UBND TP.HCM vừa giao UBND các quận, huyện công bố công khai 108 dự án “treo”, với diện tích hơn 473 ha được điều chỉnh, hủy bỏ trong kế hoạch sử dụng đất từ năm 2015 đến 2019.

Khu phức hợp Đầm Sen “treo” nhiều năm khiến nơi đây trở nên hoang tàn /// ĐÌNH SƠN
Khu phức hợp Đầm Sen “treo” nhiều năm khiến nơi đây trở nên hoang tàn - Ảnh: ĐÌNH SƠN

“Treo” xuyên thế kỷ

Trong danh sách các dự án UBND TP.HCM yêu cầu xóa “treo” nói trên có dự án khu phức hợp Đầm Sen rộng 5,46 ha (P.3, Q.11) của Công ty cổ phần quốc tế C&T. Khu này tiếp giáp đường ven kênh Tân Hóa và công viên văn hóa Đầm Sen được Công ty cổ phần đầu tư xây dựng Bình Chánh (BCCI) đề xuất xây dựng thành khu phức hợp (gồm chức năng ở - thương mại - dịch vụ) lần đầu tiên vào năm 2010 và được chấp thuận.
 
Đến năm 2012, do nhiều nguyên nhân, UBND TP.HCM đã giao Sở Xây dựng TP kêu gọi chủ đầu tư mới và đến tháng 8.2014, dự án được UBND TP công nhận chủ đầu tư cho Công ty cổ phần quốc tế C&T.
 
Từ đó đến nay, sau nhiều lần được gia hạn, dự án vẫn giậm chân tại chỗ và việc công nhận chủ đầu tư cho Công ty cổ phần quốc tế C&T cũng đã hết hiệu lực. Hơn chục năm bị treo, người dân khu vực này đang phải sống trong cảnh tạm bợ, nhiều căn nhà đã xuống cấp trầm trọng, trong khi đó hệ thống hạ tầng xã hội, hạ tầng đô thị gần như không có gì. Chính quyền UBND P.3 (Q.11) cũng báo cáo, cơ sở hạ tầng dự án xuống cấp, hàng trăm hộ dân đều có nguyện vọng xóa quy hoạch treo để cuộc sống được ổn định.
 
Hay như cụm dự án khu đại học rộng hơn 240 ha tại các xã An Phú Tây, Phong Phú và Hưng Long (H.Bình Chánh) được quy hoạch từ năm 1992, nhưng đến nay vẫn “treo” vô thời hạn.
 
Một người dân tên Đinh Công Lý cho biết nhà ông có khu đất 8.733 m2 ở ấp 4 (xã Bình Hưng, H.Bình Chánh). Năm 1992, khi nhà nước thông báo quy hoạch đất thành làng đại học, người dân nơi đây được thông báo không được xây dựng nhà, không được sang nhượng... chờ thông báo thu hồi đất, đền bù, di dời đến nơi ở mới. Thực hiện chủ trương, ông và các hộ dân nơi đây “ngồi im” không làm gì trên khu đất của mình. Thế nhưng, thời gian trôi qua đã 30 năm đến nay nhà nước vẫn chưa thu hồi và đền bù cho các hộ dân nơi đây. Do bức thiết về nhà ở, cũng như việc phát triển kinh tế gia đình, hầu hết các hộ đã tiến hành xây dựng, sửa chữa nhà cửa dù biết rằng hoạt động này bất hợp pháp.
 
“Dự án treo đã 28 năm qua mà vẫn chưa thỏa thuận đền bù. Gia đình tôi và đa số các hộ dân ở đây vốn chỉ dựa vào nghề làm nông, nhưng hiện nay xung quanh khu đất bị đô thị hóa với hàng trăm căn nhà tường mọc lên nên không thể làm vườn, làm lúa được. Nhiều gia đình vì thế cũng làm liều xây dựng nhà cửa để cho thuê, kinh doanh. Nay nghe thông tin nhà nước sẽ điều chỉnh, hủy bỏ các dự án treo tôi rất mừng”, ông Lý cho biết.
 
Ngoài 2 dự án trên, còn có 106 dự án khác nằm rải rác khắp nơi cũng sẽ được điều chỉnh, hủy bỏ như: khu du lịch sinh thái kết hợp nghỉ dưỡng do Ban Quản lý Khu công viên lịch sử - văn hóa dân tộc làm chủ đầu tư (P.Long Bình, Q.9) rộng hơn 36 ha; dự án khu nhà ở kết hợp thương mại - dịch vụ do Công ty Thiên Bảo làm chủ đầu tư, rộng hơn 3,6 ha ở Q.8. Tại Q.8, có dự án khu nhà ở 400 Nguyễn Duy do Công ty cổ phần lương thực TP.HCM làm chủ đầu tư, rộng gần 2 ha. Dự án này UBND TP đã giao cho Trung tâm phát triển quỹ đất thu hồi đất. Tại Q.Bình Thạnh có dự án Trường THPT Gia Định, Trường THCS Đống Đa do Ban Quản lý đầu tư xây dựng công trình quận làm chủ đầu tư. Hai dự án này được giao đất năm 2016 nhưng không thực hiện được do liên quan Nghị định 167 về việc sắp xếp, xử lý tài sản công...

Quy trách nhiệm duyệt quy hoạch không khả thi

Theo KTS Trần Tuấn (chuyên gia về quy hoạch), nhà nước cần công bằng với người dân trong vấn đề quy hoạch, không thể bỏ mặc quyền lợi của người dân. Luật đã có quy định khá rõ ràng, quy hoạch xây dựng phải được định kỳ xem xét, rà soát, đánh giá quá trình thực hiện để kịp thời điều chỉnh phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội trong từng giai đoạn. Định kỳ rà soát quy hoạch xây dựng là 10 năm đối với quy hoạch vùng, 5 năm đối với quy hoạch chung và quy hoạch phân khu, 3 năm đối với quy hoạch chi tiết kể từ ngày quy hoạch xây dựng được phê duyệt. UBND các cấp có trách nhiệm rà soát quy hoạch xây dựng đã được phê duyệt.
 
Mặc dù vậy, cơ quan chức năng có thẩm quyền không thực hiện, nếu có cũng làm chiếu lệ, qua loa đại khái khiến quy hoạch treo kéo dài. Điều này đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và nghĩa vụ chính đáng của người dân. Đã đến lúc cần quy định rõ trách nhiệm của những nơi duyệt quy hoạch; nếu duyệt ẩu, duyệt quy hoạch không khả thi, không thực hiện được phải đền bù thiệt hại cho người dân. Đối với việc không rà soát một cách nghiêm túc dẫn đến thiệt hại của người dân cũng phải đền bù.
 
Liên quan đến việc xóa quy hoạch "treo" trên địa bàn TP.HCM, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan đã giao UBND các quận, huyện tổ chức công bố công khai 108 dự án với diện tích hơn 473 ha được điều chỉnh, hủy bỏ trong kế hoạch sử dụng đất hằng năm cấp huyện do không thực hiện đúng kế hoạch sử dụng đất hằng năm đã được UBND TP phê duyệt. Đối với các dự án chậm triển khai, ông thay mặt UBND TP giao cho các quận, huyện phối hợp với Sở Tài nguyên - Môi trường để rà soát, xử lý, từ đó đề xuất, trình UBND TP xem xét thu hồi các dự án vi phạm. Đồng thời, kịp thời xử lý vi phạm (nếu có) theo quy định; xem xét, giải quyết quyền của người sử dụng đất.

Sau 3 năm không thực hiện, thì được xây nhà

Theo ông Phạm Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ Xây dựng, quy hoạch “treo” ảnh hưởng đến việc làm, sinh kế và xây dựng, cải tạo nhà ở của người dân. Không những thế, quy hoạch “treo” còn làm giảm hiệu quả chất lượng phát triển đô thị, lãng phí tài nguyên và gây bức xúc trong nhân dân. Thủ tướng đã ban hành Chỉ thị số 02 về tăng cường chấn chỉnh công tác quy hoạch xây dựng, quản lý phát triển đô thị theo quy hoạch được duyệt, trong đó đã giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành, địa phương. Bộ Xây dựng cũng đã ban hành một số quy chuẩn cốt lõi như quy chuẩn về quy hoạch xây dựng, quy chuẩn về nhà ở, hạ tầng kỹ thuật đủ để phục vụ cho công tác quy hoạch bảo đảm chất lượng.
 
Trong khi đó, luật Quy hoạch, luật sửa 37 luật có liên quan đến quy hoạch cũng đã sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Xây dựng năm 2014, quy định về đảm bảo sự đồng bộ giữa các loại quy hoạch, một số nội dung, trình tự việc lập, điều chỉnh quy hoạch, bãi bỏ một số quy hoạch xây dựng không còn phù hợp, bãi bỏ giấy phép xây dựng, chứng chỉ quy hoạch. Để bảo đảm quyền lợi của người dân trong vùng quy hoạch “treo” về vấn đề nhà ở, trong luật sửa đổi, bổ sung luật Xây dựng năm 2014 đã quy định, nếu kế hoạch sử dụng cấp huyện đã được công bố 3 năm sau không thực hiện, người dân được cấp phép xây dựng có thời hạn để cải tạo, thậm chí xây mới nhà ở có thời hạn ghi trong giấy phép cụ thể. Không những thế, nếu hết thời hạn này, quy hoạch vẫn không thực hiện được, người dân tiếp tục được thực hiện giấy phép đã được cấp để cải tạo và xây dựng mới nhà ở.
 
Các địa phương đã tích cực hơn trong việc rà soát, điều chỉnh quy hoạch chung và quy hoạch chi tiết. Điển hình như tại TP.HCM, đã rà soát trên 250 đồ án quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết và thu hồi 176 dự án “treo”. Tại Đà Nẵng đã rà soát 7 quy hoạch phân khu, 1.007 quy hoạch chi tiết, xác định 201 dự án “treo” và đang xử lý các vấn đề liên quan. Tại Hà Nội cũng đã rà soát 78 quy hoạch phân khu, 67 quy hoạch chi tiết... Cần rà soát, đánh giá thực hiện quy hoạch theo quy định để điều chỉnh nếu không phù hợp, tránh việc quy hoạch “treo” tràn lan. Đồng thời cần lập kế hoạch, bố trí nguồn lực để thực hiện các quy hoạch.
 
- Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà -