LĐO - Cổng “Công khai giá dịch vụ của ngành Y tế” được Bộ Y tế mở tại địa chỉ congkhaiyte.moh.gov.vn. Từ đây, người dân có thể tìm thấy các thông tin công khai giá thuốc để đảm bảo minh bạch. Tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên ngày 22.11 - sau 2 ngày công khai giá thuốc - tại các tỉnh thành, nhất là ở 2 thành phố lớn là Hà Nội và TPHCM, vẫn còn tình trạng mỗi nơi mỗi giá và thường cao hơn giá niêm yết công khai từ Bộ Y tế.
Mỗi nơi một giá, có nơi giá cao hơn giá niêm yết
Ngày 22.11, tức là 2 ngày sau khi Cổng Công khai y tế được mở, phóng viên đã vào vai người cần mua một số loại thuốc để ghi nhận giá ở một số cửa hàng thuốc tại TPHCM. Chúng tôi nhận thấy, cùng một loại thuốc nhưng mỗi nơi có mỗi giá bán khác nhau. Bộ Y tế thông tin, thuốc Happacol 250, dạng bột có tác dụng giảm đau, hạ sốt cho trẻ được công khai giá bán lẻ là 2.468 đồng/gói. Tuy vậy, mỗi cửa hàng lại bán một giá khác nhau. Một tiệm thuốc trên đường Đồng Đen (phường 14, quận Tân Bình) bán 2.500 đồng/gói nhưng tiệm khác tại đường Cách mạng tháng 8 (Quận 10) chỉ bán giá 1.700 đồng/gói. Trong khi đó, theo khảo sát, hỗn dịch uống YumagelF 15ml, có tác dụng cải thiện các chứng bệnh: Loét dạ dày; viêm dạ dày; các chứng bệnh ợ nóng, buồn nôn, nôn, đau dạ dày,... được Bộ Y tế công khai giá bán 6.300 đồng/gói nhưng giá bán trên thị trường lại cao hơn.
Cửa hàng thuốc tây lớn trên đường Đồng Đen (phường 14, quận Tân Bình) bán 7.000 đồng/gói và 1 hộp (20 gói) có giá 140.000 đồng. Cửa hàng khác trên đường Cách mạng tháng 8 (quận 10, TPHCM) bán 6.500 đồng/gói và hộp 20 gói có giá 130.000 đồng. Đặc biệt, nhà thuốc trên đường Nguyễn Trọng Tuyển (quận Phú Nhuận) bán lẻ 7.600 đồng/gói và 1 hộp được bán 145.000 đồng.
Qua so sánh đơn giản có thể nhận thấy, các cửa hàng thuốc đều bán sản phẩm này đắt hơn giá công khai từ Bộ Y tế. Chênh lệch mỗi hộp thuốc từ 4.000 đồng đến 14.000 đồng/hộp, thậm chí có nơi tăng gần 20.000 đồng/hộp.
Một loại thuốc khác là viên Acyclovir 200mg được Bộ Y tế niêm yết giá 1.243 đồng/viên. Tuy nhiên, để mua được 1 viên thuốc này, người tiêu dùng phải bỏ thêm gần 200 đồng.
Khảo sát tại tiệm thuốc trên đường Đồng Nai (Quận 10), cửa hàng này bán giá 1.400 đồng/viên. Các hiệu thuốc bán lẻ tại quận Tân Bình và Bình Thạnh cũng có giá tương tự. Phép tính thử nếu mua 1 hộp 10 vỉ x 10 viên, người dùng phải chịu mua giá cao hơn 15.000 đồng.
Một loại thuốc trị tiêu chảy, kiết lị quen thuộc là Berberine 100mg, chai 100 viên nang của Nhà sản xuất Mekophar (Việt Nam), người tiêu dùng cũng bỏ ra số tiền nhiều hơn để mua được thuốc so với giá niêm yết. Cụ thể, giá niêm yết trên Cổng Công khai Y tế chỉ quy định 1.000 đồng/viên nhưng nhà thuốc trên đường Nguyễn Trọng Tuyển (quận Phú Nhuận) bán 1.500 đồng viên. Như vậy, giá thuốc đã cao gấp rưỡi và nếu mua 1 hộp, có thể mắc hơn giá niêm yết đến 50.000 đồng.
Trong khi đó, tại Hà Nội, tình hình cũng không khá hơn. Giá thuốc được ghi nhận tại các hiệu thuốc đều trong tình trạng “mỗi nơi một khác”. Đơn cử, đối với sản phẩm thuốc Hapocol 250 cho trẻ em có giá niêm yết là 2.468 đồng/gói thì tại nhà thuốc An Tâm - phố Đào Tấn (Hà Nội), hộp 24 gói được bán với giá 50.000 đồng/hộp - thấp hơn so với giá niêm yết; trong khi, cũng hộp thuốc 24 gói này, nhà thuốc Vân Pharmacy - tại khu chung cư An Bình City (Hà Nội) lại đang bán với giá 60.000 đồng. Hay đối với sản phẩm Yumayel F- được niêm yết trên Cổng Công khai Y tế với giá 6.300 đồng/gói thì nhà thuốc An Tâm bán với giá 100.000 đồng/hộp 20 gói hay nhà thuốc Vân Pharmacy có giá 110.000 đồng/hộp 20 gói, giá đều thấp hơn so với giá niêm yết.
Mới có 2.999 loại thuốc đã được kê khai giá bán lẻ
Ngay sau khi công khai thông tin về 5 lĩnh vực lớn trong ngành y tế là dược, trang thiết bị y tế, thực phẩm chức năng, dịch vụ y tế, thủ tục cấp phép dược - trang thiết bị y tế, người dân đặt rất nhiều kỳ vọng vào việc minh bạch, công khai các lĩnh vực trên, đặc biệt trong lĩnh vực dược.
Khi giá thuốc được công khai, không chỉ các cơ sở y tế mà cả người dân có thể trực tiếp so sánh, giám sát giá của từng loại thuốc tại các cửa hàng bán lẻ thuốc.
Ông Vũ Tuấn Cường - Cục trưởng Cục Quản lý Dược - cho hay: “Đối với việc nhấn nút công khai toàn bộ giá cả các dịch vụ trong ngành Y tế, trong đó có lĩnh vực dược. Đây là một nỗ lực rất lớn. Chúng tôi đã công khai được trên 60 nghìn các loại thuốc trên thị trường, kê khai của các doanh nghiệp. Và trên 40 nghìn thuốc trúng thầu”.
Theo Cục trưởng Cục Quản lý Dược, tới nay đã có 2.999 loại thuốc được kê khai giá bán lẻ. “Tới đây, chúng tôi tiếp cục công khai toàn bộ thuốc bán lẻ trên 61 nghìn cơ sở bán lẻ. Hiện chúng tôi đã tổng hợp được khoảng 50% giá thuốc bán lẻ, lộ trình cố gắng từ nay đến hết quý 1 năm 2021 sẽ đưa toàn bộ giá bán lẻ của 61 nghìn cơ sở bán lẻ trên toàn bộ hệ thống công khai y tế, trong đó có lĩnh vực dược” - ông Cường nói.
Theo ông Cường, người dân sẽ tham gia giám sát toàn bộ quá trình kinh doanh, các doanh nghiệp cũng phải có trách nhiệm hơn đối với việc xác định cơ cấu giá của mình. Chúng tôi nỗ lực trong thời gian ngắn nhất công khai toàn bộ giá cả.
“Chế tài xử lý thì cũng đã được đưa vào nghị định 117 để xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm. Cùng với việc tuyên truyền cho người dân, các cơ sở hành nghề cùng với các biện pháp công khai minh bạch. Đồng thời tăng cường kiểm tra giám sát, tôi hy vọng rằng ngành dược sẽ có bước tiến mới trong thời gian sắp tới để cung ứng dịch vụ tốt hơn cho người dân” - ông Cường khẳng định.