PNO - Câu chuyện của cậu bé tí hon Đinh Văn K’Rể chính là chú lính chì dũng cảm. Và hôm nay, “chú lính chì’ đã nói lời tạm biệt với chúng ta.
Thầy giáo Đặng Văn Cương, nguyên Hiệu trưởng Trường tiểu học Sơn Ba (Quảng Ngãi) viết lên trang cá nhân những dòng chia tay cậu học trò mà ông thương như con ruột: “Con sinh ra không được may mắn như các bạn cùng trang lứa, nhưng con nhận được bao nhiêu tình cảm của mọi người. Con xin chào tất cả. Ở nơi ấy, con sẽ luôn phù hộ cho tất cả mọi người. Con xin vĩnh biệt…”
Cũng như ngày đưa cậu bé K’Rể xuống xuôi học cái chữ, hôm qua, ngày 9/11, ông giáo già ấy lại băng rừng, lội bùn suốt 8 cây số để tiễn đưa cậu học trò thương yêu của mình về với vòng tay gia đình, với buôn làng, với núi rừng của đất mẹ. Chỉ có điều, ngày về, lòng ông đau như cắt.
|
|
Đinh Văn K'Rể hiên ngang như một chú lính chì dũng cảm Ảnh: Zing news |
Cậu bé có thân hình nhỏ nhất Việt Nam đã qua đời sau cơn đột quỵ.
Đinh Văn K’Rể là người dân tộc H’re, sinh ra tại huyện vùng núi cao Sơn Hà của tỉnh Quảng Ngãi. Chào đời, K’Rể chỉ lớn bằng gang tay của mẹ, da bụng trong suốt có thể nhìn thấu cả ruột gan. Lớn lên ở nơi mà cả buôn làng không mấy người đi học và rành tiếng Kinh, còn em thì không biết nói, gặp người lạ chỉ biết khóc thét hoặc nấp sau lưng cha.
Các chuyên gia y tế chẩn đoán K’Rể có thể mắc hội chứng Seckel (người lùn, đầu chim), một hội chứng hiếm gặp trên thế giới. Mỗi năm không phát triển thêm được bao nhiêu. Khi đã 11 tuổi, em chỉ cao khoảng 60 cm, nặng chưa đến 4 kg.
Không chỉ vì bức ảnh K’Rể với nhân dạng nhỏ xíu xúng xính trong bộ đồng phục của Đội thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh đứng hiên ngang giữa những bạn học bình thường khiến người ta liên tưởng đến hình ảnh Chú lính chì dũng cảm trong truyện cổ tích Đan mạch. Chính nghị lực vươn lên, chiến thắng nghịch cảnh của cậu bé tí hon người H’re đã khiến chúng ta tin rằng: Cậu đã viết nên câu chuyện cổ tích giữa đời thường.
K'Rể bên người thầy Đặng Văn Cương (bìa phải) và Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ |
Cách đây 5 năm, K'Rể rời vòng tay mẹ, cái địu của cha để đến trường nội trú. Cuộc phiêu lưu em từ đó bắt đầu. Còn nhớ ngày đầu đến lớp, K’Rể chỉ cao chừng bằng chai nước suối, nhút nhát và lạ lẫm với mọi thứ xung quanh. Chân tay yếu ớt, bước đi chập chững rồi trượt ngã.
Từ chỗ chỉ biết chạy trốn hoặc khóc thét mỗi khi gặp người lạ, cậu bé tí hon đã biết vỗ tay tập hát, bàn tay nhỏ bằng ngón tay cái của người lớn biết cầm phấn viết chữ O, chữ A, biết đứng dậy chào cô giáo...
Nếu như những khó khăn mà chú lính chì trong truyện cổ tích kia là do lời nguyền của con quỷ đen, thì "lời nguyền" với K'Rể chính là số phận không may mắn. Số phận đặt em vào căn bệnh hiếm gặp, không chỉ sức khoẻ không tốt mà chỉ số IQ cũng không thể đến 50.
Thế nhưng, vượt qua sự khiếm khuyết bất thường, K’Rể có thể tự tin đứng trên ghế cầm muỗng xúc ăn cơm mà không cần nhờ ai; tự vệ sinh cá nhân, mạnh dạn vui đùa cùng bạn bè. Hình ảnh cậu bé tí hon địu chiếc cặp to gần bằng người, tung tăng chạy vào lớp học còn đẹp hơn cả huyền thoại.
Tạm biệt chú lính chì có đôi mắt nâu nhạt ngơ ngác cùng nụ cười bẽn lẽn |
Lần đầu, K’Rể bập bẹ miệng nói được chữ A, thầy cô chỉ biết bật khóc. Việc cậu bé biết quan sát, lắng nghe, hiểu sự việc đang diễn ra quanh mình không phải là một phép nhiệm màu, mà là nghị lực phi thường…
Và bởi đời thường không có phép màu nên câu chuyện cổ tích của K’Rể vĩnh viễn dừng lại khi em 11 tuổi, sau 5 ngày cấp cứu điều trị đột quỵ.
Vậy là chú lính chì tí hon Đinh Văn K'Rể đã được trở về nhà. Đôi mắt nâu nhạt ngơ ngác cùng nụ cười bẽn lẽn của chú lính chì tí hon giàu nghị lực sẽ mãi rực rỡ. K'Rể ra đi nhưng đã để lại 1 nghị lực phi thường, 1 tình yêu thương, lòng nhân ái rộng lớn cho nhân thế.
Vĩnh biệt chú lính chì K'Rể, dù rất nhỏ nhưng em là một trái tim đặc biệt!
Gia Tuệ