(Phát biểu đề dẫn của đồng chí Nguyễn Xuân Thắng,
Bí thư T.Ư Ðảng, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh,
Chủ tịch Hội đồng Lý luận T.Ư)
Cách đây 80 năm, dưới sự lãnh đạo của Xứ ủy Nam Kỳ, cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ nổ ra đã làm rung chuyển chính quyền cai trị của thực dân Pháp và tay sai ở Nam Kỳ, trở thành tiếng súng báo hiệu cho sự thắng lợi tất yếu của cuộc tổng khởi nghĩa trên toàn quốc, đi vào lịch sử như một bản hùng ca về tinh thần yêu nước, ý chí quật cường, sự hy sinh oanh liệt và khát vọng cháy bỏng giành độc lập, tự do của dân tộc Việt Nam.
Kỷ niệm 80 năm Ngày Khởi nghĩa Nam Kỳ (23-11-1940 - 23-11-2020), Hội thảo khoa học quốc gia: "Khởi nghĩa Nam Kỳ - Ý chí quật cường và khát vọng giành độc lập của dân tộc Việt Nam" là dịp để toàn Ðảng, toàn quân, toàn dân ta ôn lại lịch sử hào hùng trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc; bày tỏ lòng biết ơn vô hạn và tri ân những anh hùng, liệt sĩ đã anh dũng hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân; giáo dục truyền thống yêu nước và cách mạng cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ; góp phần củng cố, bồi đắp niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo sáng suốt của Ðảng; tiếp tục phát huy mạnh mẽ truyền thống yêu nước, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong sự nghiệp tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa hiện nay.
Để cuộc Hội thảo nhiều ý nghĩa hôm nay thật sự thiết thực và chất lượng, tôi đề nghị chúng ta tập trung thảo luận và làm sâu sắc hơn một số nội dung chủ yếu sau:
1. Khởi nghĩa Nam Kỳ - bước chuyển quan trọng của cách mạng giải phóng dân tộc Việt Nam, cuộc tập dượt lịch sử tiến tới thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945
Khi Chiến tranh thế giới lần thứ II bùng nổ, tình hình thế giới và trong nước chuyển biến rất mau lẹ, Ðảng ta đã kịp thời chuyển hướng chiến lược, bắt đầu từ hội nghị Trung ương tháng 11-1939, đặt nhiệm vụ giải phóng dân tộc lên trên hết, gấp rút quá trình chuẩn bị trực tiếp và toàn diện cho cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước.
Quán triệt Nghị quyết của Trung ương Ðảng, Xứ ủy Nam Kỳ đã chủ động, quyết đoán cao trong xác định chủ trương, chuẩn bị và xây dựng kế hoạch khởi nghĩa. Tháng 3-1940, Xứ ủy Nam Kỳ đã thông qua Bản đề cương khởi nghĩa, là bước chuẩn bị đầu tiên và cơ bản cho một cuộc khởi nghĩa vũ trang trong toàn xứ (1). Trải qua nhiều hội nghị quan trọng từ tháng 7 đến tháng 11-1940, Xứ ủy đã ngày càng thống nhất tư tưởng về khởi nghĩa vũ trang, quyết định phát động cuộc khởi nghĩa đánh đổ chính quyền địch, lấy Sài Gòn - Gia Ðịnh làm trọng điểm, giành chính quyền về tay nhân dân.
Thực hiện chủ trương của Xứ ủy, các Ðảng bộ ở Nam Kỳ tích cực chỉ đạo quần chúng nhân dân chuẩn bị khởi nghĩa, tăng cường công tác tuyên truyền, tổ chức lực lượng, đẩy mạnh công tác binh vận, xây dựng lực lượng vũ trang, thành lập Ban khởi nghĩa… Không khí hừng hực sẵn sàng cho một cuộc vùng lên "long trời, lở đất", trút căm hờn vào quân xâm lược, quyết hy sinh giành độc lập, tự do cho dân tộc đã diễn ra trên khắp các tỉnh Nam Kỳ. Từ cuối thế kỷ XIX cho đến trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, có thể nói chưa từng có cuộc khởi nghĩa nào có thời gian chuẩn bị kỹ, có được lực lượng tham gia đông đảo và toàn diện như vậy.
Ðêm 22 rạng ngày 23-11-1940, cuộc khởi nghĩa bắt đầu nổ ra ở miền Ðông và sau đó, ở miền Tây. Việc chỉ đạo khởi nghĩa được tiến hành mau lẹ, có sự phối hợp với nhau. Cả Nam Kỳ rung chuyển dưới sức mạnh bão nổi của quần chúng nhân dân. Các cuộc khởi nghĩa ngay lập tức đã đồng loạt nổ ra ở 20 trong số 21 tỉnh, thành phố Nam Kỳ, mạnh nhất là ở các vùng Gia Ðịnh, Chợ Lớn, Mỹ Tho, Vĩnh Long… Lực lượng vũ trang nhân dân nhất tề nổi dậy tấn công chính quyền thực dân ở các xã, tập kích nhiều đồn bốt, tiến đánh và chiếm giữ một số quận lỵ, phá hỏng nhiều cầu đường… Ở một số nơi, nhân dân đã lập được chính quyền cách mạng. Lần đầu tiên lá cờ đỏ sao vàng được giương cao trong các cuộc biểu tình, làm cho chính quyền thực dân hoảng sợ, hoang mang. Trong phong trào chống thực dân Pháp xâm lược của nhân dân Nam Bộ, kể từ sau cuộc khởi nghĩa của anh hùng Trương Ðịnh, đây là lần đầu tiên nhân dân vùng lên, tiến hành cuộc "động binh" quy mô lớn chưa từng có, mức độ quyết liệt nhất với hào khí ngất trời và tinh thần chiến đấu ngoan cường, quật khởi. Cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ mang tính chất của một cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, tính chất nhân dân rộng rãi, sâu sắc.
Khởi nghĩa Nam Kỳ đã đi vào lịch sử như một trong những bản hùng ca bi tráng nhất trong sự nghiệp đấu tranh cách mạng của nhân dân Nam Bộ; thể hiện tinh thần yêu nước cháy bỏng; khẳng định bản lĩnh kiên cường, bất khuất, ý chí quyết chiến, quyết thắng, một lòng, một dạ đi theo Ðảng, theo cách mạng của quân dân Nam Bộ vì khát vọng độc lập của dân tộc và tự do, hạnh phúc của nhân dân, "là gương anh hùng, dũng cảm cho nhân dân cả nước noi theo".
Bởi những lý do chủ quan và khách quan, Khởi nghĩa Nam Kỳ chưa đi tới thắng lợi cuối cùng. Bị thực dân Pháp đàn áp hết sức dã man, dìm trong bể máu, bao chiến sĩ, đồng bào ta đã ngã xuống, hy sinh oanh liệt. Dù chịu nhiều tổn thất song phong trào cách mạng ở Nam Bộ không bị đẩy vào một thời kỳ thoái trào. Ngược lại, những kết quả bước đầu của cuộc khởi nghĩa tiếp tục được củng cố; lực lượng cách mạng còn lại tiếp tục được phát triển; những kinh nghiệm xương máu được nghiêm túc đúc kết và vận dụng sáng tạo; hào khí và tinh thần quật khởi của Khởi nghĩa Nam Kỳ không ngừng phát huy.
Khởi nghĩa Nam Kỳ là minh chứng sinh động, hùng hồn, khẳng định chủ trương đúng đắn của Ðảng ta về việc đặt nhiệm vụ phản đế lên hàng đầu; là cơ sở thực tiễn để Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Ðảng Cộng sản Ðông Dương, tháng 5-1941 tổng kết, hoàn chỉnh việc chuyển hướng chiến lược, đặt nhiệm vụ giải phóng dân tộc lên trên hết, quyết định chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền toàn quốc; là bước tập dượt quan trọng để chúng ta giành thắng lợi vĩ đại trong cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945.
"Miền Nam đi trước về sau"- tiếp tục hào khí Nam Kỳ khởi nghĩa, ngay sau Cách mạng Tháng Tám, trong hoàn cảnh "Sơn hà nguy biến", Nam Bộ "Thành đồng của Tổ quốc" đã mở đầu cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp khi chúng quay trở lại xâm lược nước ta (23-9-1945); tiến hành Ðồng Khởi cuối năm 1959, đầu năm 1960 để chuyển cách mạng từ thế giữ gìn lực lượng lên thế tiến công; tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968; đặc biệt, cùng với quân dân cả nước tiến hành cuộc tổng tiến công và nổi dậy đồng loạt trên toàn miền nam, làm nên Ðại thắng mùa xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền nam, thống nhất đất nước.
2- Khởi nghĩa Nam Kỳ - trận thử lửa hào hùng của phong trào cách mạng miền nam với nhiều bài học kinh nghiệm quý báu
Thứ nhất, thành công, đồng thời là kinh nghiệm từ Khởi nghĩa Nam Kỳ thể hiện rõ trong nghệ thuật chỉ đạo khởi nghĩa vũ trang; đó là kết hợp chặt chẽ giữa đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang; kết hợp giữa đấu tranh ở đô thị và đấu tranh ở nông thôn; đồng loạt tiến công địch trong phạm vi rộng lớn nhưng có trọng điểm. Tham gia cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ có lực lượng vũ trang, tự vệ, du kích, đội ngũ cán bộ, đảng viên và hàng vạn quần chúng nhân dân sát cánh bên nhau dũng cảm chiến đấu, sẵn sàng hy sinh cho độc lập, tự do của dân tộc. Dưới lá cờ vẻ vang của Ðảng, khối kết đoàn đó đã tạo nên một sức mạnh vô cùng to lớn của quân dân Nam Bộ, đồng loạt tiến công địch từ ấp làng đến các quận lỵ, thành phố. Từ khởi nghĩa Nam Kỳ, nghệ thuật chỉ đạo chiến tranh cách mạng của chúng ta đã từng bước được hoàn thiện và phát triển trong quá trình tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám, trong Ðồng Khởi, trong cuộc nổi dậy Tết Mậu Thân, trong phương châm "hai chân, ba mũi, ba vùng" ở miền nam; sau này, đặc biệt là trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử năm 1975.
Thứ hai, bài học về phát huy truyền thống yêu nước và sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết toàn dân. Hào khí Nam Kỳ khởi nghĩa là kết tinh của truyền thống yêu nước nồng nàn trong mỗi người dân Nam Bộ, những người con kiên trung của Thành đồng Tổ quốc, luôn vững tin vào Ðảng, vào một chân lý sáng ngời: "nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một"; với tinh thần đoàn kết chiến đấu sắt son, sẵn sàng hy sinh oanh liệt vì sự thắng lợi của cách mạng. Trong quá trình chuẩn bị và tiến hành khởi nghĩa, Xứ ủy Nam Kỳ đã huy động được một lực lượng to lớn chưa từng thấy, phong phú về thành phần, đa dạng về hình thức tham gia, trong đó có cả những thành phần yêu nước mà trước đó chưa khi nào Ðảng tập hợp được thật đông đảo. Cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ là hiện thân sức mạnh to lớn của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, nòng cốt là nông dân, công nhân, thợ thuyền, binh sĩ và các lực lượng vũ trang cách mạng, sự đoàn kết, đồng lòng của quân dân cả nước với quân dân Nam Bộ dưới sự lãnh đạo của Ðảng. Ðó là trận thử lửa tôi luyện bản lĩnh cách mạng, tinh thần quật khởi, ý chí đấu tranh kiên cường của nhân dân; và càng trong gian lao, thử thách, đồng bào Nam Bộ càng thể hiện rõ những phẩm chất cao đẹp, sáng ngời của dân tộc Việt Nam, càng gắn bó mật thiết với Ðảng, với lý tưởng cao đẹp của sự nghiệp cách mạng.
Thứ ba, bài học quan trọng về thời cơ cách mạng: phải dự báo chính xác về thời gian xuất hiện và hình thái lộ diện của thời cơ; chuẩn bị sẵn sàng đón thời cơ, không nóng vội khi thời cơ chưa tới. Khởi nghĩa Nam Kỳ diễn ra khi tình thế cách mạng có những diễn biến mới, rất mau lẹ; thuận lợi so với trước. Xứ ủy đã có những dự báo bước đầu chính xác về thời cơ khởi nghĩa, cân nhắc kỹ giữa thuận lợi và khó khăn. Song, ở thời điểm ấy, thời cơ toàn cục chưa xuất hiện. Tại Hội nghị Trung ương Ðảng Cộng sản Ðông Dương, tháng 11-1940, nhận được tin về chủ trương khởi nghĩa của Xứ ủy Nam Kỳ, phân tích tình hình và nhận thấy thời cơ cách mạng chưa chín muồi, Trung ương Ðảng đã quyết định hoãn cuộc khởi nghĩa. Nhưng quyết định đó khi về đến Nam Kỳ thì lệnh khởi nghĩa của Xứ ủy đã được phát động, cuộc khởi nghĩa vẫn diễn ra theo kế hoạch. Bị kẻ thù đàn áp, lực lượng cách mạng tổn thất nghiêm trọng (2). Ðây là bài học xương máu về nhận thức thời cơ, chớp thời cơ cách mạng và thời điểm phát động đấu tranh vũ trang. Rút ra được những kinh nghiệm quý báu, Ðảng ta sau đó đã kiên trì chuẩn bị lực lượng về mọi mặt, để khi các điều kiện đã chín muồi, phát động toàn thể dân tộc nhất tề đứng lên theo lời kêu gọi Tổng khởi nghĩa của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Lúc này thời cơ thuận lợi đã tới, dù hy sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập", lật đổ ách thống trị của chế độ thực dân, phong kiến, làm nên thắng lợi vẻ vang của cuộc Cách mạng Tháng Tám và sau đó là những chiến thắng lẫy lừng của dân tộc ta trong các cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược.
Thứ tư, phát huy cao độ tinh thần chủ động sáng tạo, đồng thời phối hợp chặt chẽ và phát huy sức mạnh của phong trào cách mạng cả nước dưới sự lãnh đạo của Ðảng. Khi quyết định chuẩn bị khởi nghĩa, Xứ ủy Nam Kỳ đã tìm cách liên lạc, báo cáo xin ý kiến Trung ương và đề nghị có sự phối hợp trên phạm vi cả nước. Nhận được tin cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ nổ ra, Ban Thường vụ Trung ương Ðảng đã ra thông báo khẩn cấp, chỉ thị cho các địa phương hỗ trợ Nam Kỳ bằng nhiều hình thức, từ việc xuống đường biểu tình, bãi khóa, đình công, rải truyền đơn, binh vận… cho đến việc phát động chiến tranh du kích, phá đường sá, cầu cống để ngăn quân Pháp khủng bố, đàn áp. Ngày 24-11-1940, Trung ương Ðảng ra lời Hiệu triệu các đồng chí cấp bộ Ðảng Cộng sản Ðông Dương, kêu gọi đảng viên cả nước đứng lên cùng hành động với Ðảng bộ Nam Kỳ. Có được sự cổ vũ, động viên to lớn, tinh thần chia lửa của quân dân cả nước, quân dân Nam Bộ đã vượt qua mọi khó khăn, bất chấp sự đàn áp khốc liệt của chính quyền thực dân, từng bước xây dựng lại lực lượng, củng cố lại tổ chức. Từ kinh nghiệm của cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ, trong mỗi chặng đường cách mạng sau này, tinh thần chủ động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của Ðảng bộ và nhân dân ở các tỉnh Nam Bộ luôn được kế thừa, phát huy và nhận được sự chỉ đạo kịp thời, sát sao của Trung ương, có sự ủng hộ và phối hợp của cả nước, trở thành một nhân tố quyết định sự thành công của phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước ở Nam Bộ.
3- Hào khí Khởi nghĩa Nam Kỳ hội tụ và tiếp tục lan tỏa trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa hiện nay
Truyền thống yêu nước, tinh thần đoàn kết, ý chí quật cường của Khởi nghĩa Nam Kỳ tiếp tục được Ðảng bộ và nhân dân các tỉnh, thành Nam Bộ hôm nay kế thừa, phát huy trong quá trình xây dựng quê hương giàu đẹp, đưa Nam Bộ thành đồng trong kháng chiến trở thành vùng kinh tế phát triển năng động, toàn diện, đổi mới sáng tạo, giàu bản sắc; trở thành khu vực tiên phong trong công cuộc đổi mới, hội nhập và phát triển của đất nước. Trong những năm qua, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân Nam Bộ không ngừng được nâng cao; các lĩnh vực văn hóa - xã hội, y tế, giáo dục, v.v, có bước phát triển mạnh; quốc phòng, an ninh được bảo đảm; trật tự, an toàn xã hội được giữ vững. Ðảng bộ, chính quyền các tỉnh, thành Nam Bộ kiên quyết, kiên trì xây dựng, chỉnh đốn Ðảng bộ và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; phát huy tinh thần đoàn kết, sáng tạo, bản lĩnh, trí tuệ của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, các lực lượng vũ trang, tạo thành nguồn lực tổng hợp to lớn, phấn đấu hoàn thành cao nhất các mục tiêu mà đại hội Ðảng bộ của các tỉnh, thành phố nhiệm kỳ 2015 - 2020 đã đề ra.
Kể từ đầu năm 2020 đến nay, cùng với sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của cả hệ thống chính trị, nỗ lực to lớn của đồng bào và chiến sĩ cả nước, Ðảng bộ, chính quyền, nhân dân và lực lượng vũ trang các tỉnh, thành Nam Bộ đã vượt mọi khó khăn, kiềm chế và ngăn chặn thành công sự lây lan của đại dịch Covid-19; đặc biệt trong thời gian vừa qua, đã tích cực giúp đỡ, ủng hộ, sát cánh cùng với đồng bào miền trung khắc phục, vượt qua nhiều mất mát, đau thương do hậu quả của những đợt bão, lũ lụt liên tiếp xảy ra. Ðó là những minh chứng rõ ràng, sinh động về sự tỏa sáng tinh thần đoàn kết, sức mạnh, bản lĩnh và ý chí, truyền thống tương thân, tương ái, nhân văn, nghĩa tình của đồng bào Nam Bộ hôm nay.
80 năm qua, hào khí Nam Kỳ khởi nghĩa vẫn luôn không ngừng được hun đúc và tỏa sáng qua các thế hệ, trở thành nguồn sức mạnh to lớn góp phần làm nên những thắng lợi vĩ đại của cách mạng miền nam và cả nước, trong công cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước trước đây cũng như trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa hiện nay. Chúng ta có trách nhiệm lan tỏa tinh thần, ý chí và hào khí đó trở thành khát vọng phát triển quê hương, đất nước; phát huy những giá trị văn hóa, tinh thần yêu nước và truyền thống anh hùng của Nam Bộ thành đồng nói chung, Sài Gòn - Gia Ðịnh - Chợ Lớn nói riêng, trở thành động lực và nguồn lực to lớn cho phát triển kinh tế - xã hội; biến sự kiên cường, thông minh, gan dạ trong chiến đấu trở thành bản lĩnh kiên trì, năng động, sáng tạo trong học tập, lao động sản xuất, kinh doanh; không ngừng tu dưỡng, rèn luyện và nâng cao đạo đức cách mạng, phát huy những phẩm chất tốt đẹp của người cán bộ, đảng viên, hết mực trung thành với Ðảng, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân.
Trong không khí phấn khởi của cả nước trước sự thành công của Ðại hội Ðảng các cấp, tiến tới và góp phần vào sự thành công của Ðại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Ðảng; ôn lại ý nghĩa và giá trị to lớn của cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ, chúng ta càng có thêm ý chí, quyết tâm thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới, hội nhập và phát triển, đưa đất nước ta bước vào một giai đoạn mới, vì một Việt Nam "dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh", vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội; không phụ lòng các bậc anh hùng tiên liệt, những người đã cống hiến cả cuộc đời mình vì tương lai rạng rỡ của dân tộc ta.
(★) Ðầu đề là của Báo Nhân Dân.
(1) Hội đồng chỉ đạo biên soạn Lịch sử Nam Kỳ khởi nghĩa, Lịch sử Khởi nghĩa Nam Kỳ (công trình kỷ niệm 60 năm cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ), TP Hồ Chí Minh, 2001, tr.65.
(2) Bốn liên Tỉnh ủy, 14 Tỉnh ủy, Ban cán sự Tỉnh bị xóa sổ hoặc tê liệt. Toàn Nam Kỳ mất tới 90% cán bộ cách mạng. Xem: Viện Sử học, Trần Hữu Ðính, Lê Trung Dũng: Cách mạng Tháng Tám 1945 - Những sự kiện lịch sử, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2000, tr.60.
Nguyễn Xuân Thắng