TTO - Chưa biết đại dịch COVID-19 lúc nào chấm dứt và đây cũng không phải đại dịch cuối cùng, nhưng nó cho ta những bài học để sẵn sàng cho những cơ hội sắp tới.

Đại dịch và cơ hội cho nông sản Việt - Ảnh 1.

Ngành nông nghiệp VN cần thay đổi để chớp cơ hội và nhu cầu đang thay đổi. Trong ảnh: tại một cơ sở chế biến nông sản - Ảnh: T.MẠNH

Đại dịch COVID-19 xuất phát từ một điểm là chợ hải sản Vũ Hán, nhưng sau đó đã lan khắp thế giới. An toàn vệ sinh từ một cái chợ, do vậy, không còn là vấn đề nhỏ chỉ riêng một cái chợ, mà là vấn đề lớn của quốc gia, của toàn thế giới.

“Việt Nam muốn trám một số trong chuỗi cung ứng nông sản và thực phẩm thế giới thì cần phải làm tốt chuỗi cung ứng nông sản và thực phẩm, nâng cao kiến thức về công nghệ sản xuất và nhận thức trách nhiệm của nông dân.

- GS.TS Nguyễn Quốc Vọng -

Vươn lên thành nông dân toàn cầu

Sau đại dịch, chắc chắn thế giới sẽ thay đổi, phải sắp đặt lại để đi vào một trật tự mới. Không chỉ quan điểm về chất lượng thực phẩm, mà vị trí trung tâm của Trung Quốc trong chuỗi sản xuất và cung ứng thực phẩm, dược phẩm cũng sẽ thay đổi.

Vậy nông nghiệp Việt Nam cần phải làm gì và nông dân Việt cần thay đổi tư duy ra sao để thích ứng?

Nông dân Việt Nam phải thay đổi tư duy, phải tự xem mình là người sản xuất nông sản và thực phẩm có trách nhiệm, không phải chỉ với Việt Nam mà còn với thế giới.

Nông dân toàn cầu là điểm đến cho bất cứ nông dân Việt Nam nào muốn sống còn, phát triển thời kỳ sau đại dịch COVID-19.

Sau đại dịch sẽ phổ biến các loại siêu thực phẩm và thực phẩm chức năng. Thị trường nhập khẩu siêu thực phẩm thế giới trong 10 năm qua đã tăng trưởng gần 7%/năm, trong đó Mỹ, Trung Quốc và Đức là ba thị trường lớn nhất thế giới. Mỹ có kim ngạch nhập khẩu siêu thực phẩm khoảng 16,4 tỉ USD vào năm 2019.

Siêu thực phẩm (superfoods) là loại thực phẩm giàu dinh dưỡng và chứa nhiều chất chống oxy hóa - có tác dụng ngăn ngừa ung thư, chất béo lành mạnh - có thể ngăn ngừa bệnh tim, chất xơ - có thể ngăn ngừa bệnh tiểu đường, các bệnh về tiêu hóa và các hợp chất hóa học trong thực vật tạo nên màu sắc, mùi vị cùng nhiều lợi ích cho sức khỏe.

Tuy nói là siêu thực phẩm nhưng thực ra đó là những thực phẩm thường thấy trong bữa ăn của người Việt như rau quả, trái cây, cá, sữa, trà xanh... Ở Việt Nam, trái gấc chính là siêu sao trong nhóm siêu thực phẩm.

Thị trường thực phẩm chức năng có trị giá khoảng 300 tỉ USD vào năm 2017 và sẽ tăng trưởng lên đến 440 tỉ USD vào năm 2022. Nó được chia thành nhiều nhóm nhưng có 2 nhóm Việt Nam có lợi thế nhất là Carotenoids và Probiotics.

Probiotics là thực phẩm có chứa men vi sinh có lợi cho sức khỏe. Khi ăn thực phẩm có chứa men vi sinh, men sẽ xâm nhập vào ruột, giúp hệ vi khuẩn đường ruột khỏe mạnh. Thực phẩm Probiotics bao gồm các sản phẩm sữa chua, một số loại phô mai và thực phẩm lên men, kefir, kimchi, miso và dưa (cải) chua.

Kombucha là một probiotic gần đây được thế giới yêu chuộng, là loại thức uống làm từ trà đen hoặc trà xanh lên men do một nhóm vi khuẩn và nấm men (yeast). Thị trường Kombucha tăng trưởng 19,7%/năm, có thể lên đến 7,05 tỉ USD vào năm 2027. Việt Nam có thể sản xuất Kombucha bằng trà Shan tuyết cổ thụ vì có hàm lượng chất xơ, catechins và tannin cao, rất thích hợp để sản xuất dòng sản phẩm Kombucha chất lượng cao độc đáo này.

Cơ hội cho nông sản VN

Để tăng kim ngạch xuất khẩu các loại siêu thực phẩm và thực phẩm chức năng nói trên, tuy có lợi thế trong sản xuất nhưng Việt Nam phải nghiêm chỉnh áp dụng không những quy trình sản xuất nông nghiệp tốt GAP như VietGAP, GlobalGAP mà còn phải tuân thủ quy trình sản xuất chế biến tốt GPP và các quy định quốc tế khác như trách nhiệm xã hội CSR, FairTrade.

Đại dịch COVID-19 đã cho thấy chuỗi cung ứng thực phẩm tươi chỉ đáp ứng yêu cầu địa phương. Do vậy sau đại dịch, ngành thực phẩm chế biến sẽ có tăng trưởng lớn.

Theo báo cáo của Global Food Processing Market, ngành thực phẩm chế biến sẽ tăng trưởng đột biến lên đến 4.100 tỉ USD vào năm 2024.

Báo cáo còn cho rằng trong ngành thực phẩm chế biến, phân khúc trái cây và rau quả chế biến sẽ có mức tăng trưởng cao nhất do xu hướng giới tiêu dùng thích thực phẩm chay, bổ sung siêu thực phẩm và thực phẩm chức năng thời kỳ sau đại dịch.

Việt Nam có lợi thế về chế biến trái cây và rau quả, đặc biệt là các loại trái cây nhiệt đới như sầu riêng, mít, xoài, ổi, dứa/khóm, đu đủ, gấc, chanh dây...

Nông dân Việt có thể cung ứng sản phẩm cho thế giới. Nhưng là nông dân toàn cầu thì phải có trách nhiệm tuân thủ những quy định mang tính quốc tế!