Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng các đại biểu nhấn nút khai mạc diễn đàn chiều 27-11. Ảnh: QUANG PHÚC
Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia TECHFEST Việt Nam 2020 với chủ đề “Thích ứng – Chuyển đổi – Bứt phá” diễn ra từ ngày 26 đến 29-11 tại Hà Nội. Đây là sự kiện thường niên lớn nhất hội tụ các cá nhân, tổ chức, mạng lưới hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong nước, quốc tế dành cho cộng đồng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo do Bộ KH-CN phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội tổ chức.
Đồng thời, đây là dịp quảng bá hình ảnh hệ sinh thái khởi nghiệp Việt năng động, sẵn sàng chào đón sự hợp tác cùng phát triển khoa học công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo từ các đối tác trong nước, quốc tế.
Ngày hội có gần 300 gian hàng của các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo tiêu biểu, 40 hoạt động hội nghị, hội thảo. Bên cạnh các hoạt động trọng tâm là kết nối đầu tư, còn có cuộc thi "Tìm kiếm tài năng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia" để chọn ra đại diện xuất sắc nhất của Việt Nam tham dự cuộc thi toàn cầu Startup Worldcup.
TECHFEST năm nay được tổ chức bằng hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến, hệ thống trực tuyến do liên minh các công ty công nghệ thông tin hỗ trợ (DQN, GTO, Netnam, Beowulf) cũng thể hiện sự thích ứng và sáng tạo của doanh nghiệp Việt, đồng hành cùng doanh nghiệp khởi nghiệp để đảm bảo tỷ lệ chuyên gia, nhà đầu tư quốc tế tham gia đạt hơn 40%.
Bộ KH-CN cho hay, năm 2020, mặc dù đối mặt với khủng hoảng Covid-19, tổng giá trị đầu tư cho khởi nghiệp ước đạt hơn 310 triệu USD, Việt Nam cũng ghi nhận kỳ lân thứ hai là Vnpay. Nhiều địa phương đã đưa đổi mới sáng tạo thành một mục tiêu phát triển, đặc biệt tại Hà Nội, Đà Nẵng, TPHCM. Các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp gia tăng về mặt số lượng và dần hình thành mô hình kết nối giữa nhà nước - nhà trường và doanh nghiệp để tận dụng các cơ sở hạ tầng sẵn có hình thành không gian đổi mới sáng tạo, khu dịch vụ tập trung cho khởi nghiệp.
Diễn đàn Thanh niên khởi nghiệp năm 2020 quy tụ hơn 600 cá nhân, tổ chức uy tín trong hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. Tại diễn đàn Thanh niên khởi nghiệp năm 2020 chiều 27-11, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và lãnh đạo các bộ, ngành đã đối thoại với các nhà đầu tư, chuyên gia, thanh niên khởi nghiệp về 4 nhóm vấn đề gồm: Chính sách tài chính cho khởi nghiệp; Chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo, cơ hội và vai trò của thanh niên khởi nghiệp; Nguồn nhân lực chất lượng cao – yếu tố then chốt để thanh niên khởi nghiệp đóng góp vào nền kinh tế; Hệ sinh thái cho thanh niên khởi nghiệp – thực trạng và giải pháp hoàn thiện.
Bộ trưởng Bộ KH-CN Huỳnh Thành Đạt cho biết, trong giai đoạn vừa qua, từng bước, chúng ta đã hình thành và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo quốc gia. Hành lang pháp lý đã dần được hoàn thiện, gần đây nhất là sự thay đổi về triết lý tiếp cận của Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp 2020, hướng tới tạo điều kiện hơn nữa, khuyến khích hơn nữa các nguồn đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo. Hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo hiện nay đã bước vào giai đoạn mới, giai đoạn trọng yếu để phát triển.
Do đó, để phát triển hệ sinh thái một cách bứt phá, cần có sự nỗ lực và phối hợp từ các cơ quan chính phủ, doanh nghiệp khởi nghiệp đến các chủ thể trong hệ sinh thái khác. Hiện nay, Việt Nam hiện có hai doanh nghiệp khởi nghiệp kỳ lân (định giá trên 1 tỷ USD Mỹ) là Công ty Cổ phần VNG-Vinagame, VNP và khoảng 10 doanh nghiệp khởi nghiệp có định giá trên 100 triệu USD Mỹ. Bộ KH-CN kỳ vọng đến năm 2025, hệ sinh thái khởi nghiệp của chúng ta có nhiều kỳ lân hơn nữa.
Trực tiếp điều hành phiên tọa đàm, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, có nhiều ràng buộc và hạn chế gây trở ngại cho khởi nghiệp. Thủ tướng tin cuộc đối thoại sẽ giúp tháo gỡ những khó khăn, làm sao khởi nghiệp sáng tạo được thúc đẩy tốt nhất, nâng cao lời hứa và trách nhiệm của Chính phủ với thanh niên trong khởi nghiệp.
Đối thoại với các thanh niên khởi nghiệp, Thủ tướng nhận định hệ sinh thái khởi nghiệp chưa hoàn thiện, còn nhiều khó khăn. Mặc dù số lượng và chất lượng khởi nghiệp sáng tạo ở Việt Nam tăng lên, nhưng so với các nước trong ASEAN, Việt Nam còn nhiều trở ngại về cơ chế, thiếu nguồn lực, đặc biệt là nguồn vốn. Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành phải tháo gỡ những vướng mắc để làm sao mở các đổi mới sáng tạo này ở trong nước chứ không chảy máu ra nước ngoài.
“Phải sửa đổi quy định sớm và bãi bỏ các điều kiện, quy định không cần thiết. Công dân có thể kinh doanh bất cứ lĩnh vực nào mà pháp luật không cấm, nên cần phải có quy định rõ ràng. Chúng ta tạo mọi điều kiện cho thanh niên khởi nghiệp”, Thủ tướng chia sẻ.
PHAN THẢO