TTO - Làm bài thi văn nhưng không viết mà vẽ, các cô cậu học trò có thời gian lắng lòng về đồng bào đang chịu cảnh lũ lụt, biết trân trọng những gì mình đang có, trân trọng tình cảm gia đình...

Học trò Sài Gòn vẽ miền Trung trong bài thi văn - Ảnh 1.

Học sinh hào hứng trình bày bài thi văn độc đáo với chủ đề “Vẽ miền Trung” - Ảnh: T.H.

Năm 2020, năm của mất mát, đau thương. Miền Trung không hẳn có bốn mùa rõ nét như từ xưa đến nay. Miền Trung năm nay khác, "đón" hai mùa rõ rệt, không mong chờ: mùa dịch bệnh và mùa thiên tai. Mùa dịch COVID-19 tạm lắng xuống thì mùa bão lụt lại trào dâng.

Trong những ngày vừa qua, thầy trò chúng tôi có những cung bậc cảm xúc hướng về miền Trung. Tôi đã truyền tải cho những cô cậu học sinh bằng những hình thức khác nhau, trong đó có bài kiểm tra "khi văn là vẽ" với chủ đề "Vẽ miền Trung" dành cho các lớp mà tôi đang trực tiếp dạy các em. 

Một trong những bức tranh gây ấn tượng mà tác giả là cô bé Trần Thanh Quỳnh vẽ chân dung "người nổi tiếng" Nguyễn Cao Tùng.

Đại họa ập xuống nhiều nơi, trong đó một nỗi đau thấu trời ập xuống 11 mái nhà xã Trà Leng, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam khiến nhiều người vĩnh viễn nằm trong lòng đất. Trong nỗi đau thấu trời ấy, có biết bao hình ảnh xúc động về tình người, tình cảm gia đình thiêng liêng, sâu nặng. 

Hình ảnh người chồng, người cha Nguyễn Cao Tùng tìm cách đến với vợ con đang nằm bệnh viện đã gây "sóng" cộng đồng mạng. Khi được những người hảo tâm trao tiền hỗ trợ, anh nói: "Cho em xin đi xe, em không cần tiền. Cho em xin đi xe thôi"...

Học trò Sài Gòn vẽ miền Trung trong bài thi văn - Ảnh 2.

Tác phẩm “Em không cần tiền” gây ấn tượng với thầy và trò - Ảnh: T.H.

Tình cảm gia đình thiêng liêng ấy cũng trở thành nguồn cảm hứng đối với nhiều người, trong đó có những cô cậu học trò, nơi tôi đang công tác. Trước khi thực hiện bài kiểm tra văn bằng vẽ, một số em có hỏi tôi về tình hình của người đàn ông này thế nào. Tôi chưa kịp trả lời thì một số trò đã chia sẻ cho bạn biết. 

Trong quá trình làm bài kiểm tra, tôi cho phép học sinh sử dụng điện thoại. Các em có thể vẽ tranh theo sự tưởng tượng của mình hoặc nhìn những hình ảnh trên mạng xã hội để vẽ. Mỗi bức tranh là một "sắc màu" không giống nhau, trong đó tôi khá ấn tượng bức chân dung "Em không cần tiền" mà tác giả là cô học trò Trần Thanh Quỳnh.

Trong quá trình "Vẽ miền Trung", học sinh có thời gian lắng lòng về đồng bào đang chịu cảnh lũ lụt, biết trân trọng những gì mình đang có và trân trọng tình cảm gia đình sâu nặng. Bức chân dung "Em không cần tiền" là một thí dụ.