong nước và các nước tỏ cho chúng ta biết: có lực lượng dân chúng việc to tát mấy, khó khăn mấy làm cũng được. Không có, thì việc gì làm cũng không xong”(1). Với Đảng, “Nếu không có nhân dân giúp sức, thì Đảng không làm được việc gì hết”(2). Bởi vậy, “một giây, một phút cũng không thể giảm bớt mối liên hệ giữa ta và dân chúng”(3).
 
Đảng ta là đội tiên phong của giai cấp công nhân, mang bản chất giai cấp công nhân, nên phải gắn bó với nhân dân mà hạt nhân lãnh đạo là giai cấp công nhân. Hơn nữa, Đảng ta còn là đội tiên phong của nhân dân lao động và dân tộc Việt Nam nên tất yếu Đảng càng phải liên hệ mật thiết và bảo vệ lợi ích của nhân dân lao động. Kinh nghiệm lịch sử tại một số nước cho thấy, Đảng Cộng sản cầm quyền nào không giữ được mối liên hệ với nhân dân, được nhân dân ủng hộ thì dù to lớn, có nhiều thành công lớn trong quá khứ vẫn suy yếu, thậm chí sụp đổ. Ngày nay, thực tiễn chính trị hiện đại đều cho thấy, các chính đảng muốn lên cầm quyền hoặc kéo dài địa vị cầm quyền của mình, một vấn đề cơ bản cần giải quyết chính là làm thế nào để có được lòng dân, giữ được sự ủng hộ của đông đảo nhân dân.
 
Từ thực tiễn cách mạng Việt Nam, Đảng Cộng sản Việt Nam đã khẳng định: Sự tin tưởng, ủng hộ, giúp đỡ của nhân dân là cội nguồn của sức mạnh, là cái gốc của thắng lợi, là tài sản quý báu của Đảng. Chính nhân dân là người làm nên những thắng lợi lịch sử. Toàn bộ hoạt động của Đảng phải xuất phát từ lợi ích và nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Sức mạnh của Đảng là ở sự gắn bó mật thiết với nhân dân. Quan liêu, tham nhũng, xa rời nhân dân sẽ dẫn đến những tổn thất khôn lường đối với vận mệnh của đất nước, của chế độ xã hội chủ nghĩa và của Đảng. Dự thảo văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng xác định một trong những nhiệm vụ quan trọng của công tác xây dựng Đảng hiện nay là: Tăng cường mối quan hệ mật thiết với nhân dân, dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng...
 
 Mối quan hệ gắn bó mật thiết giữa Đảng với nhân dân là mối quan hệ có tác động hai chiều. Nếu không có sự đồng tình ủng hộ, chung sức, chung lòng của quần chúng nhân dân thì Đảng không thể có được sức mạnh, cách mạng không thể thành công. Nếu không có sự lãnh đạo, tổ chức của Đảng thì quần chúng nhân dân không có được đường hướng chính trị đúng đắn cũng như sự chỉ đạo, dẫn dắt cuộc đấu tranh cách mạng của mình. Mối liên hệ giữa Đảng với nhân dân tạo nên sức mạnh tổng hợp, duy trì và củng cố vững chắc địa vị cầm quyền của Đảng. Bác Hồ nói, đảng cầm quyền có hai cách lãnh đạo: Một là, lãnh đạo “theo cách quan liêu” thì Đảng sẽ thất bại; hai là, lãnh đạo theo “cách quần chúng” thì nhất định Đảng sẽ thành công.
 
Việc thực hiện nguyên tắc Đảng gắn bó mật thiết với nhân dân được quán triệt và triển khai thực hiện trong toàn Đảng, thể hiện ở đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ngày càng do dân, vì dân; sự gắn bó, gần gũi giữa đảng viên, tổ chức đảng với quần chúng nhân dân được tăng cường; những chuyển biến trong nhận thức cũng như trong hành động của đảng viên, giúp họ có ý thức và trách nhiệm hơn khi tiếp xúc, làm việc với nhân dân… Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng một bộ phận cán bộ, đảng viên đã phạm những sai lầm, khuyết điểm không nhỏ trong quan hệ với nhân dân. Hiện tượng mất dân chủ, tệ quan liêu, cửa quyền, sách nhiễu dân, lãng phí còn tồn tại, trở thành lực cản của sự phát triển và gây bất bình trong nhân dân. Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống ở một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên; tình trạng tham nhũng trong bộ máy chính trị và không ít tổ chức kinh tế đang là những nguy cơ đe dọa vai trò lãnh đạo của Đảng và sự tồn vong của chế độ, làm suy giảm lòng tin của quần chúng nhân dân vào Đảng. Bên cạnh đó, các thế lực thù địch luôn luôn tìm cách lôi kéo, kích động, chia rẽ mối quan hệ giữa Đảng với nhân dân.
 
 Để giữ vững và tăng cường mối quan hệ máu thịt và mật thiết giữa Đảng và nhân dân, theo tôi cần quán triệt và thực hiện thật chu đáo và nhất quán những nội dung chủ yếu sau dây:
 
 Một là, mọi chủ trương, chính sách của Đảng phải xuất phát từ lợi ích hợp pháp, nguyện vọng chính đáng và khả năng của nhân dân, được nhân dân đồng tình, ủng hộ. Đảng Cộng sản Việt Nam phải luôn bảo đảm lợi ích hợp pháp của nhân dân. Nếu đường lối phản ánh đúng nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của nhân dân thì sẽ sớm đi vào cuộc sống và được quần chúng nhân dân hưởng ứng, tích cực tham gia thực hiện. Chủ trương, chính sách, quy định nào mà nhân dân cho là chưa đúng hoặc chưa phù hợp thì dứt khoát phải bàn bạc với nhân dân tìm cách sửa chữa, điều chỉnh để bảo đảm lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân.
 
 Hai là, Đảng thường xuyên chăm lo nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, bảo đảm cho nhân dân được thực hiện đầy đủ quyền và nghĩa vụ công dân, được tham gia đóng góp ý kiến xây dựng Đảng và các quyết sách chính trị của Đảng. Là lực lượng duy nhất lãnh đạo Nhà nước và xã hội, Đảng phải có trách nhiệm phát huy vai trò làm chủ của nhân dân. Vai trò làm chủ của nhân dân phải được phát huy, thực hiện trong tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội, từ chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội... Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân phải được nâng cao như trong “Di chúc” Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn: Từ ngày có Đảng, nhân dân ta luôn luôn đi theo Đảng, rất trung thành với Đảng. Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân.
 
 Ba là, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam do Đảng lãnh đạo thật sự là Nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Cần chú trọng nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Nhà nước. Xây dựng hệ thống pháp luật đồng bộ, thống nhất, khả thi, công khai, minh bạch, ổn định, lấy quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, doanh nghiệp làm trọng tâm thúc đẩy đổi mới sáng tạo, bảo đảm yêu cầu phát triển nhanh, bền vững. Tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội, bảo đảm Quốc hội thật sự là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất. Xây dựng nền hành chính nhà nước phục vụ nhân dân, dân chủ, pháp quyền, chuyên nghiệp, hiện đại, trong sạch, vững mạnh, công khai, minh bạch. Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có đủ phẩm chất, năng lực phục vụ nhân dân và sự phát triển của đất nước.
 
 Bốn là, các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức kinh tế, văn hóa, xã hội dưới sự lãnh đạo của Đảng được hoạt động theo đúng chức năng, nhiệm vụ, điều lệ của tổ chức; thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia. Thực hiện cơ chế Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ, các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức kinh tế, xã hội phải đại diện cho tiếng nói, quyền lợi của các tầng lớp nhân dân để ngày càng phát huy vai trò trong đời sống kinh tế, chính trị, xã hội của đất nước. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, các tổ chức này được hoạt động theo đúng chức năng, nhiệm vụ, điều lệ của tổ chức, hình thức hoạt động phong phú, đa dạng, do đó, tập hợp, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia. Mỗi giai cấp, tầng lớp nhân dân, bộ phận dân cư đều được tập hợp, sinh hoạt, hoạt động trong một tổ chức chính trị - xã hội, hay trong các tổ chức kinh tế, xã hội, xã hội nghề nghiệp phù hợp với ngành nghề, lĩnh vực hoạt động, sở thích của họ.
 
 Năm là, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên gắn bó, gần gũi, tôn trọng, lắng nghe ý kiến của nhân dân. Khi tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên gần gũi, gắn bó, tôn trọng, lắng nghe ý kiến của nhân dân, sẽ thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng, tình cảm của nhân dân dành cho Đảng, sẽ có những hành động cách mạng thiết thực, bảo đảm lợi ích của nhân dân, sẽ đưa ra được những quyết định đúng đắn, tránh được những vấp váp, sai lầm.
 
Công cuộc đổi mới thành công đã khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng, đồng thời cũng khẳng định vai trò to lớn của nhân dân. Quan hệ giữa Đảng và nhân dân ngày càng được củng cố. Song cách mạng nước ta đã chuyển sang giai đoạn phát triển mới, tình hình thế giới cũng có nhiều thay đổi so với trước đây. Nhiều vấn đề mới đang tiếp tục phát sinh liên quan mật thiết đến mối quan hệ giữa Đảng và nhân dân cần phải được tiếp tục nghiên cứu, cần được các cấp ủy đảng, chính quyền và các tổ chức chính trị xã hội vận dụng sáng tạo trong thời gian tới. 
 
 (1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t. 5, Nxb CTQG, H., 2011, tr. 335.
 
 (2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t. 5, Nxb CTQG, H., 2011, tr. 278.
 
 (3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t. 5, Nxb CTQG, H., 2011, tr. 325.
 
 PGS, TS Lâm Quốc Tuấn 
 (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh)