Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, sau khi triển khai đề án liên thông thủ tục hành chính, đã không còn hiện tượng người chết có trong danh sách cử tri đi bầu trưởng thôn, xóm như trước.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng trả lời chất vấn tại Quốc hội /// Ảnh Gia Hân
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng trả lời chất vấn tại Quốc hội - ẢNH: GIA HÂN
 
Sáng 9.11, chất vấn Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, đại biểu Mai Thị Kim Nhung (Quảng Trị) đề nghị ông Dũng cho biết về việc triển khai đề án liên thông các thủ tục hành chính đăng ký khai tử, xóa đăng ký thường trú, hưởng chế độ trợ cấp tết và trợ cấp mai táng; hỗ trợ chi phí mai táng, hưởng mai táng phí được Chính phủ phê duyệt từ 2018.
 
Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, tại kỳ họp thứ 6, đại biểu Cao Thị Xuân (Thanh Hóa) đã chất vấn ông rằng, công việc này có làm được không và bao giờ có sản phẩm.
 
Theo ông Dũng, trước khi Thủ tướng phê duyệt đề án liên thông thủ tục hành chính, đăng ký khai tử, xóa đăng ký thường trú và hưởng chế độ tử tuất, an táng phí có rất nhiều bất cập mà người dân nêu lên, báo chí cũng rất quan tâm.
 
Ngay cả vấn đề người dân đến các cơ quan nhà nước đều phải khai những thông tin rất trùng lặp, từ vấn đề họ tên, ngày, tháng, năm sinh, dân tộc, quốc tịch, nơi cư trú,... và rất nhiều việc phải đi lại nhiều lần mới làm xong thủ tục.
 
"Hay như vấn đề khi người dân đến khai tử thì quên hoặc ngại vấn đề xóa đăng ký thường trú... Từ đó đã xảy ra những việc người đã chết rồi nhưng vẫn có tên trong danh sách cử tri đi bầu trưởng thôn, xóm”, ông Dũng cho hay, và dẫn ví dụ tại xã Chu Minh (H.Ba Vì, Hà Nội), năm 2017 có nhiều người chết nhưng vẫn nằm trong danh sách là cử tri đi bầu trưởng thôn, xóm.
 
Như vậy, có thể nói, sau một thời gian thực hiện đề án, đến nay đã có sản phẩm. 63/63 địa phương đã thực hiện việc này. Bên cạnh đó, sự phối hợp của các bộ là Bộ Tư pháp, Bộ Công an và Bảo hiểm xã hội rất tốt và thực hiện một số việc.
 
"Như vậy thì người dân chỉ cần đến một nơi là UBND xã và chỉ nộp một bộ hồ sơ để thực hiện 3 thủ tục hành chính liên thông”, ông Dũng nói, và cho biết trong số 353.846 thủ tục hành chính, đã giải quyết được 350.400 thủ tục; còn nợ đọng 2.352 thủ tục, quá hạn là 0,67%.
 
"Nếu chúng ta làm được thế này thì đến nay, sơ bộ ta tiết kiệm được khoảng 38,8 tỉ đồng/năm”, ông Dũng nói, và đề nghị các địa phương tiếp tục quan tâm, thúc đẩy việc này.
 
Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cũng cho biết, sẽ tiếp tục cùng Bộ Công an, Bộ Tư pháp và các cơ quan liên quan thúc đẩy các địa phương tiếp tục mở rộng cơ chế liên thông và nhất là liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính.