TTO - Hôm qua 16-11, Quốc hội đã họp phiên toàn thể để thảo luận dự án Luật giao thông đường bộ (sửa đổi) và dự án Luật bảo đảm trật tự an toàn giao thông.

Việc tách Luật giao thông đường bộ: Chính phủ trình gấp rút, chưa báo cáo Quốc hội đầy đủ - Ảnh 1.

Học viên chuẩn bị thi thực hành lái xe ngoài đường phố của trung tâm đào tạo và sát hạch lái xe tại huyện Nhà Bè, TP.HCM - Ảnh: Q.ĐỊNH

Đây là 2 dự luật được soạn thảo trên cơ sở tách đôi Luật giao thông đường bộ hiện hành. Trong số các đại biểu phát biểu, các ý kiến không đồng tình chiếm đa số áp đảo.

"Tách làm 2 luật là không hợp lý"

Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị Hoàng Đức Thắng cho rằng: "Giao thông đường bộ là một thể thống nhất gồm 4 thành tố là kết cấu hạ tầng, phương tiện giao thông, người điều khiển phương tiện - người tham gia giao thông và quy tắc giao thông đường bộ. Cả 4 thành tố đó là đối tượng điều chỉnh của Luật giao thông đường bộ hiện hành. Vì vậy, việc tách làm 2 luật là không hợp lý".

Ông cho biết phần lớn các quốc gia tiến bộ khác trên thế giới dù luật về giao thông có tên gọi khác nhau thì đều điều chỉnh đầy đủ các thành tố tương tự Luật giao thông đường bộ VN hiện hành".

Vì thế, khi cả hai bộ GTVT và Công an cùng tham gia quản lý theo cách tách bạch lĩnh vực thì khi có vụ việc xảy ra mà lý do từ các thành tố tổng hợp thì ngành nào sẽ phải chịu trách nhiệm? Ông Thắng còn cho rằng nếu tách luật sẽ phá vỡ kết cấu vốn đã hợp lý, logic. Nói rộng ra là có thể tạo ra một tiền đề hết sức nguy hiểm cho công tác xây dựng pháp luật theo kiểu tùy nghi sau này.

Về mặt trình tự, thủ tục trình dự luật, Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Trần Thị Dung phân tích: "Trong chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020 được Quốc hội thông qua thì tên của luật là dự án Luật giao thông đường bộ (sửa đổi), nay thì tách thành 2 dự án luật, việc này cũng chưa có báo cáo Quốc hội một cách đầy đủ".

Trong khi đó, ủy viên thường trực Ủy ban Pháp luật Bùi Văn Xuyền khẳng định: "Chính phủ trình dự án luật này trong tình trạng hơi bị gấp rút. Trong kết luận nghị quyết của Chính phủ về xây dựng luật cũng yêu cầu là để 2 phương án, một là tách hay là không tách, rồi chuyển cho Quốc hội thảo luận".

"Thông lệ quốc tế là thông lệ nào?"

Trong số rất ít ý kiến phát biểu đồng tình tách luật có các phân tích của đại biểu Quốc hội từng công tác trong ngành công an hoặc là cán bộ công an biệt phái. 

Thiếu tướng Nguyễn Thị Xuân (Đắk Lắk) cho rằng: "Đây là 2 lĩnh vực, 2 mảng vấn đề, tuy nhiên lĩnh vực đảm bảo trật tự an toàn giao thông thuộc lĩnh vực về trật tự an toàn xã hội. Luật bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ thì đối tượng điều chỉnh là nâng cao nhận thức của người tham gia giao thông về an toàn giao thông, vì thực tế hiện nay hơn 90% các lỗi vi phạm và vi phạm giao thông thuộc về ý thức và nhận thức của người tham gia giao thông".

Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hồng (Bình Dương) cũng bày tỏ vấn đề tách hay không tách về mặt lý luận khoa học cũng như thực tiễn là chuyện hết sức bình thường. Còn chuyện đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật không phụ thuộc với chuyện tách hay không tách. 

"Tôi xin nhấn mạnh là hoạt động quản lý giấy phép lái xe không chỉ ý nghĩa là một hoạt động giao thông vận tải đơn thuần, quản lý an toàn đơn thuần, mà là một nhiệm vụ đảm bảo an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, nhất là trong bối cảnh hiện nay" - ông Hồng nêu quan điểm.

Thiếu tướng Nguyễn Mai Bộ, ủy viên thường trực Ủy ban Quốc phòng - an ninh, cho rằng các đại biểu viện dẫn việc tách luật theo thông lệ quốc tế là không đúng. Theo thiếu tướng Bộ, ở Mỹ có 46/50 bang do cơ quan giao thông cấp bằng lái, có 4 bang là cảnh sát cấp, ở châu Âu có Bulgaria do cảnh sát cấp bằng, ở châu Á có Indonesia do cảnh sát cấp bằng.

"Vậy 3 đại biểu này nói theo thông lệ quốc tế là thông lệ nào?" - ông Bộ đặt câu hỏi.

Giải trình khá dài vào cuối phiên thảo luận dự án Luật giao thông đường bộ (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể giải trình nhiều vấn đề khác nhưng không nêu chính kiến về tách hay không tách luật. 

Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho rằng việc xây dựng Luật bảo đảm trật tự an toàn giao thông xuất phát từ việc Chính phủ xác định rõ bảo đảm trật tự an toàn giao thông là một bộ phận của trật tự an toàn xã hội thuộc Bộ Công an và thuộc trách nhiệm của Bộ Công an. Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định nếu được Quốc hội thông qua sẽ không tăng biên chế và chi phí. Thủ tục hành chính cũng không tăng.

Cũng theo ông Lâm, việc làm 2 luật "không phải là tách luật, chia quyền" bởi thực tế cùng sự phát triển của các mặt đời sống, quá trình làm luật càng ngày càng đi vào lĩnh vực cụ thể, càng cụ thể hóa các vấn đề cuộc sống. Ví dụ lĩnh vực đầu tư cũng chia thành Luật đầu tư, Luật đầu tư công; lĩnh vực khiếu nại, tố cáo cũng có hai luật khiếu nại và tố cáo riêng...

Một số ý kiến khác

* Đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan thẩm tra các dự án luật này nên rút kinh nghiệm về việc đảm bảo trình tự, thủ tục của một dự án luật khi trình ra Quốc hội.

đại biểu Thái Trường Giang (Cà Mau)

* Chuyển thẩm quyền quản lý đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe từ Bộ GTVT sang Bộ Công an, tôi hình dung giống như là "lánh nặng, tìm nhẹ".

Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp)

* Việc chuyển thẩm quyền cấp giấy phép lái xe từ Bộ GTVT sang Bộ Công an không phù hợp với chủ trương của Đảng tại nghị quyết số 17 Hội nghị trung ương 5, khóa X: một số nhiệm vụ thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an có đủ điều kiện dân sự hóa thì chuyển cho các bộ không thuộc lĩnh vực quản lý nhằm tập trung hơn nhiệm vụ xây dựng quân đội, công an cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại.

Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Đỗ Văn Sinh

LÊ KIÊN - TIẾN LONG