(PL)- CSGT có bốn hình thức tuần tra, kiểm soát, các kế hoạch này được công khai, minh bạch chứ không còn hoạt động trong bí mật như trước đây.

Có nhiều điều chỉnh mới trong Thông tư 65/2020 của Bộ Công an (có hiệu lực từ ngày 5-8)quy định nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung và quy trình tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính về giao thông đường bộ của cảnh sát giao thông (CSGT). 

Theo đó, ngoài việc CSGT thôi hoạt động trong bí mật, các xe chạy trên đường chỉ bị dừng trong bốn trường hợp…

Đối tượng được kiểm soát vẫn là người và xe, giấy tờ của người điều khiển xe và của xe, giấy tờ tùy thân của người trên xe hay việc thực hiện các quy định về hoạt động vận tải đường bộ. Điều đáng lưu ý là có nhiều quy định rõ hơn và khác hơn trước liên quan đến việc tuần tra, kiểm soát trước đây.

Trước tiên, có bốn hình thức tuần tra, kiểm soát mà hết thảy đều là công khai. Hoặc là cơ động, tại trạm CSGT, tại một điểm trên đường hoặc có sự kết hợp các hình thức với nhau. Trong việc tuần tra, kiểm soát tại một điểm trên đường, CSGT phải lựa chọn địa điểm, mặt đường rộng, thoáng, không che khuất tầm nhìn... Khi kiểm soát vào buổi tối, ban đêm, nơi đó phải có đèn chiếu sáng và bảo đảm đủ ánh sáng.

Kế tiếp, CSGT được dừng các loại xe để kiểm soát trong bốn trường hợp sau đây:

 - Khi trực tiếp phát hiện hoặc thông qua phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ phát hiện, ghi thu được các hành vi vi phạm luật giao thông và các hành vi vi phạm pháp luật khác.

- Để thực hiện mệnh lệnh, kế hoạch tổng kiểm soát xe hay kế hoạch tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm theo chuyên đề đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

- Theo văn bản đề nghị của thủ trưởng, phó thủ trưởng cơ quan điều tra; văn bản đề nghị của cơ quan chức năng liên quan về dừng xe để kiểm soát phục vụ công tác bảo đảm an ninh, trật tự, đấu tranh phòng, chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật khác.

- Khi có tin báo, phản ánh, kiến nghị, tố cáo của tổ chức, cá nhân về hành vi vi phạm pháp luật của người và xe.

Thêm điểm khác nữa, các kế hoạch tổng kiểm soát xe hay tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm theo chuyên đề hay tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm thường xuyên trên tuyến, địa bàn được phân công phụ trách đều được thông báo công khai. CSGT có thể niêm yết các kế hoạch đó tại trụ sở tiếp công dân của đơn vị; cho đăng tải trên trang thông tin điện tử của Cục CSGT, công an cấp tỉnh, Phòng CSGT và trên báo, đài…

 

Điểm cộng cho sự rõ ràng của Bộ Công an - ảnh 2
Bộ Công an đã có nhiều thay đổi tích cực trong việc mở rộng sự công khai ra dân nhiều nhiệm vụ, quyền hạn của CSGT. Ảnh: LÊ THOA

Nội dung thông báo công khai gồm có: Đơn vị làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm; tuyến đường tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm; loại xe, hành vi vi phạm cần được tiến hành kiểm soát, xử lý; thời gian thực hiện kế hoạch.

Không chỉ có vậy, trong việc phạt nguội, Thông tư 65/2020 còn quy định cụ thể thời hạn, cách thức gửi thông báo mời chủ xe đến làm việc; việc cập nhật thông tin xe vi phạm hay thông tin đã xử phạt xong…

Biết là mỗi thời điểm cần có những yêu cầu phù hợp thì vẫn phải thấy khi ban hành Thông tư 65/2020, Bộ Công an đã có nhiều thay đổi tích cực trong việc mở rộng sự công khai ra dân nhiều nhiệm vụ, quyền hạn của CSGT.

Đơn cử, trong suốt 11 năm (tính từ Thông tư 27/2009), bộ này đã cho phép một số CSGT được hóa trang (mặc thường phục) để bí mật giám sát, phát hiện, ngăn chặn vi phạm. Dẫu theo quy định thì việc bí mật này nhằm để ngành nâng cao hiệu quả công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông…, nhưng thi hành công vụ mà không công khai, minh bạch thì rất khó tạo được lòng tin về công bằng, chính trực.

Trong việc kiểm soát giao thông, nếu đang cho phép năm trường hợp mà CSGT được phát hiệu lệnh dừng xe, trong đó có sự chung chung làm ảnh hưởng nhiều đến quyền lưu thông bình thường của mọi người thì giờ Bộ Công an quy định gọn là bốn trường hợp. Chi tiết hơn, CSGT chỉ dừng xe theo đề nghị của thủ trưởng, phó thủ trưởng cơ quan điều tra từ cấp huyện trở lên hay của các cơ quan chức năng khác với điều kiện các văn bản đề nghị phải ghi cụ thể thời gian, tuyến đường, chiếc xe phải dừng, lực lượng tham gia phối hợp.

Cũng liên quan đến việc dừng xe, dẫu được thực hiện các kế hoạch tổng tuần tra, kiểm soát và chắc chắn có gây phiền phức ngoài ý muốn cho nhiều người, xe chấp hành tốt luật giao thông nhưng CSGT từng không loan tin rộng rãi về các kế hoạch này. Nay khi các kế hoạch này được Bộ Công an yêu cầu thông báo công khai, số đông sẽ dễ biết để dễ chấp nhận, tuân thủ và CSGT các nơi cũng sẽ hoàn thành tốt hơn.

Tương tự, trong việc phạt nguội, các quy định bắt buộc dành cho các đơn vị thuộc ngành và thuận cho người vi phạm sẽ giúp các chủ xe lỡ vi phạm sớm biết các thông tin về vi phạm để có điều kiện thực hiện ngay, tránh được các hệ lụy dắt dây…

Vậy nên, hãy chấm điểm cộng cho những nỗ lực minh bạch nói trên của Bộ Công an. Trong nhiều cái lợi từ đó, ắt có việc giảm thiểu những hoài nghi, điều tiếng không đáng có về một lực lượng đã và đang làm tốt phận sự giữ gìn trật tự, an toàn giao thông.