TTO - Thầy cô giáo của chúng ta đang đứng trước một khó khăn lớn, đó là sự lựa chọn giữa thầy và thợ, giữa nghiệp và nghề.
Học sinh Trường THPT Hùng Vương, Q.5, TP.HCM, tặng hoa chúc mừng cô giáo nhân ngày 20-11 - Ảnh: N.HÙNG
Những người làm nghề giáo viên, sau một thời gian đi dạy, do gần gũi với học sinh hoặc do tính chất công việc, có thể trở nên yêu nghề, tức là bắt đầu sống phần nào với cái "nghiệp" làm thầy.
Nhưng cũng có người có thể vẫn tiếp tục cảm thấy xa lạ, không gắn bó với công việc đang làm, sẵn sàng chuyển sang chỗ mới nếu có điều kiện, hoặc vừa đi dạy vừa kinh doanh, vừa làm những việc khác. Đó là một thực tế mà hiện nay không thể tránh khỏi và phải chấp nhận.
Cần những người thợ giỏi
Trước thực tế ấy, giáo dục của chúng ta phải làm gì? Theo chúng tôi, ở đây nếu chỉ giáo dục và động viên lòng yêu nghề là không đủ. Lòng yêu nghề phần nhiều mang tính chất bẩm sinh. Nó như cái nghiệp của mỗi người, không dễ động viên mà có. Cái trước nhất cần phải làm là làm sao để mỗi giáo viên phải trở thành một người làm nghề giỏi, một thợ giỏi.
Chúng tôi muốn dùng chữ thợ giỏi chứ không phải "thợ dạy" giỏi. Bởi vì "thợ dạy" thì thường được hiểu chỉ là dạy chữ, dạy kiến thức, dạy trên lớp thôi. Còn thợ giỏi hiểu ở đây là người làm nghề giỏi, mà người làm nghề giỏi thì bất cứ ngành nghề gì cũng cần. Giáo viên nếu chưa thể làm thầy theo nghĩa xưa thì ít nhất cũng phải phấn đấu để trở thành một người thợ giỏi, tức là người làm nghề thành thục, chuyên nghiệp, có trình độ cao.
Nhưng người thợ giỏi trong nhà trường khác với người thợ giỏi trong các ngành nghề khác. Cái khác chính ở đây không phải là mức độ của sự lành nghề, của yêu cầu về tính chuyên nghiệp, mà ở sản phẩm mà người thợ làm ra. Người giáo viên không làm ra cái máy mà đào tạo nên những con người. Nhà trường là nơi dạy người. Mà dạy người thì không chỉ có dạy chữ, dạy kiến thức.
Vì vậy cái giỏi của người thầy cô giáo, của người "thợ" trong nhà trường không chỉ thể hiện ở việc nắm vững phương pháp và kỹ năng truyền thụ tri thức mà còn ở năng lực giáo dục, khả năng giúp học sinh hình thành nên một con người có văn hóa, có lòng nhân ái, trung thực, biết lẽ phải trái, có ý chí vươn lên.
Chữ thầy chứa đựng thiên chức
Năng lực giáo dục là một yêu cầu rất khó với thầy cô giáo. Ở đây vừa đòi hỏi những kỹ năng sư phạm trong việc giáo dục trẻ, hiểu biết về tâm lý học sinh, vừa đòi hỏi thầy cô giáo phải thấm nhuần những triết lý giáo dục truyền thống và hiện đại, những tư tưởng nhân văn về con người.
Đó là chưa nói đến cái tâm, tấm lòng yêu thương con trẻ. Không có cái tâm, lòng yêu thương ấy, dù khéo léo đến đâu, thầy giáo cũng khó cảm hóa được học trò, nhất là trong trường hợp gặp những học sinh cá biệt, trẻ chưa ngoan. Huấn luyện nghiệp vụ sư phạm cho giáo viên chính là bồi dưỡng cho họ cả hai năng lực ấy: năng lực giảng dạy và năng lực giáo dục.
Thế nhưng, làm tốt cả hai yêu cầu trên giáo viên cũng chỉ là người "giáo viên giỏi", tức là người "thợ giỏi" mà thôi. Trong khi sứ mạng truyền thống, vị thế mà xã hội trao cho người giáo viên, hình ảnh người giáo viên trong mắt mọi người không phải là người "thợ" mà là người thầy. Chữ thầy chứa đựng một thiên chức.
Xã hội coi trọng nghề dạy học vì nó không giống như các nghề bình thường mà là một thiên chức. Vừa phải hành nghề để sống, vừa phải giữ được thiên chức quả là điều không phải dễ hiện nay, nhất là trong thời buổi kinh tế thị trường. Cái thiên chức ấy vốn là một đặc điểm của nền giáo dục Việt Nam.
Nếu tất cả những người đi dạy cũng chỉ là người hành nghề, không còn nghĩ đến thiên chức, giống như bác sĩ chỉ khám bệnh và cho thuốc mà không biết đến y đức, thì giáo dục sẽ về đâu?
Lương bổng hết sức quan trọng
Đã chọn cái "nghiệp" làm thầy là chọn một gánh nặng, một công việc khó khăn. Làm sao vẫn hành được nghề mà vẫn giữ được thiên chức của nhà giáo, đó là nỗi băn khoăn không phải chỉ riêng của các thầy cô giáo mà của đông đảo phụ huynh và của toàn xã hội.
Để giải được bài toán này, ngoài nỗ lực của chính bản thân các thầy cô giáo, chính sách của Nhà nước, trước hết là vấn đề lương bổng, hết sức quan trọng. Xưa kia ông bà ta rất đề cao cái đạo, trong đó có đạo làm thầy. Nhưng ông bà xưa cũng nói: "Có thực mới vực được đạo".