PNO - Hiệp hội taxi TPHCM, Đà Nẵng, Hà Nội (gọi tắt là Hiệp hội taxi) có văn bản gửi Quốc hội "tố" hàng loạt sai phạm về hình thức hoạt động, thuế, bảo hiểm, giá cước… của Grab

Chia sẻ với phóng viên báo Phụ Nữ TPHCM, ông Tạ Long Hỷ - Chủ tịch Hiệp hội taxi TPHCM, một trong ba đại diện đã ký tên cùng các Hiệp hội taxi và gửi văn bản lên Chủ tịch Quốc hội chỉ ra hàng loạt nội dung sai phạm của Công ty TNHH Grab (gọi tắt là Grab) cho biết, kể từ khi Nghị định 10 của Chính phủ có hiệu lực (1/4/2020), hoạt động của Grab vẫn không thay đổi và có nhiều sai phạm, bất cập.

Hiệp hội taxi ba Miền tố Grap lên Quốc hội (Ảnh minh hoạ)
Hiệp hội taxi ba Miền tố Grap lên Quốc hội (Ảnh minh hoạ)

Cụ thể, theo ông Hỷ, với mô hình hoạt động hiện nay, Grab là chủ thể quyết định giá cước vận tải. Trong khi đó, theo quy định tại khoản 2, điều 3, Nghị định 10, Grab phải được xác định là đơn vị kinh doanh vận tải và chỉ được được hoạt động khi đã được Sở Giao thông vận tải cấp Giấy phép kinh doanh vận tải.

“Chúng tôi được biết cho đến nay Grab chưa được một Sở Giao thông vận tải nào cấp giấy phép kinh doanh vận tải, nhưng Grab vẫn ngang nhiên hoạt động, vì vậy hoạt động của Grab hiện nay là trái phép - việc này vi phạm các quy định”, đại diện các Hiệp hội taxi nêu.

Đồng thời, phần mềm của Grab hiện nay không trích xuất được danh sách hành khách đối với các chuyến xe chở từ 02 hành khách trở lên. Trên giao diện phần mềm của Grab không thể hiện đầy đủ các thông tin của hợp đồng điện tử theo quy định như: không có thông tin về người đại diện đơn vị vận tải ký hợp đồng, không có logo của đơn vị vận tải trên giao diện. Phương tiện của Grab không dán đầy đủ nhận diện theo quy định như: không dán chữ “XE HỢP ĐỒNG” ở kính trước và sau xe, không dán niêm yết logo của đơn vị vận tải bên thân xe.

Ngoài các vi phạm này, theo Hiệp hội taxi, giá cước của Grab cũng có nhiều bất cập. Mặc dù hãng hoạt động như taxi (người dân vẫn quen gọi là taxi công nghệ), nhưng Grab không phải kê khai giá, dẫn đến tình trạng giá cước tăng giảm liên tục 200 - 300% trong ngày, tùy theo cung giờ.

Trong khi đó, các doanh nghiệp taxi phải kê khai giá, mỗi khi giá xăng dầu điều chỉnh, các cơ quan quản lý đều yêu cầu các doanh nghiệp taxi phải điều chỉnh giá cước cho phù hợp với sự biến động của giá nhiên liệu, việc này là rất bất bình đẳng đồng thời ảnh hưởng đến quyền lợi hành khách. Văn bản này cũng nhắc đến việc ứng dụng này thu phí nền tảng của khách hàng.

Còn đối với vấn đề thuế, dù hoạt động vận tải hành khách của Grab không có gì khác biệt so với các doanh nghiệp vận tải hành khách khác, tuy nhiên Grab lại được hưởng chính sách thuế đặc thù.

Cụ thể, các tài xế của Grab được nộp thuế khoán với mức 3% thuế giá trị gia tăng và 1,5% thuế thu nhập cá nhân. Trong khi các doanh nghiệp vận tải khác phải nộp theo mức 10% thuế giá trị gia tăng và 20% thuế thu nhập doanh nghiệp.

Ngoài ra, tất cả phương tiện kinh doanh và tài xế đều do các Hợp tác xã quản lý, phù hiệu của phương tiện cũng được Sở Giao thông vận tải cấp cho Hợp tác xã nhưng việc kê khai, nộp thuế lại do Grab thực hiện theo chính sách thuế khoán chứ không phải do các HTX kê khai.

Đáng chú ý, Hiệp hội taxi còn nêu vấn đề bảo hiểm xã hội, khi Grab có khoảng 120.000-130.000 tài xế nhưng hầu như không ai nộp bảo hiểm xã hội. Điển hình trong đợt dịch COVID-19, nhiều tài xế của Grab nằm trong đối tượng được Chính phủ trợ cấp.

Với hàng loạt các vấn đề mà các Hiệp hội này chỉ ra, Hiệp hội taxi đề nghị Quốc hội chỉ đạo các cơ quan giám sát việc thanh, kiểm tra toàn diện hoạt động của Grab, qua đó xác định những sai phạm, bất cập này và xử lý theo quy định. Đồng thời, đại diện các Hiệp hội taxi cũng đề nghị có giải pháp quản lý chặt chẽ hoạt động kinh doanh của Grab để đảm bảo khách quan, công bằng và minh bạch vì sự phát triển ổn định, lâu dài của ngành vận tải.

Quốc Thái