TTO - Chiều 27-11, chữ ký của lãnh đạo các địa phương, cộng đồng doanh nghiệp đã được đặt vào các bản cam kết trước sự chứng kiến của hơn 300 doanh nghiệp tại Diễn đàn liên kết phát triển du lịch miền Trung.
Các đơn vị tham gia ký kết tại diễn đàn chiều 27-11 - Ảnh: B.D
Diễn đàn này được tổ chức ở khu phức hợp Hoiana (huyện Duy Xuyên, Quảng Nam).
Đây là lần đầu tiên việc tập hợp lực lượng với sự dẫn dắt của hai đầu tàu kinh tế, văn hóa của cả nước nhằm kéo người Việt đi du lịch trở lại được khởi động với khí thế hừng hực.
"Có một câu đã được đúc kết thành triết lý kinh doanh là muốn đi nhanh đi một mình, còn muốn đi xa thì phải cùng nhau. Cùng kết hợp, bắt tay nhau trong khó khăn như thế này chính là cách chúng ta tạo ra sự đa dạng để tiến xa hơn trên con thuyền du lịch vượt bão với sự dẫn dắt của hai người anh lớn là TP.HCM và Hà Nội" - Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Nguyễn Văn Hùng nói tại diễn đàn.
Chúng ta sẽ tạo thành chuỗi, mỗi nơi tạo ra một đặc trưng và phân công nhau từng đầu việc. Còn nếu tự mình phát triển, tự mình tư duy thì sẽ phát triển quá nóng, sản phẩm na ná nhau và đó là sự phát triển biến dị.
- Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Nguyễn Văn Hùng -
Vẽ lại bản đồ du lịch miền Trung
Là tỉnh "thấm đòn" nặng nề khi chứng kiến hai di sản thế giới vốn nườm nượp khách thường ngày trong cảnh đìu hiu, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh nói rằng chưa thời điểm nào mà việc tập hợp lực lượng trong ngành du lịch lại cần thiết như lúc này. Đại dịch đã làm thay đổi mọi quy luật, đưa ngành du lịch đi qua những ngày chưa từng hình dung. Việc ngồi lại với sự có mặt của hai thành phố lớn Hà Nội và TP.HCM sẽ mở ra một cơ hội vực dậy du lịch miền Trung.
Chia sẻ nỗi âu lo của các địa phương và cộng đồng doanh nghiệp, Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Nguyễn Văn Hùng cho rằng tiềm năng du lịch các tỉnh miền Trung đã có sẵn, lượng khách tham quan hằng năm luôn tăng nhưng dịch bệnh vừa qua đã cho thấy cần một cách làm căn cơ, bền vững hơn trong sự phát triển. Theo ông Hùng, bối cảnh lúc này ngành du lịch không thể làm gì hơn nếu không "nắm tay nhau cùng đi". TP.HCM và Hà Nội là hai đầu tàu, đầu mối chi phối toàn bộ ngành du lịch cả nước.
"Ngồi lại cùng nhau để chúng ta vẽ lại bản đồ du lịch miền Trung với sự dẫn dắt của hai đô thị lớn trên tổng thể bản đồ du lịch Việt Nam. Đó sẽ là một bức tranh nhiều sắc màu" - ông Hùng nói. Theo ông Hùng, yếu tố quan trọng và là linh hồn của các điểm đến chính là con người, là sự thân thiện của người dân, là văn hóa điểm đến chứ không phải tỉnh nào cũng hô hào mình có "biển xanh, cát trắng, nắng vàng".
Lễ hội biển kích cầu du lịch hậu COVID-19 tại An Bàng, TP Hội An thu hút hàng chục ngàn du khách - Ảnh: B.D.
Trám lỗ hổng du lịch nội địa
Đại diện các tỉnh và các hiệp hội cho rằng sự phát triển quá nóng một thời gian của ngành du lịch đã tạo ra khoảng trống trong sản phẩm dành cho khách nội địa. Nhiều doanh nghiệp, các điểm đến khi thiết lập kinh doanh đã định hướng dòng khách nước ngoài mà bỏ rơi khách Việt.
Tham gia diễn đàn liên kết du lịch miền Trung với TP.HCM và Hà Nội chiều 27-11, đại diện chính quyền và ngành du lịch TP.HCM và Hà Nội đã đưa ra những thông điệp và gợi mở đầy hấp dẫn để "nối nguồn" vào dải du lịch miền Trung, tạo thành một khối vững chắc.
Ông Lê Thanh Liêm - phó chủ tịch thường trực UBND TP.HCM - cho rằng Hà Nội và TP.HCM là hai địa phương có quy mô rất lớn về ngành du lịch. Nếu như ở TP.HCM giai đoạn 2016-2019 ngành du lịch đóng góp 10-11% GRDP thành phố, tăng trưởng khách quốc tế bình quân hơn 16%, khách nội địa đạt 14%, tổng thu du lịch đạt hơn 13% thì cùng giai đoạn Hà Nội có lượng khách tăng trưởng bình quân 10,2%/năm, đặc biệt tỉ lệ tăng trưởng khách du lịch quốc tế đến thành phố Hà Nội lên tới 22,5%/năm; đóng góp của du lịch Hà Nội vào GRDP của địa phương cũng hết sức ấn tượng với bình quân 10%/năm. Do vậy, sự ráp nối của hai đô thị này vào miền Trung sẽ tạo ra khối liên kết rất mạnh.
Đưa ra ba nhóm giải pháp để hiện thực hóa các cam kết, ông Liêm cho rằng từ nay tới năm 2025 phải đẩy dòng khách ở hai đô thị lớn nhất nước dịch chuyển về miền Trung để tạo ra sự lan tỏa. Sự gia tăng khách và doanh thu phải đi đôi với nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch, xây dựng chuỗi du lịch thân thiện, an toàn với sản phẩm du lịch đặc trưng của từng địa phương.
Việc phát triển du lịch cũng cần đặc biệt chú trọng phối hợp ăn ý với nhau; chú trọng ứng dụng công nghệ và trí tuệ nhân tạo gắn với sự chuẩn bị lộ trình xúc tiến các thị trường quốc tế, theo dõi tình hình dịch các nước là thị trường trọng điểm... "Về phần mình, TP.HCM cam kết đẩy mạnh việc tổ chức thực hiện các hoạt động liên kết phát triển du lịch đi vào thực chất và hiệu quả, mang lại lợi ích cao nhất" - ông Liêm nói.
Trong khi đó, ông Ngô Văn Quý - phó chủ tịch UBND TP Hà Nội - cho rằng hiện bình quân mỗi năm thủ đô Hà Nội có 5 triệu lượt người có nhu cầu đi du lịch. Do thị trường quốc tế đang đình trệ nên khi ráp nối với miền Trung, Hà Nội sẽ ưu tiên kích cầu để được 5 triệu lượt này tới được miền Trung. Ông Quý cho biết TP Hà Nội đang tích cực quảng bá du lịch nội địa, tung ra các chương trình kích cầu lớn để khuyến khích người dân đi du lịch, mua sắm.
Do vậy, việc hợp tác với các tỉnh miền Trung lúc này là rất thích hợp với định hướng chung đã được thành phố đặt ra. "Hà Nội mong muốn hợp tác phối hợp cùng các địa phương trong việc thông tin đến các nhà đầu tư tiềm năng du lịch của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Đặc biệt trong việc giới thiệu, kêu gọi thu hút các đối tác, nhà đầu tư chiến lược để thực hiện các dự án phát triển du lịch tại các tỉnh, thành phố" - ông Quý nhấn mạnh.
Xây dựng liên minh kích cầu du lịch
Ông Võ Anh Tài - phó tổng giám đốc Saigontourist Group - cho biết: "Saigontourist sẽ xây dựng ba tuyến du lịch mới liên kết với các địa phương trên cơ sở khai thác đa dạng tài nguyên du lịch về văn hóa, lịch sử, di sản, biển đảo, ẩm thực đặc trưng của từng địa phương. Các sản phẩm chia ra nhiều phân khúc từ du lịch tiết kiệm, kích cầu đến du lịch cao cấp. Chúng tôi đặt mục tiêu mỗi năm sẽ phát triển ít nhất ba tour mới liên quan đến khu vực kinh tế miền Trung, nhằm tăng trên 20% lượng khách đến du lịch tại đây".
Trong khi đó, ông Trần Đoàn Thế Duy - quyền tổng giám đốc Vietravel - nhấn mạnh cần sớm xây dựng liên minh kích cầu du lịch và đẩy mạnh công tác truyền thông, đặc biệt đối với việc quảng bá các điểm đến an toàn. Song song đó, hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch đối với 5 tỉnh thành vùng kinh tế trọng điểm miền Trung cũng phải được tổ chức thường xuyên, định kỳ theo từng quý. Ngoài ra cần sớm xây dựng bản đồ số về du lịch cho TP.HCM và các tỉnh miền Trung.
Hiến kế phát triển du lịch
Ông Lê Xuân Trung - phó tổng biên tập báo Tuổi Trẻ - đã báo cáo trước diễn đàn kết quả của diễn đàn "Hiến kế phát triển du lịch Việt Nam". Đây là đóng góp của các chuyên gia trên các lĩnh vực và bạn đọc để phát triển du lịch Việt Nam thông qua diễn đàn trực tuyến do Sở Du lịch TP.HCM phối hợp cùng sở văn hóa - thể thao và du lịch các tỉnh thành và báo Tuổi Trẻ Online tổ chức trong hai tháng qua.
Đã có hàng trăm bài viết, trong đó 38 bài được chọn đăng, để hiến kế "phá băng" cho ngành du lịch. Diễn đàn đã mở ra một kênh thảo luận sôi nổi, trong đó có rất nhiều ý kiến của người trong cuộc vô cùng thiết thực, có thể áp dụng ngay để đưa ngành du lịch đi qua khó khăn.