TTO - Vòng chung khảo giải thưởng 'sinh viên nghiên cứu khoa học năm 2020' đã đánh giá 75 đề tài để lựa chọn ra 10 đề tài đạt giải nhất và giải nhì từng lĩnh vực khoa học và công nghệ.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Văn Phúc (trái) trao giải nhất cho nhóm sinh viên Trường ĐH Sư phạm TP.HCM - Ảnh: TRẦN HUỲNH
Lễ trao giải thưởng "Sinh viên nghiên cứu khoa học" được Bộ GD-ĐT phối hợp với Bộ Khoa học và công nghệ, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật Việt Nam đã công bố và tuyên dương, khen thưởng 10 đề tài xuất sắc nhất.
Danh sách 10 đề tài đạt giải nhất tại đây.
Theo ông Huỳnh Văn Sơn – phó hiệu trưởng phụ trách Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, đơn vị phối hợp tổ chức giải thưởng năm 2020, giải thưởng "sinh viên nghiên cứu khoa học năm 2020" đã thu hút 461 đề tài của 103 đơn vị đăng ký tham gia giải thưởng tại 6 lĩnh vực khoa học công nghệ: khoa học tự nhiên (66 đề tài), khoa học kỹ thuật công nghệ (114 đề tài), khoa học y dược (32 đề tài), khoa học nông nghiệp (22 đề tài), khoa học xã hội (198 đề tài), khoa học nhân văn (29 đề tài).
Tại vòng đánh giá sơ khảo diễn ra tháng 10-2020, các hội đồng đã lựa chọn 75 đề tài vào vòng chung khảo, 95 đề tài đạt giải ba và 139 đề tài đạt giải khuyến khích.
"Năm nay có nhiều cơ sở giáo dục đại học lần đầu tham dự giải thưởng này như một tín hiệu tích cực, đáng biểu dương. Đây là những đề tài xuất sắc nhất được lựa chọn từ hàng nghìn đề tài nghiên cứu khoa học của sinh viên ở 103 trường đại học, học viện trong cả nước", ông Sơn cho biết thêm.
Phát biểu tại lễ tổng kết và trao giải thưởng, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Văn Phúc cho biết qua các năm tổ chức, giải thưởng sinh viên nghiên cứu khoa học ngày càng thu hút nhiều cơ sở giáo dục đại học tham gia, số lượng và chất lượng đề tài đều tăng lên.
Mục đích của giải thưởng này tạo ra phong trào nghiên cứu khoa học mạnh mẽ, rộng rãi trong sinh viên. Sứ mạng của trường đại học ngoài đào tạo còn có nghiên cứu khoa học, phục vụ cộng đồng. Trong nghiên cứu khoa học ở trường đại học, ngoài nghiên cứu của giảng viên, nghiên cứu của sinh viên cũng đặc biệt quan trọng.
Ông Phúc cũng cho biết Bộ GD-ĐT và các trường đang tìm cách thúc đẩy nghiên cứu khoa học trong sinh viên để có những đột phá mới.
Ba phương diện quan trọng gồm: nghiên cứu khoa học cơ bản và công bố quốc tế; đẩy mạnh ứng dụng chuyển giao công nghệ, đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp; nghiên cứu đổi mới nội dung phương pháp, chất lượng giảng dạy, chương trình đào tạo.
TRẦN HUỲNH