LĐO - “Nông nghiệp luôn đóng vai trò là "bệ đỡ" của nền kinh tế trong mọi thời kỳ, nhất là giai đoạn khủng hoảng kinh tế và bị ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 toàn cầu" - Phó Chủ tịch Nước Đặng Thị Ngọc Thịnh nhấn mạnh tại Đại hội Thi đua yêu nước lần thứ V và Lễ kỷ niệm 75 năm ngày truyền thống ngành Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NNPTNT).
Tiên phong trong đổi mới mô hình tăng trưởng
Tại Đại hội, Phó Chủ tịch Nước Đặng Thị Ngọc Thịnh ghi nhận vai trò tiên phong của ngành nông nghiệp trong đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế.
Cụ thể, ngành nông nghiệp đã đẩy mạnh sản xuất, chế biến, tiêu thụ, tổ chức lại chuỗi giá trị, đáp ứng tốt các yêu cầu ngày càng cao và đa dạng của thị trường, nâng cao chất lượng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, tăng giá trị gia tăng và phát triển bền vững; bắt kịp xu hướng gắn kết chuỗi giá trị trong nước vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Phó Chủ tịch Nước Đặng Thị Ngọc Thịnh đánh giá nông nghiệp Việt Nam đã phát triển toàn diện và chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa lớn với năng suất, chất lượng ngày càng cao, phát triển mạnh các ngành, sản phẩm có lợi thế cạnh tranh, đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia; từng bước đảm bảo an ninh dinh dưỡng, góp phần quan trọng vào giảm nghèo bền vững, đặc biệt trong các thời điểm khó khăn của nền kinh tế.
Các mô hình tổ chức sản xuất như kinh tế hộ gia đình, kinh tế trang trại và hợp tác xã đã đổi mới để thích nghi với cơ chế thị trường. Lực lượng doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp đã lớn mạnh và đầy tâm huyết, khát khao, là lực lượng nòng cốt trong chuỗi giá trị nông sản.
Hệ số che phủ rừng tăng từ 20% lên gần 42%
Phát biểu tại Đại hội, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh: Từ một nước thiếu đói, phải nhập khẩu lương thực, Việt Nam đã vươn lên thành nước xuất khẩu gạo thứ 2 thế giới.
Đặc biệt, sau 10 năm thực hiện Kết luận số 53-KL/TW ngày 5.8.2009 của Bộ Chính trị về Đề án “An ninh lương thực Quốc gia đến năm 2020,” sản lượng lúa của cả nước tăng từ 39,2 triệu tấn (năm 2009) lên 43,4 triệu tấn (năm 2019), tăng 12,2%. Sản lượng rau các loại tăng 80,5%, trái cây tăng 50%.
Bình quân lương thực đầu người tăng từ 497 kg/năm lên trên 525 kg/năm, đưa Việt Nam vào nhóm 6 nước hàng đầu về chỉ số này. Với thế mạnh nông nghiệp, Việt Nam có ưu thế đảm bảo an ninh lương thực hơn phần lớn các nước đang phát triển ở Châu Á và có vai trò ngày càng tăng trong hỗ trợ an ninh lương thực cho các quốc gia khác.
Lĩnh vực chăn nuôi của Việt Nam đã có được vị thế cao trong khu vực và trên thế giới. Chăn nuôi lợn đứng thứ 5 về đầu con, thứ 6 về sản lượng; đàn thủy cầm đứng thứ 2 thế giới; năng suất bò sữa và sản lượng thức ăn chăn nuôi công nghiệp đứng số 1 khu vực Đông Nam Á…
Sản lượng thủy sản năm 2019 đạt hơn 8,4 triệu tấn (gấp 6 lần so với giai đoạn năm 1995), nuôi trồng thủy sản đạt hơn 3,9 triệu tấn (gấp gần 4 lần so với năm 1995).
Đến năm 2019, ngành thủy sản đạt kim ngạch xuất khẩu 10 tỉ USD đã đưa Việt Nam hiện đứng thứ 4 thế giới về xuất khẩu thuỷ sản (sau Na Uy, Trung Quốc và Nga).
Đặc biệt, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết từ một nước chỉ còn khoảng 20% hệ số che phủ rừng, tới nay Việt Nam đã khôi phục đạt gần 42%.
Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, Việt Nam đã hình thành ngành kinh tế lâm nghiệp góp phần thúc đẩy thị trường xuất khẩu mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ, nâng cao uy tín và hình ảnh ngành chế biến gỗ xuất khẩu của Việt Nam trên toàn cầu với kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt khoảng 12 tỉ USD vào năm 2020, vươn lên đứng thứ 4 thế giới.