TTO - PGS.TS Vũ Văn Phúc - phó chủ tịch Hội đồng khoa học các cơ quan Đảng trung ương, nguyên tổng biên tập tạp chí Cộng Sản - đã nhấn mạnh như vậy khi trao đổi cùng Tuổi Trẻ về những điểm mới, điểm đột phá của dự thảo văn kiện Đại hội XIII của Đảng.
“Đột phá phát triển con người, mà trọng tâm là nguồn nhân lực chất lượng cao, để tạo được vai trò chủ thể của những người phát triển, từ người lao động bình thường cho đến người lãnh đạo cao nhất. Từ đó hình thành giá trị của dân tộc, niềm tin của dân tộc và khát vọng của dân tộc” - PGS.TS Vũ Văn Phúc nói.
* Thưa ông, trong dự thảo văn kiện đã nêu ra những mục tiêu cho từng chặng đường sắp tới, trong đó đến năm 2045 Việt Nam sẽ trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Đây là mục tiêu rất cao, đòi hỏi chúng ta phải có khát vọng rất lớn.
- Đúng rồi. Để thực hiện mục tiêu này đòi hỏi cả hệ thống chính trị, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân phải nỗ lực rất cao.
Đặc biệt, trong dự thảo cũng đã nhấn mạnh việc tạo mọi điều kiện thuận lợi để khơi dậy mạnh mẽ khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Làm thế nào khơi dậy được ý chí tự lực tự cường, lòng tự hào dân tộc, tinh thần yêu nước, khơi dậy được sức mạnh khối đại đoàn kết dân tộc, niềm tin, niềm tự hào kiêu hãnh của dân tộc Việt Nam. Đây cũng là điểm mới, là điều nhằm khơi dậy khát vọng phát triển đất nước đạt phồn vinh, hạnh phúc.
* Văn kiện lần này tiếp tục nêu 3 đột phá về thể chế, con người và hạ tầng. Điều này có gì khác các đại hội trước?
- Từ Đại hội XI xuất hiện "đột phá chiến lược", khi đó cũng đã nêu ra ba đột phá chiến lược về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN; phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ.
Đến Đại hội XII, Đảng tiếp tục hoàn thiện, bổ sung 3 đột phá chiến lược này. Và đến dự thảo văn kiện lần này, Đảng đánh giá những đột phá chiến lược do Đại hội XI, XII xác định có ý nghĩa, giá trị lâu dài, vẫn còn nguyên giá trị. Nhưng lần này văn kiện bổ sung thêm nội dung, nội hàm của từng đột phá cho phù hợp với điều kiện, bối cảnh mới.
* Vậy ở đây văn kiện đã bổ sung những gì để đột phá nguồn nhân lực, con người?
- Văn kiện lần này nhấn mạnh "phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao". Ở đây bao gồm nhiều nội dung.
Thứ nhất là về con người, là nguồn nhân lực. Nguồn nhân lực phải chất lượng cao, đáp ứng được yêu cầu cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế.
Tại sao phải nói đáp ứng cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế? Bởi một trong những yêu cầu của cách mạng 4.0 là chuyển đổi số, công nghệ thông tin. Nguồn nhân lực chất lượng cao mà không chuyển đổi số, không công nghệ thông tin được thì không phải là nguồn nhân lực đáp ứng được cuộc cách mạng lần thứ tư. Nguồn nhân lực chất lượng cao phải đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế. Ở đây muốn nói trình độ về năng lực đàm phán, năng lực thực thi các hiệp định thương mại quốc tế, năng lực ngoại ngữ...
Thứ hai, chú ý đến nhân lực chất lượng cao trong đội ngũ lãnh đạo quản lý như hội nghị trung ương 7 đã nêu "phải xây dựng đội ngũ cán bộ cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực, uy tín và ngang tầm nhiệm vụ".
Thứ ba, nguồn nhân lực chất lượng cao là phải chú ý đáp ứng được những ngành, lĩnh vực trọng tâm then chốt. Trong điều kiện chúng ta chưa thể đáp ứng được nguồn nhân lực chất lượng cao cho tất cả các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế thì trước hết tập trung những ngành, lĩnh vực then chốt của nền kinh tế để tạo sự bứt phá về chất lượng nguồn nhân lực.
Thứ tư, nguồn nhân lực chất lượng cao phải có cơ chế vượt trội, đặc thù để thu hút trọng dụng nhân tài.
Văn kiện lần này đã ghi rất rõ, mọi chủ trương của Đảng, Nhà nước phải lấy phục vụ con người, phục vụ lợi ích chính đáng của nhân dân đặt lên hàng đầu.
* Đại hội Đảng XII là đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước gắn với phát triển kinh tế tri thức. Nhưng lần này văn kiện lại nhấn mạnh đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa trên nền tảng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo?
- Phải tạo cơ chế vượt trội thúc đẩy đổi mới sáng tạo, thúc đẩy việc chuyển giao, ứng dụng phát triển mạnh mẽ khoa học công nghệ, và qua một số hội thảo, rất nhiều người, nhiều chuyên gia khoa học nói vấn đề phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo phải trở thành một đột phá riêng (đột phá thứ tư).
Tại sao lập luận như vậy? Bởi vì cách mạng khoa học công nghệ phát triển như vũ bão, đặc biệt cuộc cách mạng 4.0. Nếu chúng ta không tận dụng được cơ hội do cuộc cách mạng 4.0 mang lại được thì chúng ta sẽ bỏ đi một cơ hội phát triển đất nước. Nếu tận dụng được cơ hội này thì chúng ta có được cơ hội phát triển mạnh đất nước và đạt được mục tiêu đến năm 2045 nước ta trở thành nước phát triển theo định hướng XHCN có thu nhập cao.
Chính vì thế văn kiện lần này nhấn rất mạnh mấy ý "phát triển đất nước nhanh, bền vững trên nền tảng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo".