LĐO - Theo Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên, một địa phương mà để cho người dân, người già, người nghĩa hiệp ra tay trấn áp tội phạm thì người làm trách nhiệm quản lý xã hội phải cảm thấy không ổn.

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên tại tổ thảo luận sáng 12.11. Ảnh: Nguyễn Hà
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên tại tổ thảo luận sáng 12.11. Ảnh: Nguyễn Hà

Sáng 12.11, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

Thảo luận tại tổ đại biểu TPHCM, nói về tình hình an ninh trật tự đang nổi cộm, ông Nguyễn Văn Nên - Bí thư Thành ủy TPHCM cho biết, lực lượng công an đã làm như gần hết sức, căn cứ vào các quy định pháp luật hiện hành cũng tổ chức thực hiện với sự cố gắng cao nhất, nhưng tình hình không được như mong muốn.

Trong lúc này, cần có “liều thuốc”, giải pháp căn cơ hơn: mang tính pháp lý, mang tính chính danh, bền vững để ngăn chặn và kéo giảm, ổn định tình hình trong thời gian tới.

"Chúng ta đang đi xây dựng thành phố thông minh" – ông Nên nói và lấy dẫn chứng một buổi tiếp xúc Việt Kiều để bàn về chuyển đổi số trên địa bàn thành phố, bàn về chuyển đổi số nhưng họ cho rằng cái cần của một thành phố phát triển thì cần cả những thứ khác nữa.

“Có một anh là Việt Kiều đến TPHCM ở một khách sạn sang trọng nhưng khi chuẩn bị bước ra thì bảo vệ ở đó nói nhỏ rằng anh ra ngoài phải cảnh giác, coi chừng bị giật túi” – ông Nên cho rằng điều này gây bất an, cần sự ổn định và phát triển thì trước tiên phải “an”.

“Tôi nghĩ hiện nay về sự cần thiết của luật này ra đời có hay không, nhiều ý kiến đã phân tích rất hay, nhiều khía cạnh, đều thấy rằng có sự cần thiết nhưng nó phải điều chỉnh, chứ không chỉ là việc tổ chức lực lượng này. Tổ chức thì lực lượng này cần nguồn là gì? Chế độ cho họ như thế nào?” – ông Nên đặt vấn đề.

Theo ông Nên, một địa phương mà để cho người dân, người già, người nghĩa hiệp ra tay trấn áp tội phạm thì người làm trách nhiệm quản lý xã hội đó, hay đúng hơn những người có chức năng chính điều đó thấy điều gì đó không ổn.

“Trước hết phải thấy không ổn, mình là lãnh đạo, là quản lý một địa phương mà để cho ông già, cho những anh bỏ vợ con để đi làm hiệp sĩ đường phố chống tội phạm theo sự tự phát như thế” – ông Nên nói.

Theo ông Nên, sự cần thiết ra đời một cái gì có tính pháp lý và căn cơ là vấn đề nên bàn, nghiên cứu sâu để hỗ trợ, để có trách nhiệm trong vấn đề này.

Việc tổ chức lấy lực lượng công an hưu và người già để bổ sung vào lực lượng này cũng không ổn. Ý của cơ quan soạn thảo là hỗ trợ, nhưng phải hiểu ở đây là hỗ trợ chống tội phạm, sự hỗ trợ đó cần được nghiên cứu tiếp.

“Tôi thấy có nhiều ý kiến hay ở chỗ, sức mạnh có thể uy hiếp được tội phạm là quần chúng, chứ không thể lúc nào công an cũng có mặt được. Quần chúng kết hợp với công nghệ cao nhưng cần có lực lượng phản ứng nhanh, khi có người gọi điện phải có mặt ngay” - ông Nên cho hay.