TTO - Chưa bao giờ các giáo viên vùng lũ ở dải đất miền Trung đón một ngày kỷ niệm của nghề giáo 20-11 "đặc biệt" như những ngày qua - không hoa, không quà, cũng chẳng hội ngộ hay tiệc tùng nho nhỏ chúc mừng như mọi năm.
Học sinh trường tiểu học và THCS Hướng Việt đã trở lại trường sau gần một tháng nghỉ học - Ảnh: V.T.
Nhưng đó là một ngày vẫn đậm đà ý nghĩa và trĩu nặng yêu thương.
Bão lũ và sạt lở đất đã khiến nhiều trường học tại Quảng Trị phải đóng cửa dài ngày, thậm chí có những trường như ở xã Hướng Việt, Hướng Sơn (huyện Hướng Hóa) phải ngừng việc dạy học đến một tháng.
Tuy nhiên, khi mưa vừa ngớt, những trận sạt lở đất tại vùng núi có phần tạm lắng, các giáo viên xách balô tìm cách ngược núi vào trường.
Ở các xã vùng bắc Hướng Hóa những ngày qua, việc dạy học gian nan hơn gấp trăm lần. Trường bị bùn vùi lấp, các thầy cô sẵn sàng xắn quần lao vào cuốc cào liên tục, quần quật cả tuần liền từ sáng đến tối để dọn sạch cho học sinh trở lại học nhanh nhất.
Học trò nghỉ quá lâu "quên" đến lớp, các giáo viên sẵn sàng trèo đèo lội suối "cuốc" bộ cả chục cây số đường rừng để tìm đến từng nhà vận động các em trở lại lớp.
Ngay cả khi đó là ngày mà nếu là những năm trước các thầy cô được thong dong ngồi ở nhà nhận những bó hoa chúc mừng ngày nhà giáo cùng những lời chúc ngọt ngào.
Nhiều ngôi trường ở Thừa Thiên Huế, Quảng Bình bị bão làm tốc hết mái, thầy và trò phải đưa nhau qua nhà văn hóa thôn học ké. Nhiều trường khác ở vùng rốn lũ Lệ Thủy, Quảng Ninh (Quảng Bình) phải cho học sinh ngồi học tạm trên những bộ bàn ghế chỉ còn trơ khung sắt vì bị lũ ngâm "rụng" mất phần gỗ ép.
Ở những nơi này, các giáo viên cũng tạm "quên" ngày lễ nhà giáo đang đến để đi mượn, đi xin từng bộ bàn ghế, xin từng tấm tôn, viên ngói cho học sinh có chỗ ngồi học cho đàng hoàng.
Ngày nhà giáo luôn là ngày thiêng liêng với những người làm nghề giáo, không phải đó là ngày họ sẽ được tặng nhiều hoa, nhiều quà mà là một ngày được cả xã hội nhớ về, được tôn vinh trọn vẹn.
Các giáo viên miền núi vùng lũ Quảng Trị, Quảng Bình trước bão lũ cũng háo hức chờ đợi ngày thiêng liêng của nghề. Nhưng khi bão lũ qua đi, hậu quả vẫn còn đó, họ tìm thấy ý nghĩa của ngày nhà giáo theo một cách khác: lặng lẽ hơn, ấm tình người.
Khi chọn nghiệp trồng người ở vùng núi cao hay vùng thường xuyên bão lũ, các thầy cô giáo đã chọn luôn việc phải thường xuyên đối mặt với gian khó, thậm chí hiểm nguy. Họ chấp nhận luôn việc sẽ phải có những ngày kỷ niệm nghề giáo theo cách đặc biệt như thế.
Có lẽ nếu được chọn thì các thầy cô giáo vùng bão lũ miền Trung vẫn muốn có một ngày lễ nhà giáo thật trọn vẹn trong bộ áo quần tươm tất cùng hoa tươi và một buổi tiệc nho nhỏ chúc mừng ấm cúng. Nhưng khi trường lớp còn ngổn ngang, học sinh còn chưa trở lại lớp sau mưa lũ thì những bó hoa hay những hội ngộ sẽ không còn mang nhiều ý nghĩa.
Như cô Phạm Thị Quỳnh Nga, hiệu trưởng Trường mầm non xã Hướng Sơn, nói với giáo viên trường này: Bây giờ thêm một học sinh trở lại trường chính là "bó hoa" ý nghĩa nhất dành cho thầy cô.
Nghề giáo là nghề trồng người, trồng người phải là sứ mệnh của một đời, không phải một ngày mà thành người được. Sự thiêng liêng của nghề giáo không phải chỉ trong một ngày 20-11, mà cũng là của cả một đời.
Lũ lớn, bùn cao thì phù sa tình người của các thầy cô cũng vì vậy sẽ dày lên, đắp bù cho thiếu thốn của học trò, cho sự nghiệp trồng người mà mình mang nặng.