TTO - Với địa hình ngắn, độ dốc cao, rất nhiều thủy điện nhỏ đã được phê duyệt xây dựng trên các sông tại miền Trung. Hệ thống thủy điện nhỏ mang lại những lợi ích nhưng cũng để lại nhiều hệ lụy.

Hệ lụy đáng lo từ thủy điện nhỏ - Ảnh 1.

Cây rừng ở hai bên con đường 71 vào thủy điện Rào Trăng 4 và Rào Trăng 3 đã bị mất trong quá trình làm đường - Ảnh: A.C.C.

Ngoài ra, các thủy điện nhỏ này còn lấy đi một diện tích rừng khá lớn và để lại những hệ lụy xấu cho môi trường.

13 thủy điện nhỏ tại Huế

Sông Rào Trăng là một nhánh cấp 1 của sông Bồ, bắt nguồn từ vùng núi cao ở tây nam xã Phong Mỹ (huyện Phong Điền, Thừa Thiên Huế). Trên một khúc sông Rào Trăng khoảng 25km có 4 thủy điện bậc thang: A Lin B1, A Lin B2, Rào Trăng 3 và Rào Trăng 4. Trong đó Rào Trăng 3 và A Lin B1 đang trong giai đoạn thi công.

Từ tháng 8-2009, quy hoạch thủy điện nhỏ tỉnh Thừa Thiên Huế được điều chỉnh, tách dự án thủy điện A Lin thành hai dự án thủy điện độc lập là A Lin B1 và A Lin B2. Sau nhiều lần điều chỉnh, đến năm 2014 thì thủy điện nhỏ của tỉnh này tăng lên 21 dự án. Tháng 11-2014, theo yêu cầu của Bộ Công thương, tỉnh này đã rà soát và loại bỏ 7 dự án. Sau đó tỉnh bỏ thêm 1 dự án nữa, nay còn lại 13 dự án, trong đó 9 nhà máy đã vận hành phát điện, 3 nhà máy đang thi công...

Cả 13 dự án trong quy hoạch thủy điện nhỏ mà tỉnh Thừa Thiên Huế đã phê duyệt đều nằm trong rừng núi đầu nguồn các con sông. Để xây dựng các nhà máy thủy điện này buộc phải "hi sinh" một diện tích rừng tương ứng. Trong đó, chỉ riêng 4 dự án thủy điện bậc thang trên sông Rào Trăng đã lấy đi của Khu bảo tồn thiên nhiên Phong Điền khoảng 200ha rừng.

Riêng thủy điện Rào Trăng 3, sau khi điều chỉnh dự án, diện tích đất dự kiến sử dụng từ 11,1ha đã tăng lên 46,25ha, trong đó có 44,4ha đất rừng (còn lại là đất sông suối). Nhà máy thủy điện Rào Trăng 3 chỉ với công suất 13MW đã lấy đi 44,4ha đất rừng đặc dụng của Khu bảo tồn thiên nhiên Phong Điền, tính ra 1MW lấy đi hơn 3,4ha đất rừng đặc dụng. 

Một lãnh đạo ngành lâm nghiệp Thừa Thiên Huế cho biết trong 4 nhà máy thủy điện trên sông Rào Trăng thì có đến 3 nằm trong vùng lõi, một nhà máy ở khu phục hồi sinh thái của Khu bảo tồn thiên nhiên Phong Điền.

Trả lời báo Tuổi Trẻ, ông Phan Ngọc Thọ, chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, cho biết tỉnh sẽ mời các chuyên gia đánh giá lại dự án thủy điện Rào Trăng 3 cũng như toàn bộ thủy điện bậc thang trên sông Rào Trăng một cách chính xác, khách quan. "Điều quan trọng là tìm được giải pháp. Quan điểm của tỉnh là không chấp nhận đánh đổi môi trường", ông Thọ nói.

Hệ lụy đáng lo từ thủy điện nhỏ - Ảnh 2.

Trên một khúc sông hơn 25km mà có đến 4 thủy điện - Đồ họa: TẤN ĐẠT

Rủi ro mùa mưa bão

Tỉnh Quảng Nam cũng được xem như là "thủ phủ" của những công trình thủy điện tại các tỉnh miền Trung. Theo thống kê mới nhất, tại tỉnh Quảng Nam có tới 46 công trình thủy điện, trong đó nhiều thủy điện nhỏ và vừa.

Trong một đề tài nghiên cứu khoa học được công bố năm 2018, do Trung tâm Nghiên cứu và phát triển xã hội phối hợp với Tổ chức Mạng lưới sông ngòi VN thực hiện, đã đưa ra phân tích 5 nhóm rủi ro chủ yếu khi vận hành các thủy điện nhỏ và vừa ở các tỉnh miền Trung. Trong đó rủi ro lớn nhất là vận hành trong mùa mưa bão với mực nước xả lũ không hợp lý, không có hồ chứa hoặc dung tích hồ chứa nhỏ, không đủ để chứa nước lũ nên gây ngập lụt nghiêm trọng ở các khu vực hạ lưu.

Theo PGS.TS Lê Anh Tuấn - phó viện trưởng Viện nghiên cứu biến đổi khí hậu (Trường đại học Cần Thơ), các rủi ro này đến từ địa hình hẹp, dốc, dễ bị xói mòn và thường bị chia tách bởi nhiều nhánh sông của miền Trung. Ông Tuấn nhận định miền Trung là vùng thường xuất hiện bão, gió nóng, hạn hán, mưa to bất thường...

"Dù nhiều tiềm năng để phát triển thủy điện quy mô vừa và nhỏ do sự khác biệt đáng kể về độ cao, dòng chảy lũ lớn nhưng đây cũng là mối đe dọa cho người dân và là thách thức đối với hoạt động của các nhà đầu tư" - ông Tuấn nói.

Chèn quá nhiều thủy điện nhỏ trên một dòng sông sẽ tạo lũ dữ

Một chuyên gia về biến đổi khí hậu và phòng chống thiên tai khẳng định các dự án thủy điện nhỏ không có khả năng kiểm soát lũ, khi thiên tai cực đoan xảy ra thì thủy điện nhỏ sẽ tạo ra hệ lụy rất lớn. Nếu chèn quá nhiều thủy điện trên một lưu vực sông thì việc quản lý liên hồ chứa sẽ không làm được.

Nhà máy thủy điện nhỏ cũng không có khả năng điều phối liên hồ chứa. Khi thủy điện trên đầu nguồn mất kiểm soát - không còn khả năng kiểm soát lũ, mưa bao nhiêu xả bấy nhiêu thì tất cả các thủy điện bên dưới đều bị động, phải xả ra lượng nước lớn hơn, bao gồm nguồn nước lũ và nguồn nước tích lũy từ trước trong hồ chứa.

Theo chuyên gia này, đa số hồ thủy điện nhỏ nằm trên nhánh sông nhỏ nhưng đóng góp lũ rất lớn vì các chủ đầu tư phải ưu tiên cứu đập khi có lũ, mưa lớn, bởi nếu đập vỡ thì hậu quả sẽ vô cùng nặng nề. Các thủy điện thường xả lũ trong khi vùng hạ du đang bị ảnh hưởng của mưa lụt nên gây hậu quả lũ chồng lũ, chứ không thể kiểm soát được lũ.

Vì thế, chuyên gia này cảnh báo không nên khuyến khích phát triển thủy điện nhỏ thiếu quy hoạch bài bản. Ví dụ tại Thừa Thiên Huế, người ta đã cấp phép chèn tới 9 dự án thủy điện trên dòng sông nhỏ như sông Bồ, các nhà đầu tư tư nhân đã và đang xây dựng 4 dự án, còn 5 dự án sẽ xây dựng trong thời gian tới. Cách bố trí dự án thủy điện trên một dòng sông nhỏ và dốc như vậy cực kỳ nguy hiểm.

Hệ lụy đáng lo từ thủy điện nhỏ - Ảnh 3.

Nhà máy thủy điện Đăk Mi 4 xả lũ gây thiệt hại nặng cho dân hạ du huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam - Ảnh: B.D.

471

Đó là số dự án thủy điện nhỏ được Bộ Công thương loại khỏi quy hoạch trong 7 năm (2012-2018), ngoài ra còn loại khỏi quy hoạch 8 dự án thủy điện bậc thang, 213 vị trí tiềm năng xây dựng thủy điện nhỏ.

Đến nay cả nước vẫn có 290 công trình thủy điện nhỏ đã đưa vào vận hành khai thác. Bên cạnh đó có 366 dự án thủy điện nhỏ trong quy hoạch nhưng chưa xây dựng, gồm 299 dự án đang nghiên cứu đầu tư, 67 dự án chưa nghiên cứu đầu tư.

TS Vũ Ngọc Long: Chúng tôi đã thấy và cảnh báo

Đầu tháng 9-2018, chúng tôi đã theo đoàn cán bộ một số đơn vị thực hiện chuyến khảo sát đánh giá nhiều ngày tại dự án Nhà máy thủy điện Rào Trăng 3. Nơi dừng chân đầu tiên của đoàn chúng tôi chính là khu vực chuẩn bị xây dựng Nhà máy Rào Trăng 3. Đó là một bãi đất trống nằm dưới vực sâu thung lũng đã được cạo sạch thảm thực vật bên sườn núi, để trơ ra một khoảng đất màu nâu vàng hình oval khổng lồ choán hết một mặt của quả núi.

Tại khu vực đang chuẩn bị xây đập, phía bờ phải của chân đập, cả một sườn núi cũng được cạo trắng trơn. Chúng tôi ghi nhận những hàng cây rừng phía trên còn in dấu vết của một khu rừng già nguyên sinh mới bị chặt phá. Tiếp tục đi ngược lên vùng thượng lưu của hồ chứa nước Rào Trăng 3, chúng tôi nhận thấy lòng sông tại khu vực này dường như đã bị con người bức tử. Hàng vạn tấn đất đá được đào ra từ vách núi để thi công, nâng cấp con đường 71 từ Rào Trăng 3 đi lên thủy điện A Lin B1 và A Lin B2 đã bị người ta hất thẳng xuống lòng sông.

Từ chuyến khảo sát, chúng tôi cũng đã nhận thấy khu vực Rào Trăng 3 tiềm ẩn rất nhiều rủi ro về địa hình do bị phân cắt mạnh, với hệ thống khe suối xương cá chủ yếu là những dãy núi cao đến 1.000m với sườn dốc có chỗ tới 50º. Bề mặt địa hình dốc như vậy nên khi dùng máy cào để cào bóc nhẵn hết cây rừng, thảm thực vật phủ trên một sườn núi dốc như thế, rồi thi công các công trình ở ngay dưới chân núi sẽ rất nguy hiểm. Khi mùa mưa đến, khả năng bị sạt lở, lũ bùn, lũ ống là rất lớn. Chúng tôi đã có cảnh báo những điều này cho các cơ quan chức năng.

Từ sự cố Rào Trăng 3, tôi tha thiết mong Bộ Công thương và Bộ TN-MT thành lập đoàn tổng hợp liên ngành bao gồm các nhà khoa học có trách nhiệm đánh giá và thẩm định lại tất cả các dự án thủy điện nhỏ đang xây hoặc chuẩn bị xây dựng về tính an toàn và bền vững về môi trường. Tuyệt đối không cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng rừng tự nhiên dù với bất kỳ lý do nào.

 

Ông Hoàng Quốc Vượng (thứ trưởng Bộ Công thương):

Không bổ sung dự án chiếm đất rừng tự nhiên

Hiện VN đã đưa vào vận hành khai thác các nhà máy thủy điện với tổng công suất thiết kế là 19.700MW. Các dự án nhà máy thủy điện vừa và nhỏ còn lại trong quy hoạch vẫn đang thi công xây dựng, nghiên cứu đầu tư hoặc xem xét cho phép đầu tư với tổng công suất khoảng 8.800MW.

Thời gian qua, tại khu vực 6 tỉnh miền Trung (từ Hà Tĩnh đến Quảng Nam) bị ảnh hưởng bởi 3 cơn bão và 2 áp thấp nhiệt đới đã gây ra mưa lớn kéo dài. Đó là nguyên nhân chính gây nên lũ lớn, ngập lụt trên diện rộng nhiều khu vực tại các tỉnh miền Trung. Từ Hà Tĩnh đến Quảng Nam có 38 công trình thủy điện đang vận hành khai thác. Trong đợt lũ, lưu lượng nước về các hồ thủy điện tăng nhanh, nhưng đã vận hành an toàn và tuân thủ quy trình vận hành (liên hồ, đơn hồ) được cấp thẩm quyền phê duyệt, không gây tác động bất lợi cho hạ du.

Đối với những dự án thủy điện trong quy hoạch, Bộ Công thương vẫn thường xuyên rà soát, đánh giá các ảnh hưởng tiêu cực (nếu phát sinh), từ đó điều chỉnh quy mô, thông số để đảm bảo không ảnh hưởng lớn đến môi trường - xã hội. Trường hợp không có phương án điều chỉnh sẽ kiên quyết loại khỏi quy hoạch và đề nghị cấp có thẩm quyền thu hồi dự án.

Theo thống kê, hiện nay các dự án thủy điện vừa và nhỏ bình quân chỉ chiếm dưới 1,9ha đất các loại/1MW. Thời gian qua Bộ Công thương không xem xét bổ sung bất cứ dự án thủy điện nào có chiếm diện tích đất rừng tự nhiên.

- NGỌC AN ghi -

 

Ông nguyễn Hoàng Hiệp (thứ trưởng Bộ NN&PTNT):

Một số thủy điện nhỏ vận hành sai quy trình

Việc làm thủy điện chắc chắn ảnh hưởng đến môi trường tự nhiên, đặc biệt là các thủy điện vừa và nhỏ khi xây dựng sẽ tác động, lấy đi ít nhất 50-70ha rừng. Nếu các thủy điện phối hợp chặt chẽ và thực hiện nghiêm các quy định trong tích nước, xả nước thì hỗ trợ rất nhiều việc cắt lũ ở hạ du. Chỉ có điều thực tế các thủy điện lớn thực hiện, phối hợp rất nghiêm, nhưng đặc biệt một số thủy điện nhỏ lại không vận hành đúng quy trình.

Sở dĩ có tình trạng trên là do hồ chứa các thủy điện nhỏ không có dung tích phòng lũ và không vận hành xả lũ trước khi đón đợt lũ. Nhiều thủy điện "tiếc" không xả nước, khi dự báo sắp có mưa lũ thì xả không đúng theo quy trình, rồi khi lũ về buộc phải xả và gây ra tình trạng lũ chồng lũ ở hạ du. Bộ NN&PTNT đang bàn với Bộ Công thương để có một quy trình vận hành các thủy điện nhỏ cho phù hợp với thực tiễn và sẽ được khắc phục trong tương lai gần.

Bộ cũng khuyến cáo các địa phương khi cấp phép cho thủy điện phải tính toán rất kỹ, đặc biệt là tính toán yếu tố về thiên tai, chiếm dụng rừng và hiệu quả khi cấp phép. Hiện nay các dự án thủy điện nhỏ và vừa là do địa phương cấp phép. Riêng diện tích rừng phòng hộ, đặc dụng... của các thủy điện nhỏ cần phải chuyển đổi mục đích thì chủ yếu là các địa phương phê duyệt, Bộ NN&PTNT cũng có nhưng rất ít vì diện tích chuyển đổi chưa cần đến cấp bộ quyết.

- CHÍ TUỆ ghi -

 

Ông Trần Đình Long (phó chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam):

Không nên phó mặc cấp phép thủy điện nhỏ cho địa phương

Tiềm năng thủy điện nhỏ là một lợi thế của ngành năng lượng VN, nhưng để khai thác tốt nguồn năng lượng tái tạo này cần phải có quy hoạch chi tiết. Các bộ, ngành trung ương cần quan tâm đúng mức tới việc quy hoạch dự án thủy điện nhỏ, không nên phó mặc cho địa phương từ khâu quy hoạch, cấp phép, xây dựng, quản lý. Nhiều địa phương nguồn nhân lực không đủ trình độ chuyên môn, nếu làm không cẩn thận sẽ gây hậu quả xấu.

- B.NGỌC -