TTO - Dự kiến tới năm 2022, TP.HCM sẽ áp dụng công nghệ để phạt nguội tới khoảng 90% số vụ vi phạm giao thông qua hình ảnh.
Đây là một trong những nội dung được nêu tại hội nghị tổng kết thi đua đảm bảo an toàn giao thông sáng 26-11.
Báo cáo tại hội nghị, thượng tá Huỳnh Trung Phong - trưởng Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt (Công an TP.HCM) - cho biết bằng nhiều giải pháp, các năm qua tình hình tai nạn giao thông tại TP.HCM có những chuyển biến khả quan, giảm ba tiêu chí số vụ, số người chết, số người bị thương so với các năm trước.
Để đạt được kết quả này, theo thượng tá Phong, người dân TP ngày càng nâng cao tinh thần chấp hành quy định, đồng thời các lực lượng cũng ra quân xử lý quyết liệt.
Trong năm 2020, TP vẫn là địa phương đi đầu cả nước trong việc xử phạt vi phạm nồng độ cồn và ma túy đối với lái xe; có tháng đã xử lý 14.000 trường hợp vi phạm nồng độ cồn, trong khi cùng tháng cả nước xử lý 53.000 trường hợp.
"Chính việc xử lý quyết liệt đã tạo hiệu quả tích cực cho đến thời điểm này. Năm nay TP đã kéo giảm số người chết do tai nạn giao thông xuống còn 516 người, thấp nhất trong vòng 20 năm qua. Năm cao nhất là 2002 với 1.410 người chết", thượng tá Phong nói.
Theo người đứng đầu Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt, mục tiêu sắp tới, lực lượng cảnh sát giao thông sẽ đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào xử phạt vi phạm.
Trong đó, Công an TP sẽ hoàn thiện xử phạt qua hình ảnh. Theo thống kê, năm 2019 tỉ lệ xử lý qua hình ảnh (phạt nguội) chiếm 15-20%, năm 2020 đạt 36% và dự kiến đạt 80-90% vào năm 2022.
"Như vậy, thời gian tới, tất cả vi phạm về giao thông sẽ đều được xử lý thông qua các thiết bị. Đây là giải pháp mang tính khoa học, chặt chẽ, hạn chế sự đối đầu giữa cảnh sát giao thông và người vi phạm trên đường", thượng tá Phong cho biết.
Trao đổi về vấn đề này, ông Trần Quang Lâm - giám đốc Sở Giao thông vận tải TP - cho hay TP.HCM là địa phương đầu tiên trong cả nước đưa trung tâm giao thông thông minh vào điều hành giao thông. Hiện trên địa bàn 36km2 ở trung tâm TP đã được điều hành giao thông tự động.
"Mặc dù xe cộ tăng nhưng có thể thấy giao thông ở trung tâm TP rất ổn định. Nhờ ứng dụng công nghệ vào điều hành, lực lượng cảnh sát giao thông, thanh niên xung phong không còn mất nhiều sức để ra đường điều tiết", ông Lâm cho biết.
Kết luận hội nghị, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh thời gian tới, các sở ban ngành TP triển khai các giải pháp trọng tâm, trong đó đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, nhất là ứng dụng công nghệ điều hành giao thông, xử phạt qua hình ảnh.
Đặc biệt, Sở Giao thông vận tải TP sớm hoàn thành dự án trung tâm điều hành giao thông thông minh giai đoạn 2.
"Dân số ngày càng đông, lưu lượng xe lớn đòi hỏi việc quản lý khoa học công nghệ trong đảm bảo an toàn giao thông hết sức cần thiết. Cùng với đó, TP sẽ tập trung đầu tư các dự án giao thông liên vùng, đồng thời tập trung các giải pháp tăng cường vận tải hành khách công cộng để hạn chế xe cá nhân ngày một tăng", ông Phong nói.