Quang cảnh cuộc họp báo được tổ chức ngay sau khi bế mạc Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37 và các hội nghị liên quan. Ảnh: QUANG PHÚC
Trả lời phóng viên tại cuộc họp báo được tổ chức ngay sau khi bế mạc Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37 và các hội nghị liên quan, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch ASEAN 2020 khẳng định, dù là ông Joe Biden hay ông Donald Trump thắng cử Tổng thống Mỹ, quan hệ đối tác chiến lược ASEAN – Hoa Kỳ đã phát triển trong hơn bốn thập kỷ qua sẽ tiếp tục phát triển trong thời gian tới trên cơ sở tin cậy, hiểu biết lẫn nhau.
Được đề nghị bình luận về việc cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn - một trong những thách thức lớn đối với ASEAN trong năm 2020 - ảnh hưởng đến đoàn kết, thống nhất ASEAN, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhìn nhận, các nước lớn đóng vai trò quan trọng trong bảo đảm hòa bình, duy trì ổn định và thúc đẩy thịnh vượng toàn cầu, trong đó có Đông Nam Á. ASEAN nói chung, Việt Nam nói riêng mong muốn các nước lớn có quan hệ tích cực, cạnh tranh lành mạnh, tôn trọng vai trò trung tâm của ASEAN trong khu vực, từ đó đóng góp hiệu quả, thực chất cho hòa bình, an ninh, hợp tác và phát triển khu vực và trên thế giới. “Quan điểm này được thể hiện rõ trong các văn kiện của ASEAN trong suốt năm qua, đặc biệt là Tuyên bố chung về tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình và ổn định ở Đông Nam Á nhân dịp kỷ niệm 53 năm thành lập”, Chủ tịch ASEAN 2020 nói.
Về việc Hiệp định RCEP đã được ký kết mà không có sự tham gia của Ấn Độ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) có quy mô 26.000 tỷ USD với dân số 2,2 tỷ người, chiếm 30% dân số và gần 30% tổng GDP của thế giới. Xác định tầm quan trọng như vậy, nên các nước ASEAN đã cùng thảo luận, bàn bạc để đi đến quyết định cuối cùng là ký được RCEP. Đây không những là hiệp định thương mại ảnh hưởng trong khu vực mà còn ảnh hưởng đến toàn cầu.
“Ấn Độ là nước đầu tiên tham gia, nhưng sau đó đến nay Ấn Độ chưa ký kết để trở thành thành viên RCEP. Tuy vậy, các nước ASEAN và Chủ tịch ASEAN cũng đã nói rằng, các nước ASEAN luôn luôn mở cửa để Ấn Độ có thể tham gia, chào đón Ấn Độ trong thời gian tới và tạo mọi điều kiện để Ấn Độ tham gia một cách thuận lợi nếu Ấn Độ thấy rằng điều đó là cần thiết. Chúng tôi hoan nghênh Ấn Đô tham gia RCEP. Sau đây, các nước sẽ phê chuẩn trong nội bộ để Hiệp định RCEP có hiệu lực trong hệ thống 15 nước đã ký kết”.
Trả lời câu hỏi của phóng viên nước ngoài về nhận định xung quanh việc ông Joe Biden có thể trở thành Tổng thống Hoa Kỳ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: “ASEAN đánh giá cao quan hệ đối tác chiến lược với Hoa Kỳ trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền lẫn nhau và cùng mong muốn xây dựng khu vực hòa bình, ổn định, phát triển và phồn vinh. Tôi tin rằng, quan hệ đối tác chiến lược ASEAN – Hoa Kỳ đã phát triển trong hơn bốn thập kỷ qua sẽ tiếp tục phát triển trong thời gian tới”.
Thủ tướng cho biết thêm, về hợp tác kinh tế, Hoa Kỳ hiện là đối tác thương mại lớn thứ 2 của ASEAN, đồng thời là nhà đầu tư FDI lớn nhất, với tổng vốn hơn 330 tỷ USD. Với sự phát triển không ngừng của thương mại và đầu tư của Hoa Kỳ, hợp tác kinh tế, thương mại giữa hai bên đã thực sự trở thành cơ sở cho sự phát triển lâu dài.
ANH PHƯƠNG