Giải thưởng “Nhà giáo trẻ tiêu biểu TPHCM” được xét tặng các giáo viên, giảng viên trẻ từ 35 tuổi trở xuống vào dịp 20/11 hằng năm. Đây là lần thứ 13 Thành đoàn TPHCM tổ chức bình chọn và trao giải thưởng này. Năm nay, Ban Tổ chức giải thưởng đã nhận được 1.548 hồ sơ đề cử chính thức từ các đơn vị trường học, ĐHQG TPHCM, Khối GDNN, Hội đồng bình chọn đã thống nhất tuyên dương 161 gương Nhà giáo trẻ tiêu biểu TPHCM 2020. Đây đều là những tấm gương của lòng yêu nghề, nghị lực, sáng tạo, biết vượt lên những khó khăn chung của ngành bám nghề, không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn, tìm tòi đổi mới phương pháp cho từng tiết dạy, từng môn học.
Trong số 161 nhà giáo trẻ tiêu biểu có 2 tiến sĩ, 16 thạc sĩ, đặc biệt có 52 nhà giáo được tuyên dương từ 3 năm liên tục trở lên; 6 nhà giáo được tuyên dương 5 năm liên tục và 1 nhà giáo được tuyên dương 8 năm liên tục được nhận bằng khen của Thành đoàn. Có thể kể đến một số gương tiêu biểu như: thầy Nguyễn Học, Trường THCS Lê Văn Tám (Bình Thạnh); cô Nguyễn Bùi Khánh Vy, Trường Mầm non phường 14 (Bình Thạnh); TS. Ngô Thị Huyền, Phó Trưởng khoa Thư viện và Thông tin học, Đại học KHTN – ĐHQG TPHCM; đó là Th.S Nguyễn Quốc Đoàn, Phó Trưởng khoa Cơ khí, Bí thư Đoàn trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật TPHCM…
Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Lệ ghi nhận và biểu dương các nhà giáo trẻ tiêu biểu với tấm gương tự học và sáng tạo của mình, các thầy cô giáo sẽ là động lực, hình mẫu tích cực để các em học sinh học tập và rèn luyện ý chí, nhân cách, phẩm chất của mình.
"Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân TP ghi nhận sự đóng góp của các thầy cô giáo, các giáo viên, giảng viên trẻ vào sự nghiệp giáo dục của TP nói riêng và cả nước nói chung. Đó là những đóng góp đầy tâm huyết và trách nhiệm của các thế hệ nhà giáo ở các bậc học, cấp học với sự năng động, nhiệt tình, sáng tạo trong đổi mới phương pháp truyền thụ kiến thức, kỹ năng; vững vàng về chuyên môn, nghiệp vụ; khơi dậy và thúc đẩy niềm say mê, hứng thú học tập, nghiên cứu khoa học của học sinh, sinh viên; đóng góp công sức, trí tuệ để triển khai xây dựng nội dung, áp dụng chương trình, phương pháp giáo dục tiên tiến, hiện đại vào các tiết giảng vì mục tiêu nâng cao dân trí, bồi dưỡng nhân tài, đóng góp thiết thực vào việc hình thành nguồn nhân lực với đầy đủ thể chất, trí tuệ, chuyên môn, kiến thức phù hợp với yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế của TP và đất nước trong tình hình mới." - đồng chí Nguyễn Thị Lệ nhấn mạnh.
Theo đồng chí Nguyễn Thị Lệ, trong điều kiện đất nước ta đang xây dựng “xã hội học tập suốt đời" thì việc khuyến khích học tập, tạo môi trường thi đua học tập, rèn luyện như hiện nay là hết sức cần thiết để cụ thể hóa và đưa Nghị quyết Đại hội XI của TP vào thực tiễn tại trường học. Thay mặt Ban Thường vụ Thành uỷ, đồng chí Nguyễn Thị Lệ kêu gọi tất cả các thầy cô giáo, các giảng viên, giáo viên và những người làm công tác giáo dục hãy nỗ lực hơn nữa, tin tưởng, đoàn kết vượt qua mọi khó khăn; nâng cao ý thức trách nhiệm, tìm tòi, đổi mới phương thức, nội dung giáo dục, thực hiện tốt phương châm "Dạy tốt, học tốt".
Cụ thể, đối với các bạn giáo viên, giảng viên trẻ thì cần nghiên cứu các vấn đề liên quan đến phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao thích ứng xây dựng TP thông minh, chung tay cùng Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân TP thực hiện thành công Đề án đào tạo nhân lực trình độ quốc tế ở 8 lĩnh vực (công nghệ thông tin - truyền thông; cơ khí nhân tạo; quản trị doanh nghiệp; tài chính - ngân hàng; y tế; du lịch và quản lý đô thị) trong giai đoạn 2020 - 2035; Đề án giáo dục thông minh và học tập suốt đời giai đoạn 2020 - 2030. Mỗi thầy, cô giáo trẻ cần tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong giáo dục, nghiên cứu các “công cụ" giáo dục đào tạo mới, nghiên cứu ứng dụng hình thức tương tác số giữa nhà trường và phụ huynh, cũng như đẩy mạnh chương trình đổi mới, sáng tạo dạy và học STEM.
Cạnh đó, với các bạn giảng viên, giáo viên trẻ là những đoàn viên, đảng viên trẻ, bên cạnh nhiệm vụ chuyên môn cần tích cực phát huy vai trò, trách nhiệm của người đoàn viên, đảng viên trẻ, tích cực học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách Chủ tịch Hồ Chí Minh đổi mới nội dung, phương thức sinh hoạt Đoàn tại địa phương, đơn vị nơi mình đang công tác, giảng dạy, tạo môi trường hoạt động Đoàn sinh động, hiệu quả.
Đồng chí Nguyễn Thị Lệ cũng mong muốn Ban Thường vụ Thành đoàn tiếp tục có những giải pháp phối hợp hiệu quả với Đảng ủy - Ban Giám đốc Đại học Quốc gia TPHCM, Đảng ủy Khối Đại học - Cao đẳng TP, Sở GD-ĐT TP trong việc phát động những phong trào thi đua dạy tốt - học tốt, phong trào “Nhà giáo trẻ tiêu biểu TPHCM", tạo môi trường hoạt động lành mạnh góp phần phát hiện, tuyên dương những điển hình tích cực trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo, tích cực thực hiện cuộc vận động “Xây dựng môi trường giáo dục thân thiện, học sinh tích cực".