Lịch sử nước nhà đã ghi lại được thời gian rực rỡ khai sinh nước Việt nam dân chủ Cộng hòa 2-9-1945. Ngày nay du khách  khắp nơi đã được  đến thăm  di tích cách mạng -ngôi nhà 48 Hàng Ngang của gia đình nhà Tư sản Hanoi Trịnh văn Bô- nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh ở chiến khu về, ngồi viết bản Tuyên ngôn Độc lập.

Vào khoảng  cách nay chục năm, khi từ Saigon ra viết bài về Hanoi, tôi đã đến  34 Hoàng Diệu- ngôi biệt thự Pháp cổ  của nhà Tư sản Trịnh văn Bô- đẹp nổi tiếng đến nỗi khi đến Việt nam đưa tin về tang lễ Đại tướng Võ nguyên Giáp, các nhà báo nước ngoài không quên tranh thủ viết bài miêu tả ngôi nhà ấy ở ngay bên cạnh. 

 Khi tôi đến,giữa mùa gió thổi lá rụng đầy sân sau càng làm ngôi nhà mang vẻ đẹp quyến rũ củaThu Hanoi.

Bà Minh Hồ khi đó đang bước tới tuổi 100 nhưng khỏe mạnh và vui vẻ lịch lãm tiếp khách. Câu chuyện lịch sử đã ghi, nhưng tôi muốn  nghe chính bà kể những chứng kiến cá nhân kỹ lưỡng về mấy ngày Cụ Hồ đã ở trong ngôi nhà 48 Hàng Ngang .

“Saukhi được báo là có một số cán bộ ở chiến khu sẽ về ở, tôi lo chuẩn bị đầy đủ để đón tiếp, cũng chưa biết rõ có những ai. Thì khoảng 6 giờ chiều, một ô tô chở 10 người đến, trong đó có các ông Trường Chinh, nguyễn lương Bằng, Võ nguyên Giáp, Hoàng quốc Việt.Ngày 24-8-1945 Cụ Hồ mới về.

Cụ lúc đó mới ốm dậy, gầy còm. Cụ giản dị lắm,đi dép cao su nhãn hiệu Con Hổ trắng, quần sooc nâu áo sơ mi ngắn tay, mũ phớt bạc màu và tay cầm cái can. Cụ hay ngủ luôn ở cái giường vải ở tầng 2, ít khi ngủ cái giường tôi đóng từ năm 1942 kê trên tầng 3 nay vẫn còn đây. Cạnh ngay chỗ chị ngồi ”

Bà nói tiếp :

“Tháng 7 ta trời còn nóng, Cụ đi chân đất trong nhà vì sàn gỗ đánh si, mặc áo may ô ngồi đánh máy ở ban công. Thường 9 giờ sáng tôi đem hoa quả lên và pha một ấm nước chè ngon…”. Nơi đó, bà đã thưa với Cụ Hồ rằng đời sống của bà không thiếu thốn nhưng cũng như toàn dân, còn phải chịu điều đau khổ của người dân mất nước.

Đây là nỗi đau sâu sắc mà cha của bà-nhà nho yêu nước Hoàng đạo Phương đã từng dặn con “ Cha già rồi Cha chưa làm tròn việc nước, sau này con nào có điều kiện hãy làm thay cha…”

Tôi hình dung ra nơi bà đã lo  tổ chức những bữa tiệc cụ Hồ tiếp khách Quốc tế  đầu tiên, trong đó có thiếu tá Archimedes L.A. Patti và những người bạn Mỹ.Ngày nay có người đề nghị sáng kiến nên tổ chức lại những bữa tiệc trên căn gác tầng 2 ấy cho khách du lịch thưởng lãm.

Cũng tại ngôi nhà ấy bà đã mở tủ lấy  vải vóc và những bộ comple của ông Trịnh văn Bô cho các vị lãnh đạo chọn mặc dự lễ Quốc khánh, nhưng Cụ Hồ không vừa bộ nào nên phải đi may.

Khi tôi hỏi muốn nghe tóm tắt về nhà Tư sản Trịnh văn Bô,bà kể:

“Đời tôi là tứ đại ở Thăng Long. Tôi ở Hàng Đào, ông Bô ở Hàng Ngang. Ông Bô đỗ tú tài toàn phần lẽ ra đi Pháp học như con cái các nhà tư sản thời ấy, nhưng tôi nàng dâu mới 21 tuổi kế thừa cửa hàng lớn, sợ lo một mình không nổi. Ông ở nhà sẽ giúp tôi thông dịch 2 thứ tiếng Anh Pháp vì đã giao thương  với các nhà buôn nước ngoài.

Khi hỏi “Thưa bà, ông nhà có phải nhà tư sản giàu nhất Hanoi lúc đó không “, bà suy xét một lát bảo “Nhất thì không biết nói thế nào, nhưng vào loại giàu. Giàu thì nhiều người giàu, nhưng các cụ nhà chúng tôi dạy con cháu giữ cái tâm.Tư sản ngày ấy được nhà nước tặng thưởng là Bạch thái Bưởi, Nguyễn sơn Hà, Lương văn Can và Trịnh văn Bô.

Chúng tôi buôn bán tơ lụa, có uy tín sang cả các nước,giao dịch buôn bán với Anh Pháp Thụy Sỹ Thụy Điển, Ấn độ , Trung quốc, Nhật bản…Tơ của ta đẹp lắm.Tơ la cả La khê Hà đông…”

Khi hỏi về “vẻ đẹp đàn bà con gái Hanoi xưa “ bà kể:

Các cụ dạy phải nhu mì đảm đang. Đi đâu mặc áo dài vấn tóc trần. Dù hôn nhân do cha mẹ sắp đặt nhưng chúng tôi 11 anh chị em, ai cũng sống hạnh phúc đến đầu bạc răng long.

Hanoi ngày xưa nhỏ thôi nhưng nghiêm lắm.Không bao giờ công chức đến cửa hàng giao dịch riêng. Tôi đi kháng chiến 9 năm nhà khóa cửa để đấy không ai đụng đến.

 Nhắc lại chuyện có người bảo Tổng thống Pháp nói gia đình Trịnh văn Bô là “ngân hàng riêng của Việt minh “ vì đã tặng hiến nhà nước non trẻ 5000 lượng vàng- bà liền kể lại tinh thần dân tộc lúc ấy qua “Tuần lễ vàng “:

Nhiều người ủng hộ lắm. Lúc ấy chỉ tha thiết đất nước độc lập. Mọi người trút cả tư trang cho vào chiếc lư hương bày ở Nhà hát lớn, có 2 con hạc 2 bên, tổ chức rất trịnh trọng.Chúng tôi trong Ban vận động.”

Trước khi tạm biệt, tôi được bà kể cho nghe  một câu chuyện chưa kể trên báo chí về tặng phẩm  quý do Cụ Hồ tặng gia đình:

“Sau Tuần lễ vàng,Việt minh sai ông Vũ đình Huỳnh đi mua 60 đồng cái ngà voi quý, bảo thợ gắn thêm đàn voi con rất đẹp, to bằng ngón chân cái. Buổi sáng 8 giờ, anh phục vụ mời vợ chồng tôi lên.. Tôi hồi hộp vội báo cho ông Bô lúc đó đang làm việc ở Ủy ban về ngay.Lúc lên, có khoảng 6-7 người, cụ Hồ, ông Trường Chinh. Chiếc ngà voi để ở bàn. Cụ Hồ mỉm cười nói tặng gia đình đã giúp đỡ cách mạng nhiều.

Đi đâu đem theo đấy, hết về quê lại đem bày phòng khách .Rồi chiến sự bùng nổ, chúng tôi chạy lên Cao Bằng. Ở Hanoi, chiến đấu ngay trong phố, có anh  chiến sỹ Vệ quốc quân đội tự vệ Lương văn Can bê cái ngà voi chạy được ra cửa sau phố Hàng Cân. Pháp bắn từ Thành sang, anh bị thương nặng. Mất cái ngà voi. Thế thôi !”

Tôi vẫn nhớ giọng nói tiếc nuối của nhà tư sản yêu nước ấy.

Bây giờ- bà Minh Hồ đã mất, Hanoi đã có đường phố mang tên Trịnh văn Bô, và lòng người luôn nhớ một thời giữ nước lập nước đầy gian khó vinh quang trong lòng cả dân tộc.

Và đời những người làm báo cơ hội gặp gỡ nghe nhiều câu chuyện  của những  người  Việt nam đẹp nhất.

Nguyễn Thị Ngọc Hải