(NLĐO)- Sáng nay 15-11, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các nhà lãnh đạo ASEAN cùng các nước đối tác đã chứng kiến việc ký kết Hiệp định Đối tác toàn diện khu vực (RCEP), hiệp định thương mại tự do có quy mô lớn nhất thế giới.
Sáng 15-11, sau khi kết thúc Hội nghị cấp cao trực tuyến các nước tham gia đàm phán Hiệp định Đối tác toàn diện khu vực (RCEP), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các nhà lãnh đạo ASEAN cùng các nước đối tác đã chứng kiến việc ký kết Hiệp định quan trọng này.
Tại buổi lễ, Bộ trưởng Kinh tế của 15 quốc gia đã ký kết RCEP từ các đầu cầu truyền hình trực tuyến.
Tại Hà Nội, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh, đại diện Việt Nam, ký Hiệp định RCEP - Ảnh: VGP
Phát biểu tại lễ ký kết, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ sau 8 năm đàm phán, ASEAN và các nước đối tác đã hoàn thành thắng lợi việc đàm phán Hiệp định RCEP với khối lượng công việc đồ sộ, mở ra một giai đoạn hợp tác kinh tế thương mại mới đầy hứa hẹn tốt đẹp.
Thủ tướng tin tưởng rằng Hiệp định RCEP sẽ sớm được các nước phê chuẩn và đưa vào thực thi trong thời gian tới, góp phần hỗ trợ quá trình phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19 và đem lại thịnh vượng chung cho người dân, doanh nghiệp của tất cả các nước thành viên.
Bên lề lễ ký kết Hiệp định RCEP, trả lời PV TTXVN, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nhận định Hiệp định RCEP khi được 15 thành viên thực thi sẽ tạo nên một thị trường lớn với quy mô 2,2 tỉ người tiêu dùng, chiếm khoảng 30% dân số thế giới, với GDP xấp xỉ 26,2 ngàn tỉ USD, chiếm khoảng 30% GDP toàn cầu và trở thành khu vực thương mại tự do lớn nhất trên thế giới.
Với các cam kết về mở cửa thị trường trong lĩnh vực hàng hóa, dịch vụ, đầu tư và hài hòa hóa quy tắc xuất xứ giữa tất cả các bên tham gia cũng như tăng cường các biện pháp tạo thuận lợi thương mại. Vì vậy, việc thiết lập Hiệp định này sẽ tạo cơ hội để phát triển các chuỗi cung ứng mới trong khu vực.
Hiệp định RCEP sẽ giúp thiết lập thị trường xuất khẩu ổn định lâu dài cho Việt Nam và các nước ASEAN. Trước tình hình thế giới đầy biến động gây ra những xáo trộn về chuỗi cung ứng trong những năm gần đây, việc hình thành một khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới theo Hiệp định RCEP tạo ra một thị trường xuất khẩu ổn định dài hạn cho Việt Nam, qua đó góp phần thực hiện chính sách xây dựng nền sản xuất định hướng xuất khẩu.
Việc thực hiện Hiệp định RCEP cũng tạo nên một khuôn khổ ràng buộc pháp lý trong khu vực về chính sách thương mại, đầu tư, sở hữu trí tuệ, thương mại điện tử, giải quyết tranh chấp..., góp phần giúp môi trường thương mại công bằng trong khu vực.
Theo nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới, với các khung khổ hợp tác mới được đưa ra trong Hiệp định RCEP cùng với các FTA trước đây, Việt Nam cùng một số nước ASEAN đang trở thành điểm đến đáng tin cậy cho các nhà đầu tư quốc tế. Các lợi ích này thường mang ý nghĩa lâu dài cho nền kinh tế.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị cấp cao các nước tham gia đàm phán Hiệp định Đối tác toàn diện khu vực (RCEP) bằng hình thức trực tuyến - Ảnh: TTXVN
Trước đó, trong khuôn khổ Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37 và các Hội nghị Cấp cao liên quan, sáng 15-11, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị cấp cao các nước tham gia đàm phán Hiệp định Đối tác toàn diện khu vực (RCEP) bằng hình thức trực tuyến.
Hội nghị có sự tham dự của lãnh đạo 10 nước ASEAN và các nước Úc, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, New Zealand, Tổng Thư ký ASEAN tại các điểm cầu.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ đại dịch Covid-19 từ đầu năm 2020 đã lan đến hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, thổi bùng lên những thách thức vốn tiềm ẩn trong môi trường chính trị - kinh tế - xã hội, làm suy giảm sự lưu chuyển của các luồng thương mại và đầu tư trên toàn cầu, khu vực, trong đó có các nước tham gia đàm phán RCEP.
Thủ tướng nêu rõ cùng nhau kiên cường vượt qua khó khăn, từ đầu năm đến nay, các bên đã nỗ lực nhằm giải quyết các vấn đề đàm phán tồn đọng. "Tôi rất vui mừng rằng, sau 8 năm làm việc khó khăn, đến hôm nay, chúng ta chính thức kết thúc hoàn toàn đàm phán Hiệp định RCEP để có thể ký kết Hiệp định nhân dịp này"- Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.
Thủ tướng: "Sau 8 năm làm việc khó khăn, đến hôm nay, chúng ta chính thức kết thúc hoàn toàn đàm phán Hiệp định RCEP để có thể ký kết Hiệp định này" - Ảnh VGP
Thủ tướng nhấn mạnh trong bối cảnh kinh tế thế giới và khu vực đang gặp phải những trở lực và thách thức to lớn không chỉ từ dịch Covid-19 mà còn từ sự suy giảm của thương mại quốc tế, việc kết thúc đàm phán Hiệp định RCEP - một hiệp định thương mại tự do có quy mô lớn nhất thế giới, sẽ là thông điệp mạnh mẽ khẳng định vai trò đi đầu của ASEAN trong ủng hộ hệ thống thương mại đa phương, đóng góp vào việc tạo lập cấu trúc thương mại mới ở khu vực, thuận lợi hóa thương mại một cách bền vững và phát triển chuỗi cung ứng đang bị gián đoạn do dịch Covid-19 cũng như hỗ trợ quá trình hồi phục sau đại dịch.
RCEP là hiệp định giữa 10 quốc gia thành viên của ASEAN (Brunei, Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia, Myanmar, Philippines, Singapore, Thái Lan, Việt Nam) và 5 nước đối tác: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, New Zealand.
Các cuộc đàm phán về Hiệp định RCEP bắt đầu vào cuối năm 2012 tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 21 ở Phnom Penh (Campuchia). Đàm phán hiệp định thương mại tự do giữa ASEAN và các nước đối tác (Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Úc, New Zealand) với trình độ phát triển kinh tế khác nhau là việc không hề dễ dàng. Sau cuộc đàm phán vào ngày 4-11-2019, Ấn Độ đã rút khỏi Hiệp định do còn nhiều điểm chưa được giải quyết.
Ảnh: VGP
Hiệp định RCEP nhằm mục đích thiết lập các quy tắc chung về thương mại điện tử, thương mại và sở hữu trí tuệ. RCEP, gồm 15 nước thành viên, là hiệp định thương mại tự do lớn nhất thế giới và tác động vượt ra khỏi tầm khu vực với các cam kết về mở cửa thị trường trong lĩnh vực hàng hóa, dịch vụ và đầu tư, hài hòa quy tắc xuất xứ, đơn giản hóa thủ tục hải quan, tạo thuận lợi cho thương mại.