TTO - Báo cáo của Cục Thi hành án Dân sự TP.HCM với HĐND TP cho thấy, trong năm 2020 phải thi hành án hơn 112.000 tỉ đồng, trong đó có số tiền rất lớn thu hồi trong các vụ án tham nhũng, kinh tế.

TP.HCM thi hành án hơn 112 ngàn tỉ, có một phần lớn từ án tham nhũng, kinh tế - Ảnh 1.

Ông Vũ Quốc Doanh, Cục trưởng Cục Thi hành án Dân sự TP.HCM trao đổi bên lề hội nghị - Ảnh: HOÀNG ĐIỆP

Sáng 18-11, HĐND TP.HCM đã có buổi giám sát  tại Cục Thi hành án Dân sự TP.HCM về công tác năm 2020

Thu tài sản đặc biệt lớn từ  án kinh tế, tham nhũng, chức vụ

Tham gia buổi giám sát, đại diện cơ quan thi hành án dân sự TP.HCM cho biết, trong số tiền thi hành án được thống kê trên, số các vụ đại án hình sự kinh tế, tham nhũng có giá trị phải thu đặc biệt lớn. Tài sản phải thi hành án ở nhiều địa phương khác nhau, theo quy định phải ủy thác cho cơ quan thi hành án nơi đương sự có tài sản, điều kiện thi hành án. 

"Thực tế yêu cầu phải xử lý xong tài sản của đương sự tại TP.HCM mới xác định được các khoản nghĩa vụ còn lại để ủy thác. Điều này một mặt tạo ra khó khăn cho các chấp hành viên khi xác minh, áp dụng biện pháp bảo đảm, một mặt kéo dài thời gian tổ chức thi hành án do phải xử lý xong tài sản tại TP.HCM rồi mới thực hiện việc ủy thác đi địa phương khác", ông Vũ Quốc Doanh, Cục trưởng cục Thi hành án Dân sự TP.HCM, cho biết.

Ngoài ra, một số vụ việc đại án phải xét xử nhiều giai đoạn có liên quan với nhau như vụ Huỳnh Thị Huyền Như, Phạm Công Danh, khi Tòa án xét xử xong mới chuyển giao toàn bộ bản chính giấy tờ nhà đất, do đó ảnh hưởng đến tiến độ thi hành án, thu hồi tài sản cho Nhà nước.

Cơ quan thi hành án dân sự thành phố cho rằng, cần xây dựng quy trình riêng biệt đối với việc xử lý tài sản trong các vụ án kinh tế, tham nhũng, khác quy trình xử lý tài sản hiện nay trong các vụ việc dân sự, kinh doanh thương mại, hôn nhân gia đình. 

Lý do là tài sản trong các vụ án kinh tế, tham nhũng rất phức tạp về tình trạng pháp lý, giấy tờ chưa rõ ràng, việc xử lý khó khăn, mất nhiều thời gian (như tài sản nằm trong khu quy hoạch, giải tỏa chưa có quyết định thu hồi, đền bù, giải tỏa; hiện trạng tài sản thay đổi; tài sản chưa được cấp giấy chứng nhận...).

Tòa gần như không trả lời văn bản của thi hành án

Đại diện HĐND TP đặt câu hỏi về việc vụ án đủ điều kiện thi hành án mà chưa thi hành, hoặc vì sao có những vụ việc tạm hoãn thi hành án.

Đại diện thi hành án nêu một trong những lý do để xảy ra những việc trên là việc thu án phí hoặc thu tiền sung công đối với những vụ án hình sự; nhiều bản án tuyên chưa rõ, sai sót…, nhưng khi cơ quan thi hành án có văn bản đề nghị Tòa giải thích đính chính hoặc hướng dẫn thì không nhận được phản hồi, nhất là TAND cấp cao và TAND tối cao.

Do đó, Cục thi hành án dân sự kiến nghị Bộ Tư pháp làm việc với Tòa án nhân dân tối cao về việc chuyển giao cho Cơ quan Thi hành án Dân sự bản chính các giấy tờ liên quan đến việc xử lý tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế, và sớm có văn bản giải thích, đính chính bản án, đặc biệt là các vụ việc thi hành án liên quan đến án tham nhũng, kinh tế.

Ngoài ra, có những vụ có bản án rồi, điều kiện thi hành án đủ nhưng khi làm việc với cơ quan chức năng (đặc biệt là Sở Tài nguyên Môi trường TP.HCM) thì rất chậm trễ trong việc hợp tác.

TP.HCM thi hành án hơn 112 ngàn tỉ, có một phần lớn từ án tham nhũng, kinh tế - Ảnh 2.

Ông Đỗ Khắc Tuấn, phó chánh án TAND TP.HCM - Ảnh: HOÀNG ĐIỆP

Về cơ chế phối hợp này, ông Đỗ Khắc Tuấn, phó chánh án TAND TP tham gia buổi giám sát, đề nghị các chấp hành viên liên hệ trực tiếp với thẩm phán xét xử vụ án để được xử lý vấn đề nhanh hơn: "Có khi chỉ một cuộc điện thoại là xong, chứ gửi văn bản thì sẽ qua nhiều quy trình thủ tục, sẽ rất chậm".

HOÀNG ĐIỆP