TTO - Không phải giàu sang hay chức vụ cao đã là hạnh phúc. Hạnh phúc của người dân bây giờ là cuộc sống bình yên, lành mạnh, thân thiện…

Cuộc sống yên bình là hạnh phúc lớn nhất của dân - Ảnh 1.

Một gia đình cùng chạy bộ tại công viên Gia Định, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH

GS.TS Phùng Hữu Phú - phó chủ tịch thường trực Hội đồng Lý luận trung ương, nhấn mạnh như vậy khi trao đổi với Tuổi Trẻ về dự thảo văn kiện Đại hội XIII của Đảng.

Theo GS.TS Phùng Hữu Phú, "dự thảo lần này có nhấn mạnh đến vấn đề khát vọng phát triển đất nước". Đây là một yếu tố rất mới, là nhân tố thể hiện sức mạnh nội sinh, tìm tòi của dân tộc ta.

Vấn đề đặt ra là khát vọng phát triển thế nào. Lúc đầu, nhiều người nghĩ là "xây dựng một nước Việt Nam hùng cường". Việc này cũng đúng. Tuy nhiên, sau khi cân nhắc toàn diện, tiểu ban văn kiện mới đây đã báo cáo Bộ Chính trị đưa vào dự thảo "khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc", đặc biệt nhấn mạnh yếu tố "hạnh phúc của nhân dân".

* Hạnh phúc ở đây được hiểu như thế nào, thưa ông?

- Ngày xưa, khi chưa có độc lập, tự do thì cái mong muốn cụ thể nhất là độc lập, tự do để đi đến hạnh phúc. Có độc lập, tự do mà dân không có cơm no, áo ấm thì độc lập có ý nghĩa gì? Lúc ấy, độc lập, tự do trở thành cái hạnh phúc cao nhất. Nhưng có độc lập, tự do rồi nhân dân cần là cần những cái nhu cầu thiết yếu nhất của một con người. Bác Hồ nói: ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành. Hạnh phúc khi đó được hiểu là như thế.

Vậy tại sao lần này (văn kiện) chúng ta lại đặc biệt nhấn mạnh đến "hạnh phúc"? Là sau đại dịch COVID-19, tư duy của nhân loại có một sự điều chỉnh lớn. Như trước đây thì cơm no, áo ấm, nhưng bây giờ qua đại dịch COVID-19 thì càng thấm thía hơn không hẳn cơm no, áo ấm, giàu sang, chức vụ cao hay gì đó mới là hạnh phúc. Không phải cứ tốc độ tăng trưởng cao, cứ bình quân thu nhập đầu người cao là hạnh phúc.

Đại dịch COVID-19 dẫn đến hệ lụy người giàu, người quyền cao chức trọng đến bình dân đều bình đẳng như nhau. Cuối cùng, cái con người cần, cái quốc gia cần là sự bình yên.

* Trong văn kiện có đề cập đến những con số về mục tiêu thu nhập của dân trong 5 năm, 10 năm và 25 năm tới. Theo ông, có cơ sở nào để chúng ta tin mình sẽ đạt được những mục tiêu đó?

- Mục tiêu định hướng tới không chỉ 5 năm, 10 năm mà còn đưa ra tầm định hướng đến năm 2045 gắn với hai cột mốc quan trọng 100 năm thành lập Đảng vào năm 2030 và 100 năm thành lập nước (năm 2045).

Như thế, tầm bao quát rộng hơn nhiều. Đây là một bản văn kiện có nhiều điểm mới về tư tưởng và có cả một hệ quan điểm chỉ đạo mà trước đây không có.

Về mục tiêu cụ thể, dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII có một số điểm nhấn trong xác định tầm nhìn, mục tiêu phát triển với các dấu mốc quan trọng. Cụ thể, đến cuối nhiệm kỳ (năm 2025) sẽ là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp. 

Đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng, sẽ là nước đang phát triển cơ bản có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước, thì chúng ta sẽ trở thành nước phát triển, có thu nhập cao.

Tôi cho rằng mục tiêu đến cuối nhiệm kỳ (năm 2025) có thể đạt được, vì bây giờ thu nhập bình quân của ta đã xấp xỉ gần 3.000 USD/người/năm rồi, trong 5 năm nữa phấn đấu 4.000, trên 4.000 USD để vượt qua thu nhập trung bình thấp thì không khó lắm. Còn đến 2030, đến 2045 thì phải phấn đấu quyết liệt, phải khơi dậy khát vọng của cả dân tộc, đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, đi nhanh vào khoa học công nghệ thì có thể đạt được.

* Sẽ có những đột phá gì để người dân thực sự hạnh phúc như mục tiêu văn kiện đưa ra?

- Hạnh phúc gắn với phồn vinh, phồn vinh là khá giả, là no đủ. Trong văn kiện đưa ra 3 đột phá. Thứ nhất là đột phá về thể chế, nhấn mạnh là làm sao phải khai thác sử dụng hiệu quả các nguồn lực; làm sao phải quản lý, kiểm soát được quyền lực; phát huy cái năng động, chủ động; phân cấp, phân quyền cho rõ; và có môi trường đầu tư sản xuất thông thoáng. Đấy chính là những điều kiện để hạnh phúc.

Thứ hai là đột phá về con người, chú trọng đào tạo nguồn nhân lực. Giờ muốn hạnh phúc phải có trí tuệ, đào tạo nguồn nhân lực trên cơ sở nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo, rồi đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, giá trị văn hóa, giá trị con người.

Thứ ba là đột phá về hạ tầng. Phải chú trọng giao thông, thích ứng biến đổi khí hậu. Vì biến đổi khí hậu, lũ lụt, sạt lở thế này cho nên phải thích ứng để làm sao cho con người an toàn nhất. Văn kiện đã nhấn mạnh đến an ninh con người, an ninh xã hội. Vì vậy, sống trong môi trường an toàn cũng là một sự hạnh phúc.

* Con người vẫn là giải pháp quan trọng nhất, là phải đột phá quan trọng nhất để chúng ta đạt được các mục tiêu trên?

- Đúng rồi. Cái gì cũng là con người hết. Trong dự thảo văn kiện nhấn mạnh là vai trò nhân dân, là con người. Con người sẽ là chủ thể, là trung tâm ra quyết định. Văn kiện rất chú trọng các yếu tố về tinh thần, yêu nước, tự cường, khát vọng phát triển đất nước, hệ giá trị của văn hóa Việt Nam, hệ giá trị của con người Việt Nam.

ĐỨC BÌNH thực hiện