LĐO - UBND TPHCM vừa ban hành kế hoạch thu hút chuyên gia, nhà khoa học đối với 14 vị trí bằng mức hỗ trợ 100 triệu đồng/người cũng như các ưu đãi về thưởng, lương, tiền thuê nhà ở... Kế hoạch này của thành phố được xem như việc “treo bảng cầu hiền” với mức đãi ngộ hấp dẫn. Tuy niên, theo chia sẻ của nhiều nhà khoa học, “điểm trừ” lớn trong thu hút nhân tài hiện nay ở TPHCM là môi trường làm việc chưa thuận lợi.
Không để “thảm đỏ có đinh”
Theo kế hoạch, TPHCM thực hiện thu hút chuyên gia cho 14 vị trí thuộc các cơ quan, đơn vị gồm: Sở Kế hoạch và Đầu tư (1 vị trí); Ban Quản lý Khu nông nghiệp công nghệ cao (3 vị trí); Ban Quản lý Khu công nghệ cao (5 vị trí); Viện Khoa học và Công nghệ Tính toán thuộc Sở Khoa học và Công nghệ (5 vị trí). Các chuyên gia, nhà khoa học và người có tài năng đặc biệt phải đáp ứng đầy đủ yêu cầu về trình độ chuyên môn, kinh nghiệm công tác, thành tích nghiên cứu, cấp độ và số lượng danh hiệu, giải thưởng...
Về chế độ đãi ngộ, các chuyên gia, nhà khoa học đáp ứng các yêu cầu sẽ được hỗ trợ ban đầu 100 triệu đồng, mức lương hàng tháng theo Quyết định 17/2019 và hưởng phụ cấp khuyến khích 1% kinh phí cho mỗi công trình nghiên cứu.
Theo Quyết định 17/2019, chuyên gia và nhà khoa học được chi trả lương hằng tháng theo mức lương cơ sở nhân với hệ số của bảng lương chuyên gia cao cấp, đối với giáo sư, phó giáo sư được hưởng hệ số 9,4, các trường hợp còn lại hưởng hệ số 8,8. Về nhà ở, TPHCM hỗ trợ nhà ở công vụ hoặc tiền thuê nhà không quá 7 triệu đồng/tháng và phương tiện đi lại tùy theo khả năng của cơ quan, đơn vị tuyển dụng.
PGS.TS Đỗ Văn Dũng - Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM - nhìn nhận, với chính sách thu hút chuyên gia, nhà khoa học của thành phố, vẫn rất khó tìm được những người tài và gắn bó lâu dài. “Những chuyên gia, nhà khoa học giỏi thường được các đơn vị, doanh nghiệp mời về làm việc với mức ưu đãi không khác gì chính sách của thành phố, thậm chí còn cao hơn. Để giữ chân họ, tôi nghĩ phải làm sao tạo được môi trường làm việc để họ phát huy được sở trường mới quan trọng, chứ tài chính không hẳn là yếu tố được đặt lên hàng đầu” - ông Dũng nói.
Đồng quan điểm, GS.TS Nguyễn Ngọc Giao - Chủ tịch Liên hiệp Các hội Khoa học Kỹ thuật TPHCM - cho rằng, một “điểm trừ” lớn trong thu hút nhân tài hiện nay ở TPHCM là môi trường làm việc chưa thuận lợi. “Lâu nay chúng ta nói trải thảm đỏ mời người tài nhưng thực tế nhiều lúc, nhiều nơi bên dưới thảm đỏ lại có đầy “đinh” và các thủ tục hành chính không cần thiết. Chính những cái đó khiến người tài lo sợ. Đây là lý do giải thích vì sao trí thức Việt kiều phần đông vào làm cho doanh nghiệp, kế đến là trường đại học. Rất ít người vào làm việc cho cơ quan nhà nước. Do đó, vấn đề quan trọng nhất là tạo môi trường thuận lợi, hạn chế sự ràng buộc đối với các nhà khoa học, chuyên gia” - GS.TS Giao nói.
Tránh lặp lại “vết xe đổ”
Thực tế trong giai đoạn trước đây, để kịp thời giải quyết tình trạng “khát nhân lực” ở các đơn vị khoa học trọng điểm, TPHCM đã áp dụng một số chính sách thu hút đặc thù từ năm 2014, như Quy chế thực hiện thí điểm một số chính sách thu hút chuyên gia khoa học và công nghệ vào làm việc tại 4 đơn vị: Khu công nghệ cao, Khu nông nghiệp công nghệ cao, Viện Khoa học - công nghệ tính toán và Trung tâm Công nghệ sinh học, với mức thù lao chi trả cho mỗi chuyên gia theo thỏa thuận với mức lương lên đến 150 triệu đồng/tháng.
Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện các chính sách này chưa đạt được kết quả đột phá như mong muốn. Trong 4 năm (2014 - 2017), TPHCM mới chỉ thu hút được 15 chuyên gia. Trong số này, có 5 chuyên gia người nước ngoài, 2 người Việt và 8 người Việt đang định cư ở nước ngoài. Đến nay, chỉ còn lại khoảng 10 trường hợp đang tiếp tục công tác.
Nguyên nhân của thực trạng “chết yểu” này, theo đánh giá của UBND TPHCM, việc phát hiện, thu hút chuyên gia chủ yếu phụ thuộc vào sự chủ động tìm kiếm và đề xuất của cơ quan, đơn vị có nhu cầu thuê nên chất lượng tuyển chọn chưa đồng đều. Cơ chế, chính sách đãi ngộ dù đã cao hơn nhiều so với mặt bằng chung nhưng chưa đủ sức hấp dẫn, đặc biệt là thu hút các chuyên gia đầu ngành, các nhà khoa học có uy tín ở các viện nghiên cứu, các trung tâm khoa học, trường đại học nước ngoài…
Đặc biệt, việc tạo điều kiện thuận lợi về tiếp cận thông tin, đầu tư trang thiết bị phục vụ nghiên cứu và xây dựng môi trường học thuật chuyên nghiệp phù hợp cho đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học chưa được quan tâm, triển khai đồng bộ nên hiệu quả mời gọi và sử dụng nhân lực chuyên gia còn thấp, việc giữ chân nhân tài và hạn chế chảy máu chất xám là vấn đề lớn và khó khăn đang đặt ra đối với TPHCM.
Trao đổi với Báo Lao Động - ông Huỳnh Thanh Nhân - Giám đốc Sở Nội vụ TPHCM - cho hay, việc thu hút chuyên gia, nhà khoa học lần này thành phố làm rất kỹ để tránh lặp lại “vết xe đổ” trước đây. Theo ông Nhân, TPHCM sẽ xây dựng môi trường làm việc chuyên nghiệp, cởi mở, tăng cường dân chủ, tiếp thu các ý kiến xác đáng của chuyên gia, nhà khoa học; tạo mọi điều kiện cho họ tiếp cận, khai thác thông tin, tài liệu chuyên ngành phục vụ chuyên môn và nghiên cứu khoa học.
Cũng theo ông Nhân, việc thu hút chuyên gia, nhà khoa học bằng đề án, dự án cũng nhằm mục đích tạo môi trường làm việc thoải mái, linh động về mặt thời gian cho họ. Kể cả những trường hợp đang ký hợp đồng lao động với các tổ chức, cá nhân theo dự án khác vẫn được tham dự nếu các điều khoản của hợp đồng lao động đang ký kết không mâu thuẫn với các yêu cầu của việc tuyển chọn và thuê chuyên gia theo đề án. Họ không bị ràng buộc phải đến cơ quan, đơn vị 8 giờ hành chính mỗi ngày, miễn sao họ hoàn thành công việc đúng thời gian quy định.
Định kỳ 3 tháng, cơ quan, đơn vị sử dụng chuyên gia, nhà khoa học sẽ phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ đánh giá, thẩm định tiến độ hoàn thành nhiệm vụ đã cam kết, chất lượng các công trình nghiên cứu do các chuyên gia thực hiện. Đánh giá, thẩm định này gửi về UBND TPHCM để theo dõi, chỉ đạo. Bên cạnh đó, TPHCM cũng sẽ tạo mọi điều kiện về cơ sở vật chất cho chuyên gia, nhà khoa học làm việc.