Phản ánh tới Pháp Luật TP.HCM, anh Vũ Trường Tân (quận Thủ Đức, TP.HCM) cho biết thời gian qua anh liên tục bị một số người lạ gọi điện thoại tới làm phiền để đòi nợ. Lý do là số điện thoại anh đang dùng có đăng ký trong hồ sơ vay vốn của một công ty tài chính.
Ôm rắc rối từ chủ cũ để lại
Cụ thể, anh Tân cho hay khoảng cuối năm 2018 anh đi mua mới và đăng ký chính chủ số điện thoại từ nhà mạng MobiFone. Dùng được khoảng một tháng thì hằng ngày anh bắt đầu nhận được một số cuộc gọi lạ gọi tới để hỏi tên, sau đó là cuộc gọi của một người tự xưng là nhân viên của một công ty tài chính gọi để hỏi có phải là người nhà T. không (T. là tên người vay tiền) và cho biết số thuê bao này đã đăng ký vay tiền.
“Tôi cũng bất ngờ vì SIM mới đăng ký mà sao lại còn dữ liệu người dùng từ chủ cũ, tôi khẳng định là không phải và không liên quan vì tôi là người dùng mới, không biết gì. Cứ nghĩ là khi nói như vậy thì mọi chuyện đã xong, bên đòi nợ kia sẽ ghi chú lại là SIM đã thay đổi chủ. Được khoảng một tháng thì tình trạng này lại tiếp diễn” - anh Tân nói.
Cũng theo anh Tân, hơn một năm nay, mỗi ngày anh nhận được hàng chục cuộc điện thoại gọi để nhắc nợ. Cứ chặn số này thì có số khác gọi tới, lúc thì người gọi nói là bên công ty luật, lúc thì nói là bên công ty thu hồi nợ và dùng nhiều lời lẽ hăm dọa, thách thức.
Nhà mạng gặp khó trong việc xử lý cuộc gọi rác vì có các cuộc gọi từ các nhà mạng khác. Ảnh: H.ĐĂNG
Nhà mạng cũng gặp khó khi xử lý
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, đại diện nhà mạng MobiFone cho biết qua kiểm tra, xác minh trường hợp của anh Vũ Trường Tân, nhà mạng đã hỗ trợ gọi điện thoại tới những số đã làm phiền anh Tân để giải thích, nhắc nhở những thuê bao này và đề nghị không làm phiền anh Tân nữa.
Về vấn đề xử lý các cuộc gọi rác, SIM rác, MobiFone cho biết nhà mạng cũng gặp khó khi xử lý trong trường hợp này, do việc làm phiền diễn ra ở nhiều thuê bao khác nhau và các nhà mạng khác nhau.
Trong khi đó, ở góc độ quản lý thì nhà mạng không có quyền tự chặn, khóa một thuê bao đang sử dụng, trừ trường hợp thuê bao bị phản ánh quá nhiều. Sau khi nhà mạng đã liên hệ cảnh cáo lần một, lần hai mà vẫn tiếp diễn thì khi đó mới tiến hành khóa số.
Sử dụng công nghệ mới để chặn cuộc gọi rác Theo MobiFone, từ ngày 1-7, nhà mạng này đã chính thức đưa vào vận hành hệ thống kỹ thuật ngăn chặn các cuộc gọi rác/cuộc gọi không mong muốn tới khách hàng. Hệ thống phát hiện và ngăn chặn cuộc gọi rác này sử dụng công nghệ dữ liệu lớn (Big Data), trí tuệ nhân tạo (AI) và học máy (Machine Learning). Đến nay, qua gần ba tháng, hệ thống chặn cuộc gọi rác của MobiFone đã hoạt động thông suốt, ổn định, đáp ứng đủ các yêu cầu kỹ thuật. Theo đó, hệ thống này sẽ thực hiện lấy ý kiến phản hồi từ phía khách hàng để tiến hành xác định các thuê bao là cuộc gọi rác, đưa ra các ngưỡng phù hợp để thực hiện chặn các thuê bao phát tán cuộc gọi rác. |
Đó là chưa kể đến nếu thuê bao gọi tới là của các nhà mạng khác thì MobiFone cũng không thể quản lý được các SIM này. Trong trường hợp này, MobiFone sẽ hỗ trợ khách hàng bằng cách liên hệ với nhà mạng đối tác để kiến nghị.
Về vấn đề quản lý dữ liệu người dùng của một thuê bao, MobiFone cho biết cũng chỉ quản lý ở mức độ hạn chế, không thể quản lý được ở tất cả giao dịch dân sự mà chủ SIM thực hiện.
Việc quản lý dữ liệu người dùng dừng lại ở mức độ xác định chủ SIM trong các khoảng thời gian (ví dụ thời gian này do ông A đứng tên, khoảng thời gian sau do ông B đứng tên) và các dịch vụ giá trị gia tăng mà chủ SIM đăng ký với nhà mạng.
Cũng theo MobiFone, mới đây Cục Viễn thông, Bộ TT&TT đã ban hành văn bản quy định năm tiêu chí để xác định cuộc gọi rác như tần suất thực hiện cuộc gọi; tỉ lệ cuộc gọi có thời gian liên lạc ngắn; tỉ lệ cuộc gọi có thời gian giữa các cuộc gọi ngắn; tỉ lệ gọi đi cho các thuê bao không có mối quan hệ; đặc điểm hành vi sử dụng (thuê bao chủ yếu sử dụng gọi đi, không nhận và gửi tin nhắn SMS). Khi có những tiêu chí cụ thể này cùng với áp dụng công nghệ mới thì việc phát hiện, xử lý các thuê bao rác sẽ thuận lợi, nhanh chóng hơn.
Cần thu thập chứng cứ từ cuộc gọi quấy rối Trong trường hợp của anh Tân, chủ SIM đã thực hiện đăng ký chính chủ đúng theo quy định thì trách nhiệm một phần thuộc về phía nhà mạng. Lúc này, việc đầu tiên cần làm là người bị quấy rối cần liên hệ tới nhà mạng và yêu cầu nhà mạng cung cấp thông tin họ tên của những SIM gọi tới làm phiền để phục vụ trong quá trình xử lý. Ngoài ra, anh Tân cần yêu cầu nhà mạng có biện pháp mạnh đối với những thuê bao gọi tới làm phiền như chặn thuê bao. Song song đó, trong quá trình bị làm phiền cần thu thập lại hết các chứng cứ (ghi âm cuộc gọi, tin nhắn nhắc nợ) để xác định đối tượng quấy rối là ai, thuộc doanh nghiệp nào, đòi nợ cho ai. Sau khi có các tài liệu, chứng cứ chứng minh và xác định được nguyên nhân đòi nợ xuất phát từ giao dịch nào thì người dùng cần làm việc trực tiếp với đơn vị đòi nợ và yêu cầu chấm dứt hành vi gọi điện thoại làm phiền (như trong trường hợp này là xuất phát từ hợp đồng vay tiền với công ty tài chính). Ngoài ra, người dùng cũng có thể làm đơn tố cáo đến cơ quan công an nơi đặt trụ sở của đơn vị đòi nợ để có biện pháp ngăn chặn, xử lý. Luật sư LÊ DŨNG, Đoàn Luật sư TP.HCM |