* Khoảng 400.000 người về hưu trước năm 1993 đang hưởng lương hưu thấp hơn nhiều so với mức lương tối thiểu vùng. * Bộ trưởng Bộ LĐT BXH Đào Ngọc Dung: Cần điều chỉnh thỏa đáng đối với nhóm có mức lương hưu thấp và nghỉ hưu trước năm 1995.Hiện nay, có khoảng 400.000 người về hưu trước năm 1993 đang hưởng lương hưu (với mức rất thấp - thấp hơn nhiều so với mức lương tối thiểu vùng). Đại đa số các trường hợp này đang phải sống rất khó khăn, chật vật, nhất là khi họ ở tuổi đã cao, mang trong mình nhiều bệnh tật.

Tuổi già, bệnh tật, lương thấp

Bà Trần Thị Biền (thôn Việt Tiến, xã Vũ Vinh, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình) - một người về hưu trước năm 1993 - hiện đang có mức lương hưu là 2,2 triệu đồng/tháng. Với mức lương hưu thấp hơn cả mức lương tối thiểu vùng này (mức lương tối thiểu vùng thấp nhất của năm 2020 đã là 3,07 triệu đồng), cuộc sống tuổi già của bà vô cùng chật vật, khó khăn với nhiều bệnh tật mang trong người.

Bà Biền kể lại, trước đây, nghe theo lời kêu gọi đi xây dựng kinh tế mới, bà rời quê hương, lên Tuyên Quang làm tại một công ty lâm nghiệp thuộc nhà nước. Công việc của bà rất vất vả, phải trực tiếp khai thác nứa, gỗ ở rừng. Theo thời gian, lao lực đã bào mòn sức khoẻ của bà. Làm việc được 16 năm, do sức khoẻ suy giảm, không thể đảm bảo được công việc tay chân vất vả, đến năm 1991, bà phải về hưu trước tuổi. Trải qua nhiều lần tăng lương, hiện nay, khi đã 64 tuổi, mức lương hưu của bà chỉ là 2,2 triệu đồng/tháng - không đủ để bà trang trải cho cuộc sống của một người già mang nhiều bệnh tật.

Với số tiền 2,2 triệu đồng/tháng như trên, theo tính toán của bà Biền, mỗi tháng bà dành 1 triệu đồng cho ăn uống; còn lại bà để mua thuốc thang, chữa trị nhiều căn bệnh của tuổi già bà đang mang trong người. Bà Biền đã rất yếu, không đi lại được như người khoẻ mạnh nên bà không trồng rau, nuôi gà… được để đỡ đi phần nào chi phí về thực phẩm. Không những vậy, mọi sinh hoạt cá nhân ở nhà, bà phải trông chờ vào các con.

“Tôi thấy mức lương hưu của mình là thấp, không đủ để trang trải cho bản thân khi về già. Mỗi khi ốm đau phải vào viện là các con phải phụ giúp. Tôi khá lo lắng khi không có khoản tiền phòng thân, nhất là khi sức khoẻ của mình ngày càng suy giảm. Như nhiều người khác cùng cảnh, tôi muốn mức lương hưu của mình cao hơn để đảm bảo cuộc sống khi về già” - bà Biền chia sẻ.

Bà Biền chỉ là một trong số rất nhiều người về hưu trước năm 1993 có mức lương hưu thấp. Theo thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, số người hưởng lương hưu trước 1993 hiện nay là 592.000 người. Phần lớn những trường hợp này có thời gian hưởng lương trước đây rất thấp. Bên cạnh đó, một số người về hưu sớm, 60% số này nghỉ hưu sớm trước tuổi. Còn lại 1/3 là lực lượng vũ trang. Từ năm 2008 đến nay Chính phủ đã 12 lần điều chỉnh mức lương hưu theo mức cao hơn bình quân.

Cần bù đắp để có được mức lương hưu thoả đáng

Trao đổi về vấn đề này, bà Tống Thị Minh - nguyên Cục trưởng Cục Quan hệ lao động và Tiền lương (Bộ LĐTBXH) - cho hay, về quá trình hình thành chính sách Bảo hiểm xã hội Việt Nam, mặc dù có từ năm 1946 nhưng giai đoạn trước chỉ có Nhà nước. Vì vậy, sẽ không xét gì đến quan hệ đóng-hưởng. Người lao động đi làm việc cho Nhà nước, sau đó được trả phần lương tương xứng sau khi hết sức lao động. Cho nên, những người về hưu trước năm 1993 đều làm cho xí nghiệp, cơ quan Nhà nước. Theo bà Minh, thời điểm đó vẫn chưa có Luật Lao động, phải đến 1.1.1995 luật này có hiệu lực. Vì vậy, trước năm 1993 mới bắt đầu có Pháp lệnh về hợp đồng lao động chứ chưa có luật, cùng với đó là Điều lệ của BHXH chứ chưa có Luật Bảo hiểm xã hội. Bên cạnh đó, điều chỉnh lương hưu trong thời gian qua theo tỉ lệ cho nên giãn cách mức lương về hưu tính theo giá trị hiện tại của người về hưu trước và sau ngày càng giãn cách. Vì vậy, dẫn đến việc người về hưu trước năm 1993 có mức lương hưu thấp.

Nguyên Cục trưởng Cục Quan hệ lao động và Tiền lương cho hay, ở đây cần sự bù đắp cho họ để họ có mức lương hưu thoả đáng với bối cảnh hiện nay.

Đại biểu Quốc hội TPHCM Trần Hoàng Ngân cho biết, vừa qua, Quốc hội đã đề nghị Chính phủ và ra Nghị quyết tăng thu nhập cho những người về hưu trước năm 1993. Hiện, Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã đề nghị Chính phủ làm báo cáo tổng kết đánh giá lại số lượng, phạm vi, mức hỗ trợ, dự trù kinh phí hỗ trợ… với những người về hưu trước năm 1993. Chính phủ phải sớm tổng kết, đánh giá và có kiến nghị để Quốc hội xem xét.

“Quốc hội rất muốn hỗ trợ ngay, tuy nhiên, báo cáo Chính phủ trình chưa có chi tiết nên phải có báo cáo đánh giá cụ thể. Quốc hội chia sẻ và mong muốn Chính phủ tổng kết nhanh. Dù khó khăn, nhưng với trường hợp khó khăn hơn phải giải quyết nhanh” - đại biểu Trần Hoàng Ngân chia sẻ.

* Trả lời chất vấn Quốc hội ngày 6.11, Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Đào Ngọc Dung cho hay, chỉ có thể giải quyết căn bản khi điều chỉnh thực hiện chính sách cải cách tiền lương theo 3 nguyên tắc. Thứ nhất, thực hiện nguyên tắc đóng - hưởng về chính sách bảo hiểm xã hội. Thứ hai, sẽ tính toán thực hiện điều chỉnh lương hưu độc lập tương đối trong mối tương quan với người đang làm việc. Thứ ba, điều chỉnh thỏa đáng đối với nhóm có mức lương hưu thấp và nghỉ hưu trước năm 1995 nhằm thu hẹp khoảng cách chênh lệch nghiệp tiền lương của người nghỉ hưu cùng chức vụ, cùng vị trí việc làm và cân đối giữa các thời kỳ. Theo 3 phương án này thì sẽ giải quyết được căn bản vấn đề đặt ra. Anh Thư

* Bên cạnh những người về hưu trước năm 1993 có mức lương thấp, còn có những trường hợp về hưu sau năm này, vì các lý do khác nhau, cũng có mức lương thấp. Bà V.T.S (67 tuổi, trú tại phường Nhị Châu, Thành phố Hải Dương) đang hưởng mức lương hưu rất thấp - 2,4 triệu đồng/tháng. “Với mức lương hưu rất thấp này, hằng tháng, tôi phải chi tiêu tiết kiệm lắm mới gọi là đủ, không để lại được đồng nào phòng khi trái gió, trở trời” - bà S chia sẻ. Theo bà S, số tiền trên bà dùng để đong gạo, mua thức ăn cho 2 vợ chồng là hết, còn những lúc chẳng may ốm đau thì trông chờ vào các con. Cũng may, các con đều có công ăn, việc làm ổn định nên hỗ trợ bố mẹ được một phần.

Trước đây, bà S làm tạp vụ trong một cơ quan nhà nước. Đến năm 2006, sau hơn 20 năm làm việc, do thấy sức khoẻ yếu, không đảm bảo nên bà xin chủ động nghỉ hưu sớm trước tuổi. Sau khi đi giám định sức khoẻ, bà chỉ được nhận mức lương hưu 61% (khoảng 1 triệu đồng/tháng).

Nhận mức lương thấp như trên khi mới ngoài 50 tuổi, bà rất lo lắng, không biết sẽ trang trải cho cuộc sống về già như nào. Rất may, thời điểm đấy, người con út cũng đã tốt nghiệp đại học, kiếm được việc làm nên bà không phải chu cấp thêm. Trải qua 3 lần tăng lương cơ bản, đến nay, mức lương hưu của bà được 2.464.000 đồng/tháng.

“Trước khi về hưu, tôi đã biết là mức lương hưu sẽ rất thấp, nhưng đành phải chấp nhận khi mà sức khoẻ lúc đó đã không đảm bảo để đi làm. Tôi mong muốn lương hưu của mình tăng lên ở mức trên 3 triệu đồng - mức này sẽ giúp cuộc sống về già của tôi đỡ chật vật, khó khăn hơn” - bà S chia sẻ. Bảo Hân